Nếu giữ được phần thiên nhiên như thế này, Khe Đầy mới níu kéo được du khách
Cảnh quan ở Khe Đầy chưa hẳn là xuất sắc nhưng đường đi thuận lợi. Nó cũng chỉ mới nổi lên trên “bản đồ du lịch cộng đồng” trong chừng vài năm nay thôi. Hiện nay, nhờ mạng xã hội nên thông tin dễ đến được với nhiều người. Tâm lý chung của người đi du lịch là khám phá, trải nghiệm… Những địa chỉ càng mới thì càng thu hút nhiều người. Có thể nói, Khe Đầy nằm trong dạng này!
Tôi đã mấy lần đến đây, từ khi nó còn hoang sơ, ít người biết đến. Đến đây để tắm mát, thư giãn. Đẹp hay không đẹp mà mùa hè được tắm mình trong dòng suối mát len qua các ghềnh đá, cũng đã đủ đưa lại sự thú vị rồi. Mùa hè năm nay, trở lại điểm đến này, thấy có vài điểm bất ổn. Nếu chúng ta cứ phát triển du lịch cộng đồng theo kiểu này thì chẳng mấy chốc sự hoang sơ, sức quyến rũ của thiên nhiên…sẽ không còn. Và nếu đánh mất điều này thì không hoặc ít gây hứng thú đối với nhiều người.
Nói đến những điều bất ổn của Khe Đầy là bởi vì ở Thừa Thiên Huế hiện nay, nhiều địa phương khai thác lợi thế của cảnh đẹp thiên nhiên để làm du lịch, thường gọi một tên chung là du lịch sinh thái. Ở A Lưới thì có thác Anor, Nam Đông có thác Mơ, thác Trượt; Phú Lộc thì có suối Voi, suối Mơ; Hương Thủy thì có thác Chín Chàng…
Nhiều nơi đang bị “ bê tông hóa”.
Bê tông hóa... thiên nhiên ở Khe Đầy
Ở Khe Đầy, trước đây chỉ có vài hàng quán phục vụ cho khách hàng. Chòi để ngồi người ta sử dụng nhiều loại vật liệu thân thiện với môi trường như: trụ gỗ, mái lá, sàn gỗ. Tất cả những vật liệu này chủ yếu là tận dụng. Các chòi để khách ngồi được dựng lên nương theo mé suối, dựa vào ghềnh đá. Không đủ độ sang trọng nhưng nó tạo nên sự thú vị. Đúng là, khi người ta chán bê tông cốt thép ở phố thị, giờ là lúc tìm về sự hoang sơ của thiên nhiên. Đó chính là cái mà nhiều người cần cho nên loại hình du lịch suối, thác có cơ hội phát triển. Giờ thì thấy ở Khe Đầy, nền của các chòi ngồi đã bị đổ bê tông. Những mảng bê tông chồm lên cả những ghềnh đá, mà phải trải qua hàng triệu năm thiên nhiên mới tạo tác được. Có chòi người ta dán luôn gạch hoa. Trụ thì dùng bằng sắt, mái thì lợp bằng tôn… Nói chung thiên nhiên đã không còn hoang dã nữa!
Có lẽ, chúng ta cần có những quy định mang tính pháp lý cho việc khai thác thiên nhiên để làm du lịch. Khai thác thiên nhiên để đưa lại lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội thì được nhưng “cấm kỵ” làm biến dạng thiên nhiên. Phải tận dụng tối đa những loại vật liệu thân thiện với môi trường. Như thế nó mới phát triển bền vững được! Khách còn hứng thú với nó nghĩa là nó còn tồn tại lâu dài. Và như thế nó mới đều đặn “đẻ trứng” được.
Về mặt chính quyền, cấp nào quản lý hình thức du lịch theo kiểu như thế này? Có lẽ là cấp xã. Trên cấp xã là cấp huyện. Đọc báo cáo tổng kết nhiệm kỳ công tác đảng ở nhiều huyện, thấy có đề ra mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế là từ du lịch sinh thái. Thế thì có lẽ cấp huyện cũng cần đề ra những tiêu chí phát triển. Tiêu chí như thế nào là tùy các huyện nhưng theo người viết có những tiêu chí cơ bản là phát triển bền vững - phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên. Nếu cụ thể hơn nữa thì cũng cần thiết quy định: những vật liệu xây dựng, sử dụng phải thân thiện với môi trường.
Chúng ta cứ trộn bê tông đổ vào các ghềnh đá… thì còn gì là một cách làm du lịch khôn ngoan?
Bài, ảnh: Lê Phương