ClockThứ Sáu, 16/07/2021 07:00

Muốn an toàn lâu dài, phải có quy trình hoạt động

TTH - Nhiều doanh nghiệp, cơ sở lưu trú thắc mắc vì sao một số dịch vụ du lịch chưa được phép hoạt động trở lại. Lý do được chỉ ra là bởi các dịch vụ đó chưa có quy trình hoạt động đảm bảo an toàn.

Dấu ấn của người đứng đầu trong xây dựng quê hương“Non sông liền một dải” 2016 đã đến Huế

Chủ động liên kết đưa khách đến Huế là cần thiết, song phải đảm bảo an toàn (Đoàn khách từ Hà Nội và Huế bằng tour charter tàu hỏa liên kết giữa hai địa phương giai đoạn chưa bùng phát dịch thứ 4)

Chưa cho thấy an toàn cao nhất

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp du lịch và khách nội tỉnh cho rằng, tình hình dịch bệnh trong tỉnh cơ bản ổn định, nên mong muốn các hoạt động du lịch biển ở các bãi tắm cộng đồng được hoạt động trở lại. Mùa hè, về biển vui chơi vẫn là sự lựa chọn số 1 của khách nội tỉnh, nên ai cũng chờ đợi thông tin mới.

Mới đây, trong cuộc họp bàn giải pháp tái khởi động, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của ngành du lịch, các cơ sở lưu trú đề xuất, hiện một số dịch vụ trong khách sạn, resort, như: spa, massage, onsen, chăm sóc sắc đẹp… chưa được hoạt động trở lại. Trong khi đó, với xu hướng nghỉ dưỡng tại chỗ, chăm sóc sức khỏe là dịch vụ “đinh” quyết định khả năng thu hút khách nội tỉnh của các điểm đến. Do đó, các cơ sở lưu trú rất mong muốn cho phép hoạt động, hoặc giới hạn khoảng 50% công suất để tăng dịch vụ thu hút khách.

Một đề xuất khác được đánh giá là hợp lý trong thời điểm này, nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, đó là các địa phương phối hợp đưa khách đến cho nhau. Những tỉnh, thành chưa hoặc đã kiểm soát tốt dịch bệnh có thể hình thành những liên kết. Đề xuất cụ thể của các doanh nghiệp là ba địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đang được đánh giá an toàn, di chuyển thuận lợi, sẽ phối hợp bằng những tour tuyến, sản phẩm phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của khách.

Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, qua trao đổi các hiệp hội và doanh nghiệp của một số địa phương có khả năng phục hồi sớm, nhu cầu đi du lịch của du khách vẫn rất cao. Trong bối cảnh hiện nay, nội tỉnh vẫn là dòng khách chủ lực, nhưng để phục hồi du lịch hiệu quả hơn là phải mở dần được khách nội địa. Ngoài khách Quảng Bình và Quảng Trị, sẽ tính đến thị trường khách du lịch ở miền Bắc, như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An. Người lao động trong ngành du lịch Huế đã được tiêm vaccine mũi đầu tiên, tiếp đến là mũi thứ hai, nên “giấy thông hành” vaccine đối với khách du lịch nội địa đã tiêm đủ 2 mũi vaccine có thể là giải pháp được tính đến.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, lãnh đạo tỉnh và ngành du lịch rất hiểu sự cần thiết của một số dịch vụ đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, đặc biệt là du lịch biển. Nhưng với các bãi biển cộng đồng vẫn chưa thể mở cửa hoạt động, bởi chưa có quy trình đảm bảo an toàn. Có thể thấy từ các năm trước, ở biển Thuận An hay biển Cảnh Dương, mỗi ngày có đến hàng ngàn người đổ về vui chơi. Trong khi đó, khả năng quản lý, kiểm soát về số lượng, đặc biệt là kiểm soát y tế là không thể.

Các doanh nghiệp du lịch đã sẵn sàng liên kết, đưa khách đến cho nhau (Ảnh chụp trước khi bùng phát đợt dịch lần thứ 4)

Mô hình và quy trình an toàn

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe doanh nghiệp để tìm ra giải pháp tối ưu nhất sớm phục hồi ngành du lịch; qua đó, kịp thời có những chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp. Riêng với một số loại hình, dịch vụ chưa thể hoạt động, tỉnh luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác, nhưng yêu cầu là phải trên nguyên tắc an toàn. Muốn hoạt động lâu dài, bền vững đòi hỏi phải hình thành, xây dựng được các mô hình, quy trình hoạt động an toàn cho từng doanh nghiệp, cơ sở.

Điều này đòi hỏi sự chủ động từ phía doanh nghiệp. Bởi thực tế qua các chuyến kiểm tra tại một số doanh nghiệp cho thấy, vẫn còn chủ quan, chưa đưa ra những giải pháp cụ thể, chưa xác định được quy trình để đảm bảo an toàn tại cơ sở. Do đó, đối với một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở các cơ sở lưu trú, khi chưa thể khẳng định được yếu tố an toàn thì chưa vội cho phép hoạt động trở lại.

Ông Trần Hữu Thùy Giang cho biết, sau khi ngành du lịch nhiều lần kiểm tra, nhận thấy các doanh nghiệp, cơ sở, khu điểm du lịch xây dựng và đảm bảo được quy trình hoạt động, kiểm soát được lượng khách ra vào điểm nghỉ dưỡng và khách vui chơi ở bãi biển. Trên cơ sở đó, tỉnh đã cho phép hoạt động tắm biển tại các bãi tắm trong khu du lịch, resort hoạt trên nguyên tắc phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng dịch. Riêng các bãi biển cộng đồng, sẽ cho phép hoạt động khi các địa phương có bãi biển xây dựng phương án hoạt động, trong đó nêu rõ các giải pháp giám sát, hạn chế để đảm bảo quản lý an toàn phòng, chống dịch.

Riêng với đề xuất tăng cường giải pháp thu hút khách ngoại tỉnh, đầu tiên là khách ở Quảng Bình, Quảng Trị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định, doanh nghiệp có đủ tự tin, sẵn sàng, cam kết hoạt động an toàn, thì tỉnh sẽ tạo điều kiện tối đa. Lãnh đạo tỉnh sẽ làm việc với các tỉnh bạn để hình thành những cơ chế hợp tác đặc thù, phù hợp cho các doanh nghiệp của từng địa phương.

Về quy trình khai thác, phục vụ an toàn, ông Trần Hữu Thùy Giang cho biết, lâu nay tỉnh đang duy trì áp dụng bộ quy tắc phòng, chống dịch trong lĩnh vực du lịch, các doanh nghiệp dựa vào đó và thực hiện để đạt được điểm tối đa. Tùy theo từng dịch vụ và lĩnh vực mà có những yêu cầu cụ thể hơn khác nhau, nên ngành sẽ chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp, trên nguyên tắc đảm bảo các tiêu chí an toàn cao nhất.

Người lao động trong ngành đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, các doanh nghiệp đang rất tự tin và “sốt ruột” hoạt động trở lại là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, xét trên nhiều khía cạnh, an toàn vẫn là tiên quyết, nên hoạt động trở lại phải đặt yếu tố an toàn lên cao nhất.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học

Tăng cường quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học, đặc biệt chú trọng kiểm tra việc chấp hành các quy định, đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ được đặt ra tại hội nghị triển khai hoạt động các trung tâm ngoại ngữ, tin học năm 2025 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức chiều 20/12.

Tăng cường quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học
Năng động trong các phong trào, hoạt động

Các cấp hội nông dân (HND) trên địa bàn đã tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKD), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân (HVND) phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị…

Năng động trong các phong trào, hoạt động
Return to top