Sinh viên mới ra trường dễ kiếm được công việc phù hợp vì nhu cầu đang rất lớn
Khách sạn nhỏ khó tìm lao động
Anh L., chủ của một khách sạn nhỏ ở đường Võ Thị Sáu, TP. Huế cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên giữa tháng 4/2022 vừa rồi, khách sạn của anh mới mở cửa hoạt động trở lại. Mối lo về khách không phải là vấn đề quan trọng, vì dù chỉ mới mở cửa trở lại đã có khách đặt phòng. Điều khiến anh “đau đầu” hơn là việc tuyển lao động quá khó khăn.
“Khách sạn tuyển mới 2 lễ tân và 1 buồng phòng. Vị trí lễ tân dù cần 2 người, nhưng lại thuận lợi hơn nhân viên làm buồng chỉ 1 người. Khách sạn liên hệ tuyển lại chị nhân viên đã làm cho khách sạn trước đó, nhưng làm được 3 ngày thì chị xin nghỉ chuyển sang một khách sạn khác để làm việc. Thuyết phục ở lại bằng cách tăng lương, nhưng chị vẫn không đồng ý vì chỗ mới có nhiều người làm việc vui vẻ hơn. Không có nhân viên buồng phòng, khách sạn lại “chạy đôn, chạy đáo” để tìm người mới. Sau nhiều ngày nhờ người quen tìm kiếm, khách sạn đã tuyển được nhân viên buồng phòng, nhưng không biết có giữ được lâu dài hay không”, anh L. cho biết.
Tương tự, chị H., chủ một khách sạn nhỏ ở kiệt 42 Nguyễn Công Trứ, TP. Huế cũng loay hoay tìm kiếm nhân viên buồng phòng. Người cũ đã đi làm công nhân, có thu nhập ổn định và không có ý định quay lại làm việc. Trong lúc chờ đợi tuyển được nhân viên mới, chị kiêm luôn công việc này mỗi ngày. Theo chị H., không có chuyên môn nên việc làm vệ sinh không được như mong muốn, nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ khách.
Việc tuyển dụng lao động gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn này là điều đã được đề cập đến trước đó. Khi du lịch phục hồi tốt, nhu cầu tuyển dụng càng lớn. Theo khảo sát mới đây của ngành du lịch, tỷ lệ các khách sạn nhỏ, homestay quay trở lại phục vụ khách tỷ lệ thuận với đà phục hồi của ngành du lịch Cố đô. Thực tế cho thấy, cơ sở càng nhỏ, càng khó tuyển dụng lao động; hoặc tuyển dụng được những lao động thiếu kỹ năng, những lao động đã lớn tuổi. Khó khăn cho khách sạn nhỏ là sau một thời gian, lao động đã nâng cao được tay nghề lại chuyển sang làm việc ở cơ sở khác.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội Lưu trú tỉnh phân tích, điều này phản ánh đúng dự đoán trước đó về sự cạnh tranh về lao động. Một lao động có nhiều lựa chọn về vị trí việc làm, theo cơ chế thị trường, nơi nào có chính sách tối ưu nơi đó sẽ có nhiều cơ hội tuyển dụng. “Nhảy việc” là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong ngành du lịch thời gian qua. Tình trạng này chỉ hạn chế khi nguồn cung và cầu tiệm cận nhau. Theo đà phục hồi của du lịch, ít nhất 3-6 tháng nữa, môi trường lao động trong ngành du lịch mới có khả năng bão hòa.
Một lý do khách quan được chỉ ra nữa là lượng khách lưu trú ở các khách nhỏ chưa đồng đều theo các ngày; khách lại hay đặt giờ chót nên các khách sạn nhỏ bị động và không dám tuyển dụng dài hạn.
Khách sạn càng lớn, càng dễ thu hút lao động
Nỗ lực tìm giải pháp
Cũng phải nói thêm, việc các khách sạn nhỏ, nhà nghỉ du lịch, homestay khó tuyển lao động trong giai đoạn này, một phần là ở chính sách đãi ngộ không bằng những khách sạn lớn hơn. Qua những thông tin trao đổi của một số khách sạn, cơ sở chỉ đăng ký hộ kinh doanh cá thể, không thành lập doanh nghiệp nên lao động vào làm việc không có đóng bảo hiểm xã hội, không bảo hiểm y tế và những phúc lợi khác. Đây là lý do chính khiến các lao động lựa chọn môi trường kinh doanh khác khi có điều kiện.
Theo nghiệp vụ buồng phòng khách sạn, thông thường 1 nhân viên sẽ đảm nhiệm 8-10 phòng của khách sạn. Đối với các khách sạn nhỏ thông thường khoảng 15-20 phòng chỉ có 1 nhân viên, nếu 2 cũng sẽ kiêm nhiệm thêm một số việc như phục vụ, phụ bếp… Số lượng công việc ở các khách sạn nhỏ thường nhiều, nhưng lương và chế độ lại thấp hơn.
Thực tế, đây là vấn đề diễn ra từ lâu, nhưng đến nay khi nhu cầu về tuyển dụng lớn, tình trạng thiếu hụt nhân lực mới được đề cập và nhìn nhận khách quan hơn. Điều này phản ánh tình trạng người lao động chưa đảm bảo các quyền lợi cần thiết khi làm việc. Đối với các khách sạn là việc sử dụng người nhà, người thân, không nghiệp vụ để vào làm việc. Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng của khách sạn, mà ít nhiều ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp chung của điểm đến.
Về lâu dài, đây là vấn đề cần được đánh giá, điều chỉnh vì mục tiêu nâng chất lượng dịch vụ của điểm đến. Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch, trên thực tế vấn đề này rất khó để thực hiện về mặt quản lý Nhà nước. Theo quy định, các khách sạn không bắt buộc đăng ký hạng sao. Khi không đăng ký sao hạng sẽ không có tính pháp lý để quản lý ngành kiểm tra, điều chỉnh. Chỉ khi xảy ra sự vụ cụ thể nào đó, ngành mới can thiệp được.
Ông Lê Ngọc Sanh cho rằng, giải pháp trước mắt, cần tính đến các phương án hợp đồng thời vụ. Về lâu dài, để thu hút được lao động, ở các cơ sở, khách sạn, dù đăng ký kinh doanh cá thể cần đảm bảo các chính sách về bảo hiểm xã hội, y tế, các phúc lợi cần thiết đối với người lao động. Hoặc đóng bảo hiểm cần đúng với mức lương mà lao động thụ hưởng. Đó cũng là thước đo cho thấy một khách sạn hoạt động có tính pháp lý, chuyên nghiệp. Đi đôi với đó cần tạo môi trường làm việc vui vẻ, thoải mái để gắn kết người lao động.
Tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh có có 900 cơ sở lưu trú, với 13.556 phòng và 21.938 giường. Theo số liệu thống kê vào thời điểm dịch bệnh chưa được kiểm soát, có đến 88% tương ứng với khoảng 10.000 người lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp du lịch dịch vụ đã nghỉ việc do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bài, ảnh: ĐỨC QUANG