ClockThứ Năm, 21/11/2024 06:57

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

TTH - Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức”, gồm điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành, cổng, bình phong đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế triển khai.

Khởi công xây lại lăng mộ vợ vua Tự ĐứcXây lăng mộ bà Tài nhân vợ vua Tự Đức theo mẫu lăng một bà Tài nhân khácTiếp tục triển khai dự án bãi đỗ xe tham quan lăng Tự Đức - Đồng Khánh

Chất lượng các bức tường vẫn còn tốt 

Với tổng mức đầu tư hơn 99 tỷ đồng, dự án sẽ được thực hiện từ nay đến năm 2027. Các hạng mục tu bổ tập trung vào gia cố nền móng, phục hồi khung gỗ, mái ngói, đồ nội thất và các chi tiết trang trí tinh xảo để khôi phục vẻ đẹp vốn có, tái hiện không gian kiến trúc xưa và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Tại lăng vua Tự Đức, dù các lực lượng đang thi công các hạng mục của dự án, vẫn có rất đông du khách ghé thăm di tích. Hàng chục công nhân, thợ thủ công khẩn trương thực hiện việc lắp dựng hệ khung gỗ của Minh Khiêm Đường. Ngay trên nền móng công trình, những hàng cột gỗ đã được đánh dấu, sắp xếp theo vị trí, sẵn sàng cho việc lắp dựng. Ông Đặng Hùng Sơn, Phụ trách Giám sát của BQL Dự án Di tích Cố đô Huế thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế cho biết, nhà thầu thi công đang nỗ lực thực hiện lắp dựng hoàn chỉnh hệ khung gỗ của Minh Khiêm Đường, sau đó bắt tay phục dựng hệ khung gỗ Hòa Khiêm Điện, phấn đấu đến cuối năm 2024 hoàn thành phần lắp dựng.

Trước đó, hạ giải xong 3 công trình Hòa Khiêm Điện, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, toàn bộ cấu kiện gỗ được đưa vào nhà bao che để bảo quản. Theo sát cùng anh em công nhân tại công trường, ông Nguyễn An, Chỉ huy công trình lăng Tự Đức thuộc đơn vị thi công Công ty CP Tu bổ Di tích Huế cho hay, qua kiểm tra đánh giá, ngói lợp, bờ nóc, bờ quyết phần trên mái hầu hết đã hư hỏng. Các cấu kiện gỗ ước lượng chỉ còn khoảng 50% tái sử dụng được, số còn lại đa phần bị mối ăn xuyên tâm… Riêng các bức tường của 3 ngôi điện và hệ móng công trình vẫn còn tốt, chỉ cần xử lý vết nứt, tu bổ tường xây theo hiện trạng.

Theo ông An, quá trình thi công các hạng mục sẽ cố gắng giữ gìn yếu tố gốc, nguyên bản của di tích. Chỉ có chân móng công trình trước đây thực hiện đơn sơ thì nay tính toán lại kết cấu để đảm bảo độ lún, độ an toàn. “Lăng Tự Đức là công trình gỗ nên đòi hỏi thợ thủ công phải là những người có tay nghề cao để thi công đảm bảo chất lượng cũng như yếu tố thẩm mỹ. Qua đó, góp phần bảo tồn di sản ông cha để lại”, ông An bày tỏ.

Di tích lăng vua Tự Đức – Khiêm Lăng nằm dưới chân đồi Vọng Cảnh, ở phường Thủy Xuân, TP. Huế, được đánh giá là một trong những lăng mộ tiêu biểu, đẹp nhất Triều Nguyễn, điển hình cho lối kiến trúc cảnh quan truyền thống Huế. Khu lăng mộ xây dựng từ năm 1864 có diện tích khoảng 12ha, được bao bọc bởi vòng thành xây bằng đá núi dài khoảng 1.500m. Toàn bộ khu lăng có khoảng 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ. Trải qua gần 200 năm tồn tại, một số hạng mục công trình ở lăng Tự Đức đã xuống cấp trầm trọng. Năm 2015, 6 hạng mục công trình tại đây là Lương Khiêm Điện, Chí Khiêm Đường, Lễ Khiêm Vu, Pháp Khiêm Vu, Tiểu Khiêm Trì và hồ Lưu Khiêm đã được trùng tu, bảo quản, với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng.

Tháng 4/2024, dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức” (phần còn lại) được khởi công. Trong đó, công trình Điện Hòa Khiêm sẽ tu bổ, phục hồi nền lát gạch, hệ khung gỗ, hệ mái, ván vách, cửa, liên ba, sàn gỗ; phục hồi mái lợp ngói âm dương Hoàng lưu ly, bờ nóc, bờ quyết ô hộc, con giống; tu bổ án thờ, tủ thờ và đồ nội thất. Tại Minh Khiêm Đường, dự án cũng sẽ tu bổ, gia cường và cân chỉnh nền móng bó vỉa, phục hồi nền lát gạch Bát Tràng theo hiện trạng; tu bổ, phục hồi hệ khung gỗ, hệ mái, cửa; phục hồi mái lợp ngói liệt men xanh, bờ nóc, bờ quyết ô hộc gắn gạch gốm tráng men. Tu bổ, phục hồi đồ nội thất phục vụ trưng bày và tái hiện không gian; tôn tạo hệ thống điện, đèn và chiếu sáng nghệ thuật phục vụ biểu diễn nhạc truyền thống.

Dự án cũng tu bổ, phục hồi công trình Ôn Khiêm Đường ở các hạng mục nền móng, tường, hệ khung gỗ, cửa, hệ mái; phục hồi đồ nội thất cho trưng bày và tái hiện không gian… Ngoài ra, la thành, cổng (Vụ Khiêm Môn) và bình phong cũng được tu bổ, gia cường và phục hồi. Đồng thời, trang bị hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở các điểm di tích và không gian kết nối.

Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Hoàng Việt Trung thông tin, quá trình thi công được tiến hành thận trọng để đảm bảo vật liệu gốc không bị hư hỏng. Ngoài ra, nếu có nguồn tư liệu mới phát sinh, hội đồng khoa học sẽ “ngồi lại” phân tích đánh giá. “Như mới đây, qua những bức ảnh đấu giá được của các cá nhân yêu di sản Huế, phát hiện công trình tại di tích lăng Tự Đức có mái lưa nhưng thực tế hiện hữu không có, hội đồng khoa học thống nhất báo cáo cấp có thẩm quyền, Cục Di sản để điều chỉnh bổ sung. Với những hạng mục quan trọng như trên được trùng tu, công trình sau khi hoàn thành sẽ góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của Quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới”, ông Trung nói.

Bài, ảnh: LIÊN MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những “người hùng thầm lặng”

Lần đầu tiên, những nghệ nhân, thợ lành nghề được tôn vinh vì những đóng góp đầy ý nghĩa trong công cuộc bảo tồn, tu bổ công trình di tích.

Những “người hùng thầm lặng”
Hướng đến quy mô lớn và an toàn trong chăn nuôi

Hình thành các trang trại có quy mô lớn, các khu chăn nuôi tập trung phù hợp với từng địa phương; phát triển mạnh theo hướng công nghệ cao, an toàn sinh học và bền vững là vấn đề đặt ra trong phát triển chăn nuôi ở giai đoạn mới.

Hướng đến quy mô lớn và an toàn trong chăn nuôi

TIN MỚI

Return to top