Du khách đến vui chơi tại Bạch Mã Village (Phú Lộc, Huế)
Nhiều gói khuyến mãi
Tại buổi làm việc trong ngày 15/5, các doanh nghiệp cho rằng, đối tượng mà du lịch Huế cần hướng tới trong thời gian đến là dòng khách gia đình, doanh nhân, doanh nghiệp đến Huế để dự và tổ chức các hội nghị, hội thảo. Đặc biệt là từ trung tuần tháng 7/2020 trở đi hết tháng 9/2020, tập trung khai thác dòng khách gia đình, vì lúc này học sinh mới được nghỉ hè. Thời gian để thực hiện các gói kích cầu phải dài hơi, từ tháng 5 và phải hết tháng 12/2020.
Để thu hút khách, về lĩnh vực lưu trú, tất cả các khách sạn từ 3 - 5 sao đã thống nhất phương án, khách đặt phòng ngủ từ 1 - 2 đêm sẽ giảm giá phòng 25%; khách đặt phòng ngủ từ 3 đêm trở lên sẽ giảm giá phòng 50%.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội Lưu trú cho biết, trước đây, phương án kích cầu được đưa ra là áp dụng chương trình khách ngủ 3 đêm tính tiền 2 đêm. Nhưng như thế sẽ không làm lợi cho du khách và các công ty lữ hành nếu khách đến Huế mà chỉ 1 hoặc 2 đêm. Do đó, việc đưa ra các khuyến mãi khác nhau là nhằm thu hút thêm khách đến Huế; kích thích khách ở lại lâu hơn vì khi khách càng ở dài ngày giá phòng sẽ càng được giảm sâu.
Phía các Hội Lữ hành cũng thông tin, đã có một số tour có giá giảm 30-40% được hình thành. Phía các hãng hàng không cũng đã thống phương án giảm hơn 50% giá vé và cung ứng cho các lữ hành với seri vé (số lượng vé lớn) với giá vé ưu đãi tốt hơn.
Sau những kế hoạch và khuyến khích từ lãnh đạo tỉnh và ngành du lich Huế, hiện nay, các lĩnh vực từ vận chuyển, lữ hành, lưu trú, điểm du lịch, nhà hàng… đều đã kết hợp để cùng “tung” ra gói khuyến mãi, kích cầu thật sự có quy mô chưa từng có của du lịch Huế từ trước đến nay. Do đó, các doanh nghiệp du lịch Huế đặt mục tiêu, từ tháng 7/2020 đi, khách đến Huế sẽ đạt 60% so với cùng kỳ năm 2019.
Du khách tham quan Đại Nội Huế dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5
Sẽ đề xuất với UBND tỉnh
Một vấn đề được quan tâm và bàn thảo nhiều từ phía doanh nghiệp là liên quan đến thời gian giảm giá vé tham quan các điểm di tích Huế (50%). Phía Hiệp hội Du lịch thông tin, các khách hàng và đối tác công ty lữ hành phản hồi vấn đề này với nhiều băn khoăn. Thông thường, từ xây dựng tour đến khi khai thác ổn định phải kéo dài 6 tháng đến 1 năm. Vì thế, thời gian giảm giá di tích đến hết tháng 7/2020 đang gây khó để xây dựng tour tuyến kích cầu có tính dài hạn.
Các doanh nghiệp lữ hành dự báo, từ nay đế tháng 7/2020, khách đến Huế chủ yếu là khách lẻ, còn khách đi theo đoàn sẽ chưa nhiều. Khả năng đến tháng 8 (thời điểm nghỉ hè) mới bắt đầu khai thác được khách đi đoàn, nhưng lúc này giá di tích Huế đã quay về mức cũ.
Ở một diễn biến khác, các điểm đến trong cả nước đang đưa ra nhiều gói khuyến mãi kích cầu đến hết năm 2020. Phía các doanh nghiệp cho rằng, sự cạnh tranh về điểm đến là khó tránh khỏi và Huế cần có chiến lược dài hơi để có thể kích cầu được du khách.
Ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, đối với du lịch, sẽ có 3 chi phí quan trọng chi phối các tour du lịch, đó là giá dịch vụ lưu trú, dịch vụ tham quan và dịch vụ hàng không. Các điểm tham quan di tích ở Huế đưa ra thời gian giảm giá đến hết tháng 7/2020 so với các khuyến mãi kèm theo khác, như lưu trú, lữ hành, vận chuyển… sẽ tác động không nhỏ đến gói kích cầu chung.
“Huế đã rất cố gắng và ban hành chính sách giảm giá sớm; đồng thời, tùy vào tình hình sẽ có phương án tiếp theo. Nhưng trên thực tế là đang có những bị động nhất định trong việc chủ động xây dựng các gói kích cầu dài hạn để đưa khách về Huế. Về phía Hiệp hội sẽ sớm có văn bản thông tin thực tế này và đề xuất với UBND tỉnh có phương án phù hợp, để xây dựng được các gói kích cầu mang tính đồng bộ và dài hạn”, ông Đinh Mạnh Thắng cho biết.
Bài, ảnh: Đức Quang