ClockThứ Hai, 31/07/2017 06:06

Phát triển du lịch, dịch vụ gắn với xây dựng thành phố festival

TTH - TP. Huế xác định, từ nay đến năm 2020 tập trung nguồn lực phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, dịch vụ để xây dựng thương hiệu Thành phố festival.

Du khách thích thú với áo dài Việt tại Festival Nghề truyền thống Huế 2017

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Thời gian gần đây, Huế khá chú trọng tới việc đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất để phát triển ngành du lịch, dịch vụ. Ngoài hạ tầng kết nối như đầu tư mở rộng các tuyến đường đến các khu du lịch, mở thêm các chuyến bay, các cơ sở lưu trú và chất lượng dịch vụ cũng được nâng lên đáng kể.

Hiện, toàn TP có 430 cơ sở lưu trú, với hơn 7.900 buồng phòng, hơn 13.400 giường; trong đó có 4 khách sạn 5 sao, với 643 phòng, 12 khách sạn 4 sao, với gần 1.500 phòng, 133 khách sạn từ 1-3 sao, còn lại là khách sạn đạt chuẩn. Ngoài ra, dịch vụ homestay hiện khá phát triển, với nhiều khu du lịch đạt chuẩn được du khách lựa chọn.

Gần đây, HĐND tỉnh đã thông qua và TP. Huế đã triển khai đề án hỗ trợ 14 nhà vườn trên địa bàn trùng tu, sửa chữa để phát triển du lịch. Ngoài hỗ trợ của đề án, nhiều nhà còn đầu tư thêm để phát triển mô hình du lịch homestay như nhà ông Đặng Văn Thành, Hồ Xuân Doanh… ở phường Thủy Biều.

Các loại hình lưu trú khác như nhà nghỉ, nhà khách… cũng được người dân đầu tư, nâng cấp để đón các dòng khách bình dân hoặc du lịch "bụi", ưa tiện lợi…

Việc kết nối tour tuyến cũng được chú trọng, ngoài gần 90 đơn vị lữ hành gồm cả trong nước và quốc tế, lãnh đạo tỉnh, ngành du lịch thường xuyên có những buổi làm việc với các doanh (DN) nghiệp lữ hành ở hai đầu đất nước để kết nối tour đưa khách về Huế.

Việc xúc tiến đầu tư vào ngành du lịch cũng được chú trọng để kêu gọi đầu tư phát triển ngành kinh tế mũi nhọn. Trong hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016, có khá nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, trong đó có những tập đoàn lớn như Hilton (Anh), Bitexco, BRG…

Hàng mây tre đan Bao La thu hút khách

Nâng cao chất lượng dịch vụ

Điều khiến du lịch Huế chưa níu chân được du khách là các sản phẩm du lịch về đêm khá tẻ nhạt, hàng quà tặng, lưu niệm chưa phong phú. Từ thực tế này, TP. Huế vừa tổ chức hội thi sáng tạo hàng thủ công mỹ nghệ làm quà tặng dịp Festival Nghề truyền thống Huế nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và tìm ra sản phẩm độc đáo để nhân rộng, quáng bá, giới thiệu và bán cho khách du lịch.

Ông Hồ Thắng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, Huế có lợi thế với các làng nghề truyền thống có giá trị, nếu biết phát huy bằng việc hỗ trợ ban đầu và tìm đầu ra cho các làng nghề, chắc chắn sẽ có thêm các sản phẩm quà tặng phong phú.

TP. Huế khuyến khích và kêu gọi các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành… mạnh dạn đầu tư phát triển dịch vụ để thu hút du khách. Mới đây, có DN đầu tư mô hình du lịch homestay sau khi TP. Huế triển khai đề án hỗ trợ phát triển nhà vườn để thúc đẩy hình thức du lịch này phát triển. Các loại hình du lịch khác như sinh thái, tâm linh, khám chữa bệnh… cũng đang được khuyến khích để trở thành nét đặc trưng khi nhắc đến du lịch Huế.

Xúc tiến kêu gọi đầu tư, hỗ trợ đào tạo nhân lực ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ cũng được lãnh đạo tỉnh, TP. Huế quan tâm nhằm tạo ra đội ngũ những người làm du lịch, dịch vụ chuyên nghiệp cũng như tăng cường thêm cơ sở vật chất, nhất là những dịch vụ chất lượng cao, đẳng cấp để phục vụ dòng khách hạng sang, khách Âu… mà thị trường du lịch Huế hướng tới.

TP. Huế cũng xây dựng các chương trình, kế hoạch và không ngừng đổi mới các nội dung, chương trình festival nghề truyền thống để ngày càng thu hút du khách gần xa. Thành công của Festival Nghề truyền thống Huế 2017, với lượng khách đến Huế tăng vọt và doanh thu tăng cao nhờ vào việc đổi mới không gian tổ chức và đưa vào một số chương trình mới như áo dài, thời trang…

Từ nay đến năm 2020, TP. Huế đầu tư và triển khai lần lượt các dự án, chương trình, kế hoạch nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, từ nay đến cuối năm đưa vào vận hành phố đi bộ Chu Văn An-Phạm Ngũ Lão-Võ Thị Sáu, hoàn thành chợ đêm phục vụ khách du lịch, người tiêu dùng, triển khai xây dựng tuyến đi bộ dọc sông Hương, phê duyệt quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương. Năm 2018, hình thành không gian sách, quy hoạch các công viên, xã hội hóa đầu tư trung tâm làng nghề đúc đồng… Năm 2019, xây dựng một số dự án điểm phát triển du lịch, hình thành trung tâm hội nghị… Năm 2020, hình thành và vận hành TP thông minh.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chỉnh trang, phát triển đô thị Sịa

Thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền hôm nay đã mang một diện mạo mới, tuy nhiên, tốc độ phát triển đô thị ở địa phương này vẫn còn chậm.

Chỉnh trang, phát triển đô thị Sịa
Hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch

Với đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, nhiều tiện ích đô thị ở một số khu vực trên địa bàn TP. Huế hoàn thiện đã góp phần kích cầu du lịch, tạo động lực để các doanh nghiệp (DN) đầu tư thêm dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của du khách.

Hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch
Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

TIN MỚI

Return to top