1 - Chưa phổ biến nhưng rõ ràng đã có hiện tượng sao chép sản phẩm du lịch. Ở Huế, chủ yếu là dựa trên các tour, tuyến. Kiểu như công ty A dựa trên tour, tuyến của công ty B để áp dụng và triển khai cho mình. Điều lo ngại là sẽ kéo theo hệ quả cạnh tranh không lành mạnh trong một số hoạt động của du lịch Huế.
Hiểu là vậy, nhưng lại khó kiểm soát khi cùng một sản phẩm có rất nhiều doanh nghiệp cùng làm và khai thác gần như nhau. Chẳng hạn như nghe ca Huế trên sông Hương, khách đi tour nào cũng nhận được dịch vụ na ná như nhau, vậy nên thật khó đánh giá và kiểm soát cái gọi là sao chép sản phẩm du lịch.
Có ý kiến rằng, tài nguyên du lịch là của chung nên ai khai thác cũng được, miễn theo quy định của pháp luật. Chưa kể, đa phần khách đi tour, tuyến thường chỉ quan tâm đến kinh phí phải trả sau khi biết sơ qua hình thức, nội dung nơi mình muốn đến. Những điều này vô hình chung khiến việc sao chép sản phẩm du lịch có đất sinh sôi.
2 - Thực tế, hạ giá, khuyến mãi “khủng” trong hoạt động du lịch ở Huế hiện nay đa phần do các doanh nghiệp chưa thu hút khách. Vấn đề là do doanh nghiệp không đủ thương hiệu và dịch vụ để cạnh tranh. Đã vậy, khi hạ giá thì chắc chắn chất lượng dịch vụ lại càng không cao. Chưa kể, sản phẩm bắt chước thường không chất lượng bằng sản phẩm ban đầu nhưng do đầu ra thấp hơn, bắt buộc đơn vị tiên phong tạo ra sản phẩm cũng phải hạ giá theo nếu không muốn mất khách. Và đó chính là mấu chốt dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.
Nhưng ở khía cạnh tích cực, khi sản phẩm bị sao chép thì bắt buộc doanh nghiệp có ý tưởng ban đầu sẽ phải làm tốt hơn nữa. Còn những doanh nghiệp “ăn theo” cũng phải cố gắng hoàn thiện cái mà mình “copy”. Bởi cùng một sản phẩm, nếu doanh nghiệp nào làm tốt hơn thì khách sẽ lựa chọn sử dụng tiếp cho lần sau hoặc truyền tai cho bạn bè. Khi đó sự cạnh tranh lại trở nên hiệu quả, thúc đẩy du lịch phát triển.
3 - Nói điều này không có nghĩa cổ súy cho tình trạng cạnh tranh không lành mạnh thông qua việc sao chép ý tưởng trong du lịch, bởi không ai muốn tốn thời gian, công sức, tiền bạc… “khai phá” sản phẩm mới để rồi khi hình thành lại bị người khác sử dụng mà không thể làm gì được do vẫn chưa có quy định nào để căn cứ vào đó đưa ra các hình thức chế tài hoặc bảo hộ.
Tuy nhiên, trong thời điểm chưa có “trọng tài”, thay vì cứ sợ bị làm nhái khiến các doanh nghiệp cứ “co mình” kéo theo sản phẩm bị bó hẹp, nhàm chán, những người làm du lịch cần hợp tác để cùng nhau khai thác sản phẩm. Khi đó vừa kiểm soát tình trạng kinh doanh thiếu lành mạnh, vừa tạo được sản phẩm phong phú, là sức mạnh để tiến đến quy mô lớn hơn, khai thác được nhiều thị trường hơn.
Mà để làm được điều này, trước hết cần loại bỏ tư tưởng kinh doanh khép kín, cách làm manh mún, và quan trọng nhất là biết tin và tạo dựng lòng tin với nhau trong hợp tác cũng như tranh thủ, phát huy hiệu quả chức năng gắn kết các doanh nghiệp mà Hiệp hội Du lịch là đầu tàu.
ĐỨC QUANG