Cái khó ló cái khôn
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Hương Giang, nhận định: “Du lịch biển năm nay gặp khó, đó là tình hình chung của cả miền Trung chứ không riêng ở Huế. Đây chỉ là khó khăn tạm thời, một thời gian ngắn nữa chắc chắn biển sẽ lại hút khách trở lại. Khách quan nhìn nhận, đây chính là thời điểm “vàng” cho một số điểm đến mới tăng cường quảng bá, thúc đẩy phát triển. Chẳng hạn như nghỉ dưỡng gắn với rừng núi, du khách sẽ được tắm suối thay vì tắm biển. Nếu làm tốt, các điểm đến này là sự thay thế xứng đáng cho du lịch biển, qua đó, tạo điểm nhấn để thu hút khách khi đến Huế trong năm nay và nhiều năm đến”.
Thác Bồ Ghè, điểm du lịch sinh thái mới ở Phú Lộc
Năm nay, các điểm du lịch sinh thái ở tỉnh ta đang có những bước tiến trong xây dựng thương hiệu. Từ một điểm đến khá mới mẻ, suối Pâr Le (xã Hồng Hạ, A Lưới) đang trở thành điểm đến thu hút hàng đầu của du khách. Anh Nguyễn Thượng Hiển, Công ty HGH Travel cho biết: “Chúng tôi xây dựng được tour cố định riêng đi từ TP. Huế lên suối hằng ngày. Ngoài ra, đã đưa vào các tour chung để thay thế một số điểm không được khách chọn trong năm nay. Qua một thời gian khai thác, tất cả khách hàng đánh giá rất cao”.
Thác Bồ Ghè là điểm du lịch sinh thái được khai thác gần 5 năm. theo Ban quản lý, năm nay thác mới đón lượng khách đông như thế. Vào những ngày lễ, cuối tuần, thác gần như quá tải. Ông Huỳnh Tấn Tam, Giám đốc HTX Trung Tiến, đơn vị quản lý Khu du lịch sinh thái Bồ Ghè, cho biết: “Nắm bắt tình hình, chúng tôi đã họp bàn với các thành viên tham gia kinh doanh không nâng giá, phải bán theo giá niêm yết. Mỗi hộ kinh doanh sẽ có trách nhiệm quản lý đoạn thác chảy qua, phải giữ gìn vệ sinh chung. Làm sao đó, tạo được cảm giác thoải mái cho du khách khi đến với Bồ Ghè”.
Ông Nguyễn Hàng Quý, Giám đốc HGH Travel phân tích: “Điểm đến Huế có vị trí đặc biệt vì đây là một trong những điểm đến “đậm đặc” về di sản, lịch sử và văn hóa. Tuy nhiên, khi khai thác du lịch văn hóa, du lịch di sản, điểm hạn chế là sẽ rất hiếm khách quay trở lại cũng như khách lưu trú dài. Tại những điểm du lịch nghỉ dưỡng, du khách thường có xu hướng lưu trú dài. Nếu là điểm nghỉ dưỡng yêu thích, họ có thể quay trở lại nhiều hơn nữa. Như vậy, ngoài du lịch văn hóa, di sản, Huế cần có thêm nhiều sản phẩm phục vụ du lịch nghỉ dưỡng, khai thác giá trị độc đáo của Huế gắn kết với di sản là biển, đầm phá, núi rừng Trường Sơn và Vườn Quốc gia Bạch Mã.
Tăng cường kết nối
Ông Huỳnh Tấn Tam, cho hay: “Thời gian qua, chúng tôi có mời một số hãng lữ hành về khảo sát để làm tour. Chúng tôi cũng mời đài truyền hình về quay phim quảng bá. Với những bước đi tuy còn mang tính sơ khai này, nhưng hy vọng Bồ Ghè sẽ được nhiều du khách biết đến hơn. Thời gian đến, nếu lượng khách tăng chúng tôi sẽ mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt làm lại con đường dẫn vào thác để du khách thuận tiện hơn trong khâu di chuyển”.
Ông Nguyễn Hàng Quý góp ý: “Khách hiện nay tự tìm đặt dịch vụ lưu trú, các chương trình tour ngắn ngày. Cần khuyến khích các mô hình “chia sẻ” lưu trú như homestay, các mô hình chia sẻ nhà, căn hộ, mở rộng cho lưu trú tại các cơ sở tôn giáo (thử nghiệm) để khai thác thêm hướng du lịch tôn giáo…Các công ty du lịch địa phương cần sáng tạo và cùng nhau tạo các sản phẩm ngắn ngày, mới, độc đáo, các trải nghiệm thực tế và cùng khai thác, bảo vệ cho nhau, cho cộng đồng. Quan trọng nhất là sự kết nối giữa điểm đến, đơn vị quản lý và lữ hành. Đây là kết nối hữu cơ, cả ba đồng lòng thì mới hoạt động tốt được”.
“Với sự hoàn thiện các dịch vụ ở các điểm đến, chắc chắn sẽ tạo nên những ấn tượng trong lòng mỗi du khách. Thông qua đó, các điểm đến tự khẳng định mình, vươn lên bằng những sản phẩm du lịch chất lượng. Từ đó, tạo nên sự đa dạng cho du lịch Huế. Du khách sẽ có nhiều sự lựa chọn tối ưu hơn khi đến Huế”, bà Lê Thị Ánh Tuyết chia sẻ.
Đức Quang