ClockThứ Hai, 07/10/2019 06:45

Thiếu nhân lực "rành" công nghệ

TTH - Nếu không có nguồn nhân lực làm chủ được cuộc cách mạng 4.0, Huế sẽ rất khó để phát triển tốt du lịch thông minh (DLTM).

Gỡ nút thắt hạ tầng du lịch

 Du khách tham quan mô hình đô thị thông minh

Chưa đào tạo chuyên sâu

Huế đang tập trung phát triển DLTM được hơn một năm qua. Mới đây, UBND tỉnh cũng đã tổ chức diễn đàn du lịch Huế 2019 với nội dung chính là tìm giải pháp để cụ thể hóa kế hoạch phát triển DLTM, hướng đến tính bền vững cho du lịch Huế. Định hướng đã có, song điều lo lắng nhất của Huế chính là nhân lực, những con người sáng tạo và có thể tương tác được với công nghệ; có trình độ chuyên môn để quản lý, vận hành và khai thác hệ thống dữ liệu về du lịch.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, nhân lực du lịch chất lượng đáp ứng được nhu cầu phát triển của cuộc cách mạng 4.0 và tận dụng cuộc cách mạng này vào phát triển du lịch ở Huế đang còn rất thiếu. Ở Huế có đào tạo về kỹ sư công nghệ thông tin, tuy nhiên, chuyên ngành về du lịch lại chưa có. Do đó, doanh nghiệp sẽ mất khá nhiều thời gian để đào tạo lại lao động mới có thể đáp ứng được nhu cầu của công việc.

Hiện nay, Huế có đến 10 cơ sở đào tạo du lịch (3 cơ sở đại học, 2 cơ sở cao đẳng, 5 cơ sở trung cấp), với tổng số sinh viên ra trường mỗi năm hơn 1.250 người. Đánh giá của doanh nghiệp du lịch, lượng lao động mới ra trường chủ yếu được đào tạo về nghiệp vụ, kỹ năng về phục vụ khách, còn nhân lực “rành” về công nghệ có liên quan đến ngành du lịch gần như chưa đào tạo.

Áp dụng thành tựu công nghệ 4.0 là giải pháp hiệu quả để xúc tiến, quảng bá hình ảnh Huế đến du khách trong nước và quốc tế. Theo Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch, dữ liệu về du lịch của Huế luôn dồi dào, nhưng lại thiếu những con người, đội ngũ để có thể lập trình, vận hành và áp dụng những cách thức mới dựa vào công nghệ để truyền thông điệp đến với du khách. Nhân lực trong lĩnh vực xúc tiến quảng bá hiện nay đa số được đào tạo chủ yếu về các lĩnh khác, chưa có lĩnh vực công nghệ thông tin.

Không chỉ các cơ quan quản lý Nhà nước đang “khát” nhân lực chất lượng đáp ứng cách mạng 4.0, các doanh nghiệp du lịch cũng đang thiếu hụt. Hội Lưu trú tỉnh lấy minh chứng, ở các khách sạn hiện nay đã sử dụng quản trị thông qua các ứng dụng, phần mềm, nhưng mới chỉ có các khách sạn cao sao triển khai. Hay phần mềm báo cáo số lượng khách trực tuyến đã được yêu cầu áp dụng gần một năm qua, đến nay vẫn còn rất ít doanh nghiệp triển khai, một phần nguyên nhân là do thiếu nhân lực công nghệ.

Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Vietsoftpro, đơn vị áp dụng nhiều sản phẩm du lịch công nghệ vào phục vụ du khách ở Huế (hệ thống thuyết minh tự động ở các điểm di tích) đánh giá, thời gian qua, công ty tuyển khá nhiều nhân lực về lĩnh vực công nghệ, gần đây tốc độ tuyển dụng đã chững lại, gần như đã “vét” hết nguồn lao động đáp ứng nhu cầu về công nghệ tại Huế. Dù đã tuyển gần như cạn lao động, nhưng cũng chỉ mới đạt khoảng 10% nhu cầu của Vietsoftpro.

Du khách tìm hiểu dịch vụ thuyết minh tự động khi tham quan Đại Nội

Hợp tác đào đạo

Theo các chuyên gia du lịch, từ du lịch truyền thống đến DLTM, nguồn nhân lực đặc biệt là đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp có vai trò then chốt, “tài sản” quý giá nhất của ngành du lịch, có tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của từng doanh nghiệp cũng như sự phát triển bền vững của ngành du lịch Huế. Việc đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội và xu hướng phát triển của ngành du lịch là yếu tố không thể thiếu trong việc thúc đẩy triển khai DLTM.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc Đại học Huế cho rằng, để phát triển nhân lực du lịch phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, trước hết cần thay đổi quan điểm, nhận thức, trách nhiệm và cơ chế, chính sách trong đào tạo nhân lực. Thực hiện nghiêm túc việc đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Ngoài ra, thực hiện hiệu quả kết nối giữa 3 nhà (Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp) để tiến tới áp dụng cơ chế đặt thù trong đào tạo nhân lực du lịch, ứng dụng công nghệ trong hoạt động đào tạo.

Ông Hoàng Quốc Việt phân tích, từ thực tế của doanh nghiệp, nhu cầu về nhân lực cho cách mạng 4.0 cực kỳ lớn trong một vài năm tới. Do đó, cần có kế hoạch cụ thể và cơ chế tạo điều kiện liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường mới tiến hành đào tạo hiệu quả. Vietsoftpro đã làm việc với Trường đại học Khoa học Huế và thời gian đến sẽ làm việc thêm một số trường đại học nữa để có giải pháp liên kết đào tạo nguồn nhân lực bền vững 4.0. Doanh nghiệp sẽ cung cấp trang thiết bị, môi trường thực tiễn trong đào tạo, khi ra trường đảm bảo đầu ra cho các em sinh viên. Khi đó mới thu hút và giữ chân được lao động ở lại với Huế.

Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Võ Quang Liên Kha, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho rằng, sự chuẩn bị cho xu hướng DLTM là điều vô cùng quan trọng. Chẳng hạn, Vietravel chuẩn bị nguồn nhân lực bằng cách tham dự các khóa đào tạo về công nghệ như: DataWareHouse, phân tích BigData, trí tuệ nhân tạo AI, an ninh mạng… Xây dựng hệ sinh thái các ứng dụng bằng cách hợp nhất các ứng dụng tương tác với nhau.

"Nếu Huế có nhu cầu, Vietravel sẵn sàng chia sẻ, hợp tác để trao đổi và gắn kết với hệ thống DLTM, hướng đến phục vụ du khách, người dân tốt hơn, góp phần phát triển bền vững ngành du lịch của Huế", ông Võ Quang Liên Kha nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn Độ là dòng khách tiềm năng cho nhiều quốc gia

Ghi nhận khảo sát trong thời gian gần đây cho thấy, du khách Ấn Độ đang có nhu cầu du lịch ngày càng cao. Điều này thể hiện rõ khi nhiều người rất háo hức trải nghiệm du thuyền Disney Adventure của Disney Cruise Line, lần đầu tiên có mặt tại châu Á tại Singapore và mong muốn tàu khởi hành sớm hơn so với dự kiến vào tháng 12/2025. Thậm chí, một số gia đình đã lên kế hoạch du lịch đến những nước châu Á khác như Nhật Bản trong thời gian chờ đợi tàu khởi hành.

Ấn Độ là dòng khách tiềm năng cho nhiều quốc gia
Triển khai 932 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đạt chất lượng cao

Sáng 21/12, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế (ĐHH) tổ chức hội thảo tổng kết khoa học và công nghệ (KHCN) giai đoạn 2019-2024 và xây dựng chiến lược phát triển nhiệm kỳ 2025-2030. Đến dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan và các nhà khoa học, lãnh đạo Trường đại học Y - Dược, ĐHH.

Triển khai 932 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đạt chất lượng cao
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

TIN MỚI

Return to top