Quốc lộ 49B dọc biển chưa đáp ứng các loại xe cỡ lớn lưu thông
“Điểm nghẽn”
Du lịch và dịch vụ là hai lĩnh vực được định hướng phát triển dài hạn và bền vững của Thừa Thiên Huế. Theo Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh, hệ thống hạ tầng du lịch và dịch vụ chất lượng tốt, phát triển đồng bộ sẽ có tác động lớn đến kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Do vậy, chiến lược phát triển du lịch luôn đi kèm với việc đầu tư và triển khai các dự án phát triển hạ tầng, dịch vụ.
Lãnh đạo tỉnh cũng khẳng định, Huế xác định rất rõ phát triển kinh tế bền vững thông qua định hướng phát triển đô thị di sản, văn hóa, cảnh quan, sinh thái và thân thiện môi trường. Với những giá trị văn hóa, lịch sử, cùng với đó là cảnh quan và con người thân thiện… là những điều kiện thuận lợi phát triển du lịch Huế bền vững. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, ngành du lịch vẫn chưa tạo ra giá trị kinh tế lớn cho tỉnh.
Lợi thế là có, nhưng “điểm nghẽn” lớn nhất chính là hạ tầng, nhất là giao thông để kết nối, tiếp cận điểm đến. Để phát triển tốt, cần đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ. Nhưng ngành du lịch thẳng thắn nhìn nhận, nguồn thu từ du lịch chủ yếu vào trong dân, sự đóng góp vào ngân sách ít nên để tái đầu tư lại hạ tầng cho du lịch chưa cao.
Tại hội thảo hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng du lịch và dịch vụ được tổ chức tại Huế gần đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định đánh giá, Huế có rất nhiều điểm đến có thể tạo đột phá cho du lịch, nếu “cởi trói” hạn chế hiện hữu về hạ tầng, đặc biệt là sân bay, chắc chắn sẽ tạo động lực thúc đẩy du lịch.
Ngoài sân bay, những “điểm nghẽn” trong hạ tầng du lịch Huế không khó để chỉ điểm. Huế có cảng biển nước sâu Chân Mây, một trong những cảng được đánh giá có triển vọng nhất toàn quốc để phát triển du lịch, đón những tàu cỡ lớn. Tuy nhiên, với nhiều cố gắng, đến tháng 9/2019, cảng Chân Mây vẫn chỉ khai thác bến cảng số 1 chung giữa du lịch và tàu hàng. Trong lựa chọn phát triển kinh tế ở cảng Chân Mây, rõ ràng buộc phải có sự ưu tiên về các tàu lưu thông hàng hóa, có nguồn thu cao hơn. Dù nhu cầu của các tàu du lịch biển cập cảng lớn, song cũng buộc phải hạn chế lượt cập cảng.
Huế có dải bờ biển dài, nhưng sự kết nối, tiếp cận với TP. Huế còn hạn chế. Hai tuyến đường tạo động lực phát triển du lịch đã có kế hoạch đầu tư, đó là đường từ Tố Hữu về sân bay Phú Bài và đường từ Tố Hữu về biển Thuận An, nhưng cũng mất gần 5 năm mà chưa triển khai được đường Huế - Phú Bài. Riêng đường Huế - Thuận An phải đợi nguồn vốn ưu tiên trong đầu tư công mới khởi công được. Để giải bài toán về vốn, tỉnh đã tính đến phương án đấu thầu một số quỹ đất trong đô thị, đầu tư tuyến đường từ Huế về Phú Bài, song do vướng một số quy định nên chưa thể triển khai.
Hàng loạt “điểm nghẽn” về hạ tầng khác cũng được chỉ ra, đó là tuyến đường dọc biển, Quốc lộ 49B, qua gần 5 năm sửa chữa vẫn chưa hoàn thiện. Tương tự, ở TP. Huế có rất nhiều tuyến đường kết nối đến các điểm du lịch, lăng tẩm vẫn còn khó khăn.
Hiện, có hai nguồn vốn chính để phát triển hạ tầng du lịch là nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn thu hút đầu tư bên ngoài. Với nguồn ngân sách Nhà nước gần như bị “chốt chặn” bởi nguồn đầu tư trung hạn. Bên cạnh, việc huy động thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư hạ tầng du lịch lại chưa có cơ chế, chính sách nên càng khó khăn.
Đón đầu PPP
TS. Trần Tiến Dũng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, tình trạng chung hiện nay là nguồn vốn đầu tư công rất eo hẹp, trong khi nhu cầu phát triển hạ tầng rất lớn, không riêng ở Huế mà cả nước. Theo đó, hợp tác công - tư (gọi tắt là PPP) được xem như là giải pháp tối ưu để các địa phương huy động được nguồn vốn lớn. PPP là mối quan hệ giữa khu vực tư nhân và khu vực công nhằm mục đích thực hiện thiết kế, quy hoạch, xây dựng, cung cấp và vận hành hạ tầng, các tiện ích và dịch vụ mà Nhà nước có trách nhiệm phải cung cấp.
Theo TS. Trần Tiến Dũng, khi ở lĩnh vực công không đủ nguồn tài chính cho các dự án đầu tư mới mà vẫn mong muốn có dự án để phát triển du lịch, kinh tế, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, hơn giải pháp nào hết, lĩnh vực tư nhân sẽ cùng tham gia vào và hưởng lợi. Khi thực hiện sự hợp tác này, giúp hai bên chia sẻ rủi ro và cả trách nhiệm tốt hơn. Riêng với phía tư nhân, sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội kinh doanh. Lợi nhuận của tư nhân trong hợp tác công - tư có thể nhỏ, nhưng được đảm bảo an toàn và lâu dài. Đó là những động lực quan trọng để Huế có những kế hoạch sớm để tận dụng được sự hợp tác này.
Tuy nhiên, ông Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trăn trở, thực tế huy động nguồn lực cực kỳ khó khăn. Dù rất biết sự hợp tác này sẽ giúp Huế có nguồn vốn để phát triển hạ tầng, nhưng làm sao để huy động nguồn lực ngoài xã hội, cơ chế nào để “khơi thông” được dòng chảy.
Nút thắt về khung pháp lý chưa cho phép các địa phương “vượt rào” để có thể có những hợp tác PPP đúng nghĩa, trong đó có Huế. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, lâu nay trong các Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công đều có những quy định về hợp tác trong lĩnh vực công - tư tác, tuy nhiên, những ràng buộc, quyền lợi và nghĩa vụ trong hợp tác công - tư vẫn chưa được thể hiện, khiến sự hợp gặp vướng mắc. Hiện dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư đang được trình lấy ý kiến và khi luật này ra đời sẽ là chìa khóa tháo “vòng kim cô” mà Huế nói riêng và các địa phương đang gặp phải.
Dù thế thì các chuyên gia về du lịch cho rằng, ngay từ bây giờ Huế cần có những nghiên cứu quy trình phát triển các dự án theo mô hình hợp tác công – tư để đón đầu cho sự phát triển. Để làm điều này, cần có cơ quan đầu mối về PPP, thiết lập danh mục các dự án tiềm năng, lập quỹ phát triển dự án và nghiên cứu tính khả thi để sớm triển khai thực hiện…
Bài, ảnh: ĐỨC QUANG