ClockChủ Nhật, 26/03/2017 10:06

Doanh nghiệp & tài nguyên

TTH - Thực tế của đất nước mình, nói không quá lời, cứ hễ có tài nguyên là có tình trạng khai thác không “đàng hoàng đứng đắn”.

Là khai thác trái phép, mà nói gọn một từ theo dân gian là “lậu”. Nhiều thứ khó thể kể ra hết: lâm sản lậu, đất lậu, titan lậu, than lậu… và bây giờ đang nóng lên là cát lậu. Quy mô có chỗ nhỏ chỗ to, khi lén lút, lúc công khai. Dù có là gì thì nguồn tài nguyên - một thứ cần thời gian rất lâu mới tái tạo được hoặc mất đi vĩnh viễn- ngày càng cạn kiệt.

Con người tập trung vào khai thác tài nguyên vì nó quý giá. Đã quý giá mà lại thuộc sở hữu chung, đặt trong bối cảnh quản lý còn nhiều lỏng lẻo nên nó nhanh chóng mất đi. Rừng Tây Nguyên chỉ cần vài mươi năm, như nhiều người nói, là cơ bản “giải quyết xong”. Cung cách quản lý đôi khi cũng thấy lạ, titan cho xuất khẩu đi nhiều rồi mới quy định cấm xuất thô mà buộc “chế biến sâu”. Cái thứ mà chúng ta tưởng là nhiều nhất, vô tận, không làm gì cho hết, là nước, thì bây giờ cũng trở nên thiếu hụt và quý giá.

Trong khai thác tài nguyên có hai đối tượng là doanh nghiệp và người dân đơn lẻ. Người dân thì khai thác vì miếng cơm manh áo, doanh nghiệp thì khai thác vì làm giàu. Đây là một thực tế. Rất ít có một sơn tràng nào đi khai thác gỗ mà trở nên giàu có. Nhưng doanh nghiệp nào dính dáng đến khai thác gỗ tự nhiên thì thậm chí là rất giàu.

Với hai quy mô khai thác khác nhau, nếu để xảy ra tình trạng “khai thác lậu” thì việc thất thoát nhiều nhất, đáng sợ nhất là doanh nghiệp, nếu vì một lý do nào đó mà chúng ta không kiểm soát được. Bởi doanh nghiệp làm thường là quy mô lớn.

Đã làm với quy mô lớn, mà lại làm “lậu” thì rõ ràng có một điều gì đó không ổn trong xã hội rồi. Những người được Nhà nước giao trách nhiệm giữ gìn tài nguyên, phân phát sử dụng tài nguyên sao cho có hiệu quả, ở đây chưa nói chuyện có tham ô, tham nhũng, có chuyện làm ngơ hay không, chỉ xét thuần về năng lực thì là đã không đủ năng lực rồi. Cái “ lỗ hổng to tướng” lòi ra.  Hàng đoàn xe chở gỗ  đi như thế (vụ ở Tây Nguyên cách đây mấy năm), hàng trăm ngàn khối tài nguyên  vận chuyển đi như thế mà không thấy, không hay biết gì thì năng lực nhận biết rõ là có vấn đề rồi. Giao việc cho những người có năng lực như thế thì ngại lắm thay!

Sẽ không hề sáo rỗng chút nào khi nói rằng sự thịnh vượng của đất nước chỉ có thể gắn liền với sự lớn mạnh của doanh nghiệp và ngược lại. Bởi nguồn lực quốc gia cũng ở đấy, sức sáng tạo của một đất nước ở đấy, công ăn việc làm của người dân cũng ở đấy… Nghĩa là mối quan hệ này phải là biện chứng.

Bản chất của một doanh nghiệp chân chính là khát vọng sáng tạo và luôn luôn mong muốn vươn lên, tiến về phía trước. Lý do đơn giản, nếu không như thế thì khó đứng vững trong thương trường đầy cạnh tranh và sóng gió. Doanh nghiệp buộc phải có chiến lược và giải pháp, nghĩ dài hơi. Có nhiều doanh nhân thành đạt tự cho mình chỉ là người “làm thuê” cho xã hội. Không phải họ vờ khiêm tốn mà đó là họ ý thức rất rõ vai trò và sứ mệnh của doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển của xã hội, của đất nước. Khi quy mô còn nhỏ, doanh nghiệp là doanh nghiệp của họ, tiền là của họ. Nhưng khi doanh nghiệp đã lớn đến một mức độ nào đó thì vấn đề tiền của đối với họ phần lớn là không còn quan trọng nữa. Họ chỉ còn nghĩ đến trách nhiệm về những gì họ đã đặt nền tảng xây dựng. Họ có trách nhiệm với cộng sự đã gắn bó với họ… Nhiều doanh nhân thành đạt thành lập quỹ này, quỹ kia với nguồn vốn rất lớn để hỗ trợ cho sự phát triển xã hội cho thấy điều đó.

Đối với một đất nước mà còn nhiều doanh nghiệp cứ “nhăm nhăm” đi “rút ruột” tài nguyên đất nước; dựa dẫm vào những đặc ân để trở nên giàu có… thì phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Bởi điều này cho thấy, doanh nghiệp không chuyên tâm sản xuất kinh doanh; cơ chế quản lý còn sơ hở; bộ máy nhà nước còn những điều “chểnh mảng” và thiếu trong sáng.

LÊ NGUYỄN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp
Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng
Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Return to top