ClockThứ Tư, 30/12/2020 07:00

Doanh nghiệp xi măng chú trọng hiệu quả trong sản xuất

TTH - Trước khó khăn do dịch bệnh COVID-19, Công ty CP Xi măng Đồng Lâm (Xi măng Đồng Lâm) triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, từ tiết giảm chi phí đến sắp xếp bộ máy tinh gọn hiệu quả với việc cải tiến, cải tạo, áp dụng khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất.

Đổi mới công nghệ ở Đồng LâmCùng Xi măng Đồng Lâm xây dựng nông thôn mới

Hệ thống đóng bao tự động tại Đồng Lâm

Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu xi măng cho xây dựng; sản lượng bán ra sụt giảm mạnh; giao hàng khó khăn; chi phí đầu vào tăng cao do thực hiện các biện pháp phòng dịch và ảnh hưởng đại dịch.

Trong khi đó, các tháng cuối năm 2020, xi măng Đồng Lâm còn ảnh hưởng các đợt mưa lũ lớn kéo dài, sản xuất khó khăn, tiêu thụ sụt giảm, gián đoạn giao hàng.

Trước tình hình đó, Xi măng Đồng Lâm đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, từ tiết giảm chi phí sản xuất đến sắp xếp bộ máy tinh gọn hiệu quả với việc cải tiến, cải tạo, áp dụng khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất; tiết giảm tiêu hao năng lượng, đầu tư thiết bị hiện đại thân thiện với môi trường; nâng cao chất lượng sản phẩm...

Ông Phạm Phước Hiền Hòa, Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất Xi măng Đồng Lâm thông tin, kết quả năm 2020, sản lượng clinker, xi măng sản xuất tiêu thụ cao hơn năm 2019, 100% người lao động được bố trí đủ việc làm, lương thưởng đầy đủ theo chế độ chính sách. Công nhân đi làm hay trực chiến ứng phó trong các ngày bão, lũ đều được phụ cấp thêm…Đây là điều đáng ghi nhận trong tình hình năm 2020 với nhiều khó khăn dịch bệnh, mưa lũ kéo dài.

Trong đầu tư, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường luôn được chú trọng. Từ đầu năm 2020, nhà máy đã đưa 2 máy đóng bao của hãng Haver Boecker của Đức vào hoạt động, nâng công suất thêm 240 tấn/giờ, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu khách hàng. Môi trường ở khu đóng bao được cải thiện rõ rệt, hạn chế tối đa bụi xi măng phát ra khi đóng bao; bao bì sạch đẹp và đặc biệt là máy đóng bao tự động nên người lao động được đảm bảo an toàn, đảm bảo sức khỏe, môi trường. Việc đếm bao giao cho khách hàng cũng hoàn toàn tự động, chuẩn xác, minh bạch...., tạo niềm tin cho khách hàng.

Việc sắp xếp nhân sự hợp lý giúp nâng cao hiệu suất lao động. Công ty cũng đã đầu tư dây chuyền sản xuất xi măng, cung ứng thêm cho thị trường 500.000- 700.000 tấn xi măng/năm, tăng hiệu quả sản xuất, tiết giảm chi phí giá thành. Công ty cũng không ngừng cải tiến, bảo trì hệ thống lọc bụi để lọc bụi tối đa, thu hồi bụi tối đa, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo môi trường xung quanh.

Công ty đang tiến hành lắp đặt hệ thống tận dụng nhiệt khí thải để phát điện, dự kiến năm 2021 đi vào hoạt động, có thể tự cung ứng đến 30% sản lượng điện cho nhà máy. Đối với việc cải tiến trong khâu giao hàng thì trong năm 2020, việc cung ứng giao hàng cho khách hàng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đồng Lâm đã triển khai thêm các kho hàng ở các thị trường xa nhà máy để đảm bảo luôn cung ứng đủ xi măng theo yêu cầu của khách hàng. Điều này đã nâng cao sản lượng tiêu thụ và đảm bảo hài lòng khách hàng cần là có hàng ngay.

Một trong những thành công của đơn vị là đã và đang đẩy mạnh sử dụng đá vôi có hàm lượng ma-giê cao vào sản xuất, cũng như đang triển khai sử dụng tro xỉ góp phần tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm phát thải CO2, giảm hiệu ứng nhà kính... nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm. Thành công của đơn vị trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất góp phần đạt các chỉ tiêu năm 2020 trong tình hình nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh và thiên tai đã làm tiền đề cho bước vươn lên của xi măng Đồng Lâm trong năm 2021 với hy vọng năm 2021 dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, mưa lũ cũng đã qua thời điểm lịch sử.

Với xi măng Đồng Lâm, hiệu quả sản xuất còn gắn liền với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng. Riêng trong năm 2020, Đồng Lâm hỗ trợ hơn 300 tấn xi măng cho các xã Phong Xuân, Phong Mỹ (Phong Điền) xây dựng nông thôn mới, xây dựng các con đường bê tông kiên cố, kênh mương nội đồng, các công trình cộng đồng.

Hỗ trợ xi măng xây nhà kiên cố cho Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng ở xã Phong Xuân, hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng trong năm 2020 cho bà con có đất sản xuất lân cận khu mỏ đá vôi, ủng hộ hàng ngàn cái khẩu trang phòng dịch bệnh cho bà con xã Phong Xuân, ủng hộ quỹ phòng chống dịch của địa phương hơn 130 triệu đồng, ủng hộ đất san lấp cho xã Phong An xây dựng các công trình nông thôn mới của xã ...

Để ứng phó, phòng ngừa dịch bệnh lây lan trong công ty, Đồng Lâm thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 do phó tổng giám đốc công ty làm trưởng ban, ban hành các chỉ đạo, yêu cầu CBCNV tuân thủ nghiêm túc đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, khuyến cáo của ngành y tế, của địa phương. Công tác phòng chống dịch luôn trạng thái chủ động, luôn cảnh giác mọi lúc mọi nơi, đặc biệt trong tiếp xúc với đối tác, khách hàng, tạo nếp sống mới,nếp sinh hoạt mới trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch cho toàn thể CBCNV công ty.

 

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp
ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

TIN MỚI

Return to top