ClockThứ Bảy, 16/04/2022 14:14

Ai sinh ra ném, ném ơi…

TTH - Đang chạy xe dọc theo trục đường Ngũ Điền, bất chợt nhìn thấy hàng chục luống cây màu xanh ngắt đều tăm tắp, chúng tôi dừng xe. Màu xanh dịu dàng kéo ánh mắt chúng tôi theo các luống cây kéo dài từ bên vệ đường chạy ngang giữa đồng vào đến lũy tre xa khuất trong làng. Màu xanh phơi phai như mạ non, nhưng đằm hơn, thì ra không phải mạ non mà là ném. Ném xưa nay trồng ở góc vườn vài bụi cho vui, nay người dân quê trồng thành ruộng, rộng hàng héc ta, quả là lạ.

Chút Huế trong món bún mắm nêmNém

Củ ném được bán nhiều ở các chợ. Ảnh: H.D

Một người đàn ông đang dùng cuốc vét đất hất lên trên luống cho hào rãnh sâu thêm. Thấy đoàn văn nghệ sĩ đang náo nức chụp ảnh, người đàn ông dừng cuốc, lên bờ hút thuốc, nói chuyện. Ông tên Trần Duy Thêm ở làng Vĩnh Xương, xã Điền Môn, 52 tuổi ở đây cũng được gọi là lão nông tri điền rồi. Ông Thêm nói: Cây ném đang lớn, có nước dưới hào giữ ẩm thì cây lớn nhanh hơn. Chiều nay ông làm hào xong, mai sẽ cho nước vào ruộng. Trước khi trồng ném, người nông dân phải làm đất kỹ, đánh vồng lên, rồi lót dưới lớp phân hữu cơ, rơm tót hay rong bạ. Đất kỹ thì bụi ném nở nang, săn chắc.  “Bí quyết là luôn giữ ẩm cho đất. Để đất khô ném èo uột tội lắm” – ông Thêm nói – “Cái hồi mới tập trồng, ném không chết nhưng cứ héo hon, lá vàng ngang ngửa lá xanh, cũng may ném là cây thiện lành, ném xấu mấy cũng cứ cho củ”. Muốn có củ thơm ngon, trồng ném chuyên dùng phân hữu cơ, tuyệt đối không dùng phân hóa học. “Phân hóa học nó cho lá tươi nhưng củ có mùi hăng hắc, không thơm tự nhiên, và bảo quản không bền” – ông Thêm nói.

Cây ném được trồng vào tháng tám, tháng chín hàng năm, lúc ấy vừa kết thúc vụ hè thu cũng là lúc nông nhàn. Sau khi trồng khoảng hai tháng có thể thu hoạch ném lá để bán. Mùa thu hoạch ném lá nơi đây vui lắm. Bấy giờ đang tháng mười, tháng mười một mưa rớt trắng đồng. Người người mặc áo mưa đi nhổ ném. Đất cát mềm gặp mưa càng mềm hơn, nhẹ tay nhổ là ném lên cả bụi. Sẵn luống có mưa ngập nước, cầm cả bụi chao nhẹ là đất cát trôi hết, còn lại trên tay bụi ném củ trắng ngần với chùm rễ như những viên bi trắng nghịch ngợm gắn râu vào. Tôi từng chứng kiến một vụ thu hoạch ném lá được mùa, những cụm ném xanh trắng nằm trên luống ném trông tươi vui mắt. Ví nụ cười tươi như ném non vừa nhổ xong là rất đúng và đầy gợi cảm. Ném nhổ xong ban chiều, gánh thẳng ra sông rửa sạch, kịp sáng mai đi chợ sớm, như những niềm vui trắng lấp lánh…

Còn thu hoạch củ thì phải để thêm hai tháng nữa, chờ bụi cây đầy lá để có củ ném tốt. Sau khi ra hoa ném bắt đầu tàn, người trồng cứ để cho bụi ném vàng rục hết mới bắt đầu thu hoạch, thường là vào tháng tư tháng năm của năm sau. Họ ngồi hẳn lên luống đất cát khô tơi, thọc tay xuống đất sẽ cảm nhận được ngay bụi củ ném trong tay. Cứ thế nhặt lên cho vào thúng mủng.

Nông dân Phong Điền nói ném là cây làm chơi ăn thiệt, dễ trồng dễ sống, không bị sâu hại, ít vốn đầu tư, lại cho thu hoạch cao. Ông Thêm nói: Đúng là cây trời cho các anh chị à. Trời thương người nghèo mới cho cây như ri, chứ làm chi mà dễ làm chơi ăn thiệt rứa! Trước đây trên vùng đất cát ni chỉ trồng được cây môn, cây sắn. Nay trồng ném cho thu hoạch mỗi sào mươi, mười lăm triệu đồng, lãi gấp mười lần trồng lúa… Có năm được mùa, mỗi sào thu hoạch đến hai tạ ném, mỗi tạ bán có khi lên đến trăm ngàn mỗi ký, cứ thế nhân lên…

Ném là tên thân thương người Điền Môn gọi, các nơi khác nó được gọi với các tên: hành tăm, hành trắng, nén. Nó thường được các mệ các chị làm gia vị bếp núc, nhưng nó cũng là vị thuốc. Thực ra ném đã được các sách thuốc ngày xưa ghi lại dưới cái tên song bạch, thông bạch, hành tăm (vì giống củ hành nhưng cây lá nhỏ như que tăm). Y học dân gian thì còn gọi ném với cái tên “tiểu toán” vì giống củ tỏi nhỏ, vị cay, mùi hăng nồng, tính ấm, có tác dụng làm ấm bụng, tan đờm, ra mồ hôi. Ở quê ngày xưa con nít thường được các mẹ đeo xâu ném quanh tay như cái vòng để ngừa gió độc. Trẻ nhỏ bị chảy mũi cho uống thìa ném. Gà vịt đến mùa gió chướng hay quay lơ được các mệ các dì cho uống nước ném giã, hôm sau thấy khỏe chạy lóc xóc trong vườn. Dân gian có đến chín, mười bài thuốc dân gian có vị ném: Bị giống độc và sâu bọ cắn, lấy nắm củ ném nhai nhỏ, nuốt một nửa, một nửa đắp lên vết cắn. Đi mưa về phòng cảm lạnh, nhai một nắm ném rồi uống chén rượu trắng. Đái buốt dùng một nắm ném giã nhỏ rịt vào rốn… Ai lớn lên ở miền quê lại chưa từng nếm qua món cháo ném hay chén chè ném giải cảm. Khi chuẩn bị nấu chè, lấy củ ném lột vỏ, đem rửa sạch, để ráo, sau đó cho vào nồi nấu với nước sôi, khi thấy ném đã mềm thì cho đường phèn hay đường cát vào là được.

Với các nguyên liệu có sẵn ai cũng có thể tự nấu cho mình nồi cháo ném cá tràu cực ngon, đây là món ăn đặc sản nổi tiếng của Phong Điền. Cá tràu mua về đem cạo sạch vảy, mổ bụng bỏ ruột. Xát muối vài lần khắp mình cá để khử nhớt và tanh rồi rửa sạch lại với nước, sau đó để cho ráo. Củ ném bóc sạch vỏ giã vỡ đôi, gừng bóc vỏ rửa sạch rồi thái lát mỏng. Gạo vo sạch rồi ngâm với nước cho nở. Bắc một nồi nước lên bếp, đun sôi rồi thả cá tràu vào để luộc chín. Điều này sẽ giúp món cháo không bị tanh khi ăn. Cá đã chín thì tắt bếp, vớt ra tách lấy phần thịt cá. Thịt cá ướp gia vị, rắc chút hạt tiêu, ớt... và đặc biệt là củ ném giã nhỏ, um lên thật thơm. Phần xương và đầu cá đem cho vào cối giã nát cùng với một ít nước, sau đó dùng rây lọc hết phần cốt còn lại rồi đổ lại vào nồi luộc cá vừa xong. Cho gạo đã ngâm vào nồi nước luộc cá để nấu cháo. Gạo vừa nở búp thì nêm thêm gia vị cho phù hợp. Cháo chín tới nhỏ lửa để nồi cháo trên bếp nóng, múc ra tô cho ném lá, ớt bột vào. Lúc này hãy hít hà mùi thơm lựng, ăn nóng để tận hưởng với tất cả các mùi vị béo ngậy, ngọt ngào của cá tràu, vị cay xé lưỡi của tiêu, ớt, vị đăng đắng của bộ lòng, vị thơm của ném, rau ngò, rau răm… Để người bị cảm cũng thấy mồ hôi mang theo bao cơn hàn đi ra ngoài, còn du khách thì bất giác kêu lên: “Chao ơi ngon dễ sợ !”…

Còn bao nhiêu món ngon ở xứ cát Phong Điền có nêm nếm ném: cá trê kho ném, sườn heo rim ném, gà kho ném, bánh canh cá tràu lá ném… Bao nhiêu món là bấy nhiêu tình, gia vị ném hăng nồng cứ bịn rịn người ở kẻ đi. Vậy đó, cây ném từ trên luống trên ruộng vào bếp rồi đi vào lòng người, khiến bất chợt trong trời chiều đầy gió hôm nao đứng bên bờ ruộng ném, lòng bâng khuâng tự hỏi: “Ai sinh ra ném, ném ơi!”…

Hạ Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thư gửi bạn vùng bão lũ

Những ngày này Huế đang nắng, những cơn mưa giông cuối ngày báo hiệu mùa thu sắp hết và mùa đông đã cận kề. Thời tiết ngày càng có nhiều bất ngờ, thiên tai ngày càng khốc liệt.

Thư gửi bạn vùng bão lũ
Thu hoạch thủy sản tránh bão, lũ

Các địa phương, hộ dân đang tiến hành thu hoạch tỉa, tiến đến thu hoạch đại trà các diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) nhằm tránh nguy cơ thiệt hại trong mùa bão, lũ.

Thu hoạch thủy sản tránh bão, lũ
Giống lúa mới “bén duyên” miền quê A Lưới

Hai giống lúa mới chất lượng cao HG244 và HN6 được Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh đưa vào gieo cấy trong vụ hè thu 2024, phù hợp với chân ruộng tại miền núi A Lưới, đạt năng suất trên 60 - 70 tạ/ha.

Giống lúa mới “bén duyên” miền quê A Lưới
Hối hả mùa thu hoạch củ sen

Vừa có nguồn thu từ hoa, hạt sen, người trồng sen xã Vinh Thanh (Phú Vang) còn khấm khá nhờ củ sen năm nay được mùa, được giá.

Hối hả mùa thu hoạch củ sen
Náo nức ra đồng thu hoạch lúa đêm

Trên những cánh đồng lộng gió mùa hè, một số nơi nông dân tranh thủ gặt lúa, gom lúa, trực canh lúa. Không khí mùa màng khi đêm về náo nức, rộn ràng không kém ban ngày.

Náo nức ra đồng thu hoạch lúa đêm

TIN MỚI

Return to top