ClockThứ Sáu, 25/03/2016 08:28

Ném

TTH - Có lần đi tác nghiệp về một làng quê ven biển, qua câu chuyện với mấy Việt kiều về quê ăn tết mới biết rằng, món quà mà họ quý nhất từ quê đó chính là hột ném; “Đáng lý ra là có thêm nước mắm nữa, nhưng nước mắm mang lên máy bay đường dài thì phiền phức lắm nên hột ném là số một…”. Cũng theo lời kể của họ thì kho nấu món chi chỉ đập giập mấy hột ném nêm vô rứa là hương vị của quê nhà cứ gọi sực nức...

Cây ném rất dễ trồng, nhất là ở vùng đất cát. Hàng năm cứ  qua tiết hăm ba tháng mười là nông dân các làng quê xứ Huế bắt đầu trỉa hột ném. Làng tôi gần như nhà mô cũng trồng ném; nhà trồng nhiều thì cả mấy sào, nhà ít trồng thì cũng một hai vồng trong vườn đủ để ăn trong cả năm.

Ném cũng là loài cây dễ tính. Chỉ cần lên vồng, rải hột giống xuống đất đã tơi xốp, rồi ủ ít phân mục và rơm là xong. Chỉ khoảng một tuần lễ là cây ném hé mầm xanh nong và nhanh chóng xanh vườn để rồi khoảng hơn một tháng là cho thu hoạch. Sức chịu đựng của ném cũng bền bỉ lắm. Mưa to gió lớn có làm rạp cả cây rồi thì ném cũng vươn mình lên xanh tốt. Hồi trước, cây ném chủ yếu trồng ở vườn, ở ruộng. Sau này, nông dân các làng vùng đất cát đã đưa cây ném lên trồng trên độn cát với số lượng lớn. Bây chừ thì cây ném trên cát đã trở thành cây trồng hái ra tiền của người nông dân quê tôi…

Nhớ những ngày đông lạnh. Những khi vắng chợ, mạ vẫn thường chế biến hai món ăn qua ngày đó là ruốc kho ném hoặc canh ruốc nấu với lá ném. Nói là món tạm nhưng đó là những món ăn có sẵn trong vườn nhà, lại ngon cơm. Nói chung là ném phải có mặt trong tất cả các món ăn ở làng. Từ nấu canh, kho cá thịt, rim mắm đều phải có ném vô mới thấy đủ vị đủ màu. Có người ghiền ăn ném đến mức là luộc cả cây và củ ném tươi chấm với nước mắm biển pha ớt bột đặc trôi ăn ngon lành…

 Sau này, có một món khoái khẩu của dân nhậu ở quê tôi là lẩu cá khoai nấu với ném. Mùa cá khoai, chỉ cần vài ký cá là có một bữa nhậu lẩu cá khoai lá ném ra trò. Cũng không biết món lẩu này ngon nhờ vào cá khoai hay vào lá ném hay nói đúng hơn là sự bổ sung cho nhau giữa vị biển và mùi đồng.

Hồi nhỏ, mỗi lần mạ đưa em bé mới sinh đi ra khỏi nhà, bà nội hay lấy mấy củ ném đâm ra rồi trộn với dầu tràm xoa lên đầu với hai bàn tay, bàn chân của em bé nói để tránh gió máy. Nhớ một lần tôi bị cảm sốt li bì, mụ Sanh ở xóm trên đến chích lễ cho tôi. Chích xong mũi mô là mụ dùng ném xoa vô mũi đó. Chích lễ xong mụ còn dặn: “Nhớ nấu cho thằng cu chén cháo ném ăn là sáng mai đi chơi được rồi đó!”. Hồi đó, tôi phải nhắm mắt bịt mũi để nuốt cho xong chén chè ném giải cảm. Sau này thì tự nhiên ăn được chè ném và thấy cái vị của ném  cũng thật dễ chịu lắm…

Lê Phi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hình bóng quê nhà

Năm 2005, nhà báo Dương Phước Thu tặng tôi cuốn sách “Qua sông nhìn lại bến bờ” vừa ra mắt. Đây là tập bút ký tư liệu - nghiên cứu lịch sử, khảo lược quá trình hình thành xứ Thuận Hóa, tỉnh Thừa Thiên đến thành phố Huế ngày nay. Lướt qua phần viết về quê mình, tôi gọi điện cho anh, phản ứng vì xưa đến giờ, làng tôi chỉ là một, không có thôn La Chử Thượng, thôn La Chử Trung, thôn La Chử Đông, thôn La Chử Nam, thực chất Thượng, Trung, Đông, Nam là các phường của làng. Vài ngày sau, anh nói tôi tới lấy “vật chứng” với lời phàn nàn: Tức quá, sách mới ra đã có 2 người phàn nàn rằng chưa chính xác! Tài liệu anh đưa là bản sao Quyết định của UBND tỉnh về việc phê chuẩn số thôn, khu vực của các xã, thị trấn thuộc huyện Hương Trà từ tháng 8/2000; căn cứ để anh đưa thông tin vào.

Hình bóng quê nhà
Đem theo quê nhà

Một gốc bầu đã cho trái. Một giàn bí đao vừa ra hoa. Những cành cà chua trĩu quả. Đó là những hình ảnh trên facebook của bạn, với dòng tút mộc mạc “Đem theo quê nhà đến đây”.

Đem theo quê nhà
Vị cá biển quê

Bạn tôi quê ở xã biển Phú Diên (Phú Vang) kể rằng, người dân quê bạn truyền khẩu nhau về Tứ quý ngư của biển là: chim, thu, nhụ, đé vốn là 4 loại cá cực ngon, trữ lượng nhiều, giá trị kinh tế cao của vùng biển Thừa Thiên Huế.

Vị cá biển quê
Khởi nghiệp & thành công ở quê nhà

Từ những phong trào thi đua “thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên điển hình vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu trên chính đất quê hương mình. Mô hình kinh tế của thanh niên trẻ Hoàng Công Tấn ở thôn Cao Xá, xã Phong Hiền (Phong Điền) là một trong số đó.

Khởi nghiệp  thành công ở quê nhà

TIN MỚI

Return to top