Dán tờ rơi hướng dẫn các bước phòng chống dịch COVID-19 tại khu trọ công nhân
Chập chờn giấc ngủ
11h30. Khu nhà trọ ở tổ 10, phường Phú Bài vắng lặng, chỉ một vài phòng mở cửa. Ngoài hành lang khu trọ, chai nước rửa tay sát khuẩn được chủ nhà gắn cố định trên tường. Trên mỗi phòng, có dán mỗi tờ rơi về nhắc nhở các bước phòng chống dịch COVID-19. Anh Đào Hồng Sơn, công nhân Công ty TNHH Sợi Phú Việt thuê trọ ở đây, cho biết. “Để tránh sức nóng của phòng trọ, nhiều công nhân đã chọn tăng ca vào giờ này”.
Càng đến giờ cao điểm, các phòng trọ càng hầm hập hơi nóng. Dù mở toang cánh cửa, chiếc quạt bật hết công suất, song căn phòng hơn 10m2 của anh Đào Hồng Sơn vẫn không khỏi bí bách, ngột ngạt. Đôi mắt uể oải, tỏ rõ sự mệt mỏi, anh Sơn kể, anh làm ca đêm từ 18h chiều đến 2h sáng. Ở công ty, anh mong được về để ngủ, nhưng về đến phòng, nóng quá lại ngủ không được. Đầu giờ sáng, anh đã phải dậy tắm.
Cạnh dãy trọ anh Sơn, anh Nguyễn Tân 33 tuổi, công nhân Công ty TNHH Phú Hòa An, hết đi ra ngồi ngoài cửa rồi lại nằm lên giường trong căn phòng trọ chật hẹp. Anh than: “Nóng quá, không ngủ được, tôi đành phải dùng điện thoại để giải trí, gắng quên nóng”.
Sức nóng từ trên mái nén xuống, từ tường nhà hắt vào như muốn “nướng” mọi thứ ở bên trong các căn phòng của khu nhà trọ ở thôn 1B, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy. Thấy chúng tôi, chị A Viết Thị Thỏa ra hiệu nhỏ nhẹ. Thì ra, chồng chị Thỏa đang ngủ. Chị chia sẻ: “Chồng làm ca đêm về lúc 2h20 sáng nhưng mất ngủ vì nóng quá. Sáng nay, mượn được quạt hơi nước của phòng bên nên tranh thủ ngủ, 6h tối đi làm lại”.
Vợ chồng chị Thỏa đều làm công nhân khu công nghiệp Phú Bài, do ảnh hưởng dịch COVID -19, ngoài tiền lương, các khoản tiền thưởng hầu như không có. Cách đây mấy tháng, để hạn chế đi chợ, phòng chống dịch COVID -19, chị Thỏa đã dùng tiền dành dụm mua tủ lạnh trữ thức ăn. “Gần một tháng nay, nắng gắt muốn mua thêm cây quạt mới nhưng chưa có tiền”, chị bộc bạch.
Mong được giảm tiền điện, nước
Nắng nóng, lại ở trong diện tích chật hẹp, nhưng dụng cụ chống nóng hầu hết tại các phòng trọ chỉ là quạt điện cũ kỹ. Xa xỉ lắm mới có quạt hơi nước. Một phần lương thấp không có tiền lắp điều hòa, một phần những người thuê trọ phải sử dụng giá điện kinh doanh nên sợ tốn tiền điện. Anh Sơn cho biết: “Năm trước, có một vài phòng trong khu trọ anh có bắt điều hòa, nhưng hai tháng sau đã phải tháo ra vì tiền điện quá cao”.
Toàn bộ đồ dùng sinh hoạt, bếp nấu ăn, nhà vệ sinh, giường ngủ… của vợ chồng chị Trần Thị Giang và 2 đứa con nhỏ chỉ vỏn vẹn trong diện tích 15m2, chị thuê với giá 6 trăm ngàn đồng/tháng. Để bảo vệ sức khỏe gia đình mùa nắng nóng, tháng rồi, chị Giang ki cóp mua quạt điều hòa 4 triệu đồng. “Có quạt mới, giấc ngủ của cả nhà đỡ chập chờn, nhưng tiền điện lại tăng bằng nửa tiền phòng. Cuộc sống công nhân các khu trọ khó khăn, tôi chỉ mong được giảm giá điện, nước để đỡ vất vả”, chị Giang bày tỏ.
Trở về khu trọ sau khi kết thúc ca làm việc từ 2h đến 10h sáng, thay vì lăn ra ngủ anh Nguyễn Duy Trí múc nước dội toàn bộ phòng. Anh kể, từ ngày nắng nóng, mỗi ngày anh lau phòng hai lần, vừa làm mát sàn nhà vừa đảm bảo vệ sinh phòng chống dịch. Theo anh Trí, công ty anh kiểm soát dịch rất nghiêm, phải khai báo lịch trình rất kỹ, nhất là những người thuê trọ như anh. Chỉ cần phát hiện công nhân tụ tập đông người là cho nghỉ việc luôn vì sợ tiếp xúc với “F”. “Mấy năm trước, mùa nắng nóng này, anh em khu trọ hay tránh bằng cách ra quán cà phê ngồi nhưng năm nay tuyệt đối không”, anh Trí nói.
Ông Lê Hữu Trí, Chủ tịch UBND xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy cho biết, trên địa bàn xã có 13 nhà trọ với 144 khẩu/65hộ, chủ yếu là công nhân tại khu công nghiệp Phú Bài. Để đảm bảo phòng chống dịch, ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã đã quán triệt và cho các hộ cho thuê trọ ký cam kết về các biện pháp phòng dịch, đồng thời chỉ đạo công an phường cử công an khu vực thường xuyên kiểm tra, theo dõi đôn đốc chủ các nhà trọ cũng như người thuê trọ tuân thủ nghiêm mọi biện pháp phòng dịch.
Theo chị Lê Thị Thu Nam, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh, công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là người dân tại địa phương. Lượng công nhân thuê trọ nhiều nhất chủ yếu là công nhân khu công nghiệp Phú Bài, tập trung trên địa bàn phường Phú Bài và xã Thủy Phù. Cho đến thời điểm hiện tại, ngoài Công ty Scavi Huế thì chưa có công ty nào xây dựng nhà ở cho công nhân. Đầu năm nay, công đoàn Khu kinh tế, Công nghiệp đã có kế hoạch khảo sát nhu cầu nhà ở cho công nhân để đề xuất xây dựng nhà ở tâp trung cho công nhân trong thời gian tới.
Ông Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh thông tin, LĐLĐ tỉnh đang huy động mọi nguồn để chăm lo đời sống cho công nhân lao động. Trong đó, ưu tiên công nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch COVID -19. Cho đến thời điểm hiện tại, LĐLĐ tỉnh đã trao tặng hàng trăm suất quà, mỗi suất dao động từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Ngoài ra, chỉ đạo các đơn vị cơ sở vận động thêm nhiều nguồn khác để cùng đồng hành chăm lo đoàn viên, người lao động.
Bài, ảnh: Hải Thuận