Mẹ Theo (giữa) vui và hạnh phúc vì tình cảm của bà con trong thôn, xã
Khi bước chân chúng tôi mới chạm ngõ, một cảm giác ấm áp và gần gũi đã ngập tràn. Có lẽ, bởi ngôi nhà tường quét vôi màu vàng như nắng, an yên sau những khóm tre và hàng chè tàu cắt tỉa gọn gàng. Vạt thóc đang phơi trên chiếc sân xi măng sạch sẽ. Cũng có lẽ bởi một cụ bà hàng xóm vừa rảo bước sang vừa lên tiếng hỏi thăm: “Bà Theo ơi, đồ ăn sáng con dâu tui mua, bà đã ăn hết chưa”. Cụ bà hàng xóm tự giới thiệu với khách, bà tên Hiên, 84 tuổi, thường xuyên chạy qua chạy lại. “Mẹ Theo tuổi đã lớn, huyết áp cao, nên không chỉ mình tui mà bà con ai cũng thay nhau “ngó chừng”, nói chuyện với mẹ, cho mẹ vui. Buổi tối có anh Việt là cháu gọi mẹ bằng o (cô) qua ngủ cùng”. Như “chứng minh” cho lời nói của cụ Hiên, 3-4 đứa trẻ ùa vào, lễ phép chào khách rồi ra trước hiên cười đùa, “khuấy động” không gian yên tĩnh. “Đứa là cháu họ của mẹ. Đứa là cháu nhà hàng xóm. Học bài, tụi nó cũng đưa sách vở qua đây học. Chơi cũng kéo qua đây chơi. Có tụi nhỏ, mẹ Theo vui lắm”.
Mẹ Nguyễn Thị Theo năm nay 92 tuổi, lưng còng, bước đi chậm chạp. Nhìn lũ trẻ đang nô đùa trên hiên nhà, mẹ cười, nụ cười thật hiền. Nhưng đằng sau nụ cười ấy là một cuộc đời chất chứa biết bao hy sinh, kiên cường. Trong kháng chiến chống Pháp, chồng hoạt động cách mạng, mẹ Theo cũng tham gia nuôi giấu cán bộ, thương binh trong những căn hầm bí mật, đợi thời cơ chuyển thương binh lên căn cứ. Năm 1952, hay tin người chồng cùng 5 đồng chí hy sinh vì bị địch phục kích, tại chiến khu Dương Hòa, ôm đứa con trai còn quá thơ dại, trái tim mẹ Theo tưởng chừng tan nát.
Nhưng nén lại đau thương, mẹ tiếp tục lao vào công tác. “Tui bị địch bắt đưa đi giam giữ qua khắp nhà lao ở Phú Lương, Phú Thứ, Chín Hầm, Thừa Phủ. Tui “ở” Chín Hầm 9 tháng, “ở” Lao Thừa Phủ 20 tháng. Nghĩ đến chồng, nghĩ đến biết bao đồng chí đã hy sinh, tui tự thề với lòng không bao giờ khuất phục. Không khai thác được chi ở tui nên chúng thả...”. Nhớ lại những ngày tháng đau thương nhưng hào hùng, giọng mẹ Theo trầm xuống. Đôi mắt đục mờ rưng rưng khi nhìn lên bàn thờ, nơi hương khói không chỉ cho chồng mà cho cả người con trai, là chiến sĩ biệt động Sài Gòn, đã ngã xuống năm 1971. Bây giờ, người con trai của mẹ vẫn đang nằm lại nghĩa trang liệt sĩ huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Anh Nguyễn Bảo, công chức văn hóa-xã hội xã Vinh Thái thông tin, sau này, mẹ Theo tái giá với người chồng sau (cũng đã mất) là cán bộ huyện Phú Lộc tăng cường về hoạt động cách mạng tại địa phương, sinh được một người con gái. “Con gái tui ở TP. Huế, nhiều lần năn nỉ tui sống cùng để phụng dưỡng, chăm sóc. Tui không thể rời khỏi ngôi nhà này. Tui ở đây để chăm lo hương khói cho chồng, con. Con gái tui không phải ngày mô cũng về quê được nên có lời nhờ bà con, xóm giềng. Nhưng không cần nhờ thì họ hàng, bà con cũng đến với tui với tình cảm, lo lắng như ruột thịt. Tui xúc động và yên tâm lắm”. Mẹ Theo bộc bạch.
Ông Đỗ Viết Tư, Chủ tịch UBND xã Vinh Thái, chia sẻ: Ở quê hương Vinh Thái, chưa bao giờ mẹ Theo phải một mình. Lực lượng đoàn thanh niên xã thỉnh thoảng lại đến dọn dẹp, làm vệ sinh, chăm chút, giữ cho cảnh quan không gian ngôi nhà lúc nào cũng tinh tươm, ấm cúng. Cháu chắt họ hàng, bà con lối xóm hầu như lúc nào cũng thường trực, chuyện trò, giúp đỡ mẹ từng việc nhỏ. Tình cảm của bà con là “liều thuốc” để mẹ sống vui với con cháu, với xóm làng. Ngược lại ở bên mẹ, con cháu lại như được nhắc nhở về những hy sinh lớn lao của những liệt sỹ đã ngã xuống, những hy sinh, cống hiến không gì đong đếm được của những Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, để sống sao cho tốt, có ý nghĩa.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh