ClockThứ Bảy, 04/09/2021 06:30

Ân tình xứ Huế

TTH - Một cụ bà 73 tuổi dành toàn bộ số tiền tiết kiệm mà mình có. Một nông dân sẵn lòng hiến nguyên vườn sả đang kỳ thu hoạch. Các chị công nhân sau giờ tan ca lại nóng lòng tụ họp, chung tay làm hàng trăm hũ muối... Trong vô vàn những tấm lòng từ hậu phương hướng về đồng bào tâm dịch, có rất nhiều câu chuyện xúc động về ân tình của người dân xứ Huế.

Thêm chuyến xe chở nhu yếu phẩm vào TP. Hồ Chí MinhHướng về Tp. Hồ Chí MinhTrao gửi yêu thương

Cán bộ, phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng phân chia từng suất quà tại sân trụ sở cơ quan báo

Những món quà ân tình

Xin được bắt đầu bằng câu chuyện về bà Nguyễn Thị Chanh (phường Phú Bình, TP. Huế). Người phụ nữ 73 tuổi ấy ngày ngày dành dụm, tiết kiệm nuôi heo đất để dành khi trái gió trở trời. Hai năm tiết kiệm, số tiền 14 triệu đồng được bà dành tất cả để mua gạo, sữa, ủng hộ lực lực phòng, chống dịch COVID-19.

Bà Chanh kể, qua thông tin từ báo, đài, thấy hình ảnh lực lượng phòng dịch ngày đêm làm nhiệm vụ, bất chấp nguy hiểm, sẵn sàng xa vợ con để đem lại cuộc sống bình yên cho người dân, bà muốn làm một việc gì đó để động viên. “Tôi suy nghĩ rồi, tôi tuy già nhưng còn khỏe, tôi còn có thời gian dành tiền tiết kiệm. Vì vậy số tiền này cần thiết hơn cho lực lượng chống dịch”, bà tâm sự.

 Người dân ở các khu phong tỏa nhận quà tại các chốt

Rất nhiều người dân Huế, khi nghe tin dịch bùng phát ở các tỉnh phía Nam, nghĩa đồng bào lại thúc giục họ hành động. Khi Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh kêu gọi, các mẹ, các chị “rần rật hưởng ứng”. 

Chị Châu Thị Bé (phường An Tây, TP. Huế) không ngần ngại ủng hộ cả vườn sả đang đến kỳ thu hoạch cùng 500 ngàn đồng để các chị phụ nữ trong phường làm muối sả, ủng hộ người dân Sài Gòn. Nhiều chị thức thâu đêm hoàn thiện những hũ cá rim khô, thịt rim muối để kịp chuyển ủng hộ đồng bào miền Nam. Chẳng mấy chốc, hàng chục ngàn hũ cá rim, tôm khô; rất nhiều mì sợi, miến, bánh chưng, bánh lọc… đậm hương vị Huế theo những chuyến xe đến tâm dịch.

Khi chúng tôi gõ những dòng chữ này, trên trang facebook cá nhân của chị Trần Thị Quy (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc), những dòng chữ ân tình hiện ra: “Em sinh viên nào đang ở Sài Gòn mà hết lương thực, khó khăn trong mùa dịch, lại thương ba mẹ ở quê khó khăn, thì nhắn cho chị. Chị sẽ hỗ trợ quà nhé”.

 Vận chuyển các suất quà đến tay người dân

Chị Quy là một trong những người đầu tiên khởi xướng phong trào làm muối sả và quyên góp mắm gửi đồng bào Sài Gòn. Ngay từ ngày đầu Sài Gòn mới bùng phát dịch, cho đến thời điểm này, chị Quy làm cầu nối gửi đồng bào miền Nam hàng tấn gạo, hàng trăm hũ muối sả với quan niệm “cho yêu thương sẽ nhận lại yêu thương”.

Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh, hội đã vận động quyên góp từ hội viên, phụ nữ 43 tấn hàng hóa bao gồm rau củ quả và các nhu yếu phẩm mà mỗi món quà là một ân tình.

Nghe Sài Gòn “ốm”

Hay tin Quỹ Sen xanh - Báo Thừa Thiên Huế kêu gọi hỗ trợ đồng bào TP. Hồ Chí Minh đang trong tâm dịch, chị Phan Thị Mỹ Hạnh - chủ shop hoa Thành Đô (TP. Huế) - kêu gọi bạn bè thực hiện ba đợt kho cá, ủng hộ gần 1.000 hộp cá nục kho khô, mỗi hộp 0,5kg.

Nhu yếu phẩm cần thiết trong mỗi suất quà

Hai đứa con dại, việc kinh doanh chị bàn giao cho chồng để về tận cảng lựa cá tươi. Những chảo cá thơm ngon được kho từ sáng đến khuya. “Nghe Sài Gòn ốm, chị em mình muốn tiếp sức để bà con vượt qua đại dịch”, chị Hạnh chia sẻ.

Qua fanpage Báo Thừa Thiên Huế Online, bà con ở Hương Chữ, Hương Xuân, Hương Văn, thị trấn Tứ Hạ… (TX. Hương Trà) gửi  5 chuyến nông sản. Nhiều cán bộ hưu trí về tận các làng quê kêu gọi dòng họ chung sức. Giữa mùa hè nắng như lửa đốt, các bếp lửa dã chiến dược thiết lập. Những đứa trẻ bóc đậu, cắt sả. Người già gác lại việc đồng áng, cùng chế biến thực phẩm khô gửi tới Sài Gòn.

Bà Trần Thị Minh Tâm, người dân Tứ Hạ gửi hàng trăm thẩu cá đậu rim khô với mong muốn: “Của ít lòng nhiều, chúng tôi mong được chia sẻ ngọt bùi, mong bà con miền Nam khống chế dịch bệnh”.

Tại Phú Vang, nhóm kết nối thiện nguyện của chị em phụ nữ Phú Đa (Phú Vang) đã gửi đến Báo Thừa Thiên Huế hơn 3 tấn hàng hóa. Thật xúc động khi đón nhận từng bao gạo - là tấm lòng của từng hộ nông dân chắt chiu “cây nhà lá vườn”. Xem hình ảnh các chị gửi lên khi nhận gạo giữa đêm khuya hay chung tay chế biến thực phẩm quên cả ăn trưa, những người tổ chức hoạt động như được tiếp sức.

Tại Phú Lộc, chị em phụ nữ xã Lộc Thủy đã kịp thời gom góp củ quả nhà trồng, nào mướp, nào bí... Trước giờ thực hiện giãn cách ở khu vực này, chuyến xe chở 500kg nông sản đã kịp đến với tòa soạn báo, “gửi” yêu thương vào Sài Gòn.

Chị Lê Nhung, đầu mối nhận hàng tại Báo Sài Gòn Giải phóng kể: “Mỗi đợt nhận hàng hóa gửi vào, mở ra toàn món ăn bà con chế biến, anh chị em ở đây thực sự xúc động. Những nhu yếu phẩm ấy đã được trao đến nhiều người lao động

nghèo, lực lượng tuyến đầu chống dịch… ở các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức...

Hậu phương và tiền tuyến 

Đến đầu tháng 8/2021, trong số hơn 18 tấn gạo, 10 tấn rau củ quả, nhiều tấn thực phẩm khô và tiền mặt mà các hội nông dân trên toàn tỉnh kêu gọi ủng hộ đồng bào vùng dịch, có những câu chuyện thật cảm động.

Vậy mà khi nhấc máy liên lạc, để viết đôi dòng về tấm lòng của một nông dân đã vận động anh em trong gia đình quyên góp số tiền 31 triệu đồng gửi đồng bào TP. Hồ Chí Minh, ông lại từ chối tiết lộ danh tính. “Có chi to tát đâu cô. Mình may mắn còn yên lành. Thấy bà con trong Nam dịch khổ quá, một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ông khẩn khoản, với chất giọng hiền từ của một lão nông với mong muốn đừng đưa tên mình lên báo.

Làm ruộng, đêm đêm lênh đênh sông nước đánh bắt cá, có lẽ, số tiền 31 triệu đồng với bác nông dân ấy không nhỏ. Nhưng khi trao đi, lòng ông lại thật nhẹ, như là việc hẳn nhiên khi đồng bào mình khó khăn.

Cũng với tấm lòng ân nghĩa ấy, một hội viên nông dân ở Phú Hồ (huyện Phú Vang) đã gửi 1 tấn gạo đặc sản quê nhà ủng hộ miền Nam chống dịch. Hỏi tấm tình gửi gắm, ông giản dị bảo: Chỉ một chút lòng thành thôi. Có thấm vào đâu so với nỗi khổ của bà con vùng dịch, so với hy sinh không đo đếm được của đội ngũ y, bác sĩ ở tuyến đầu.

Lời chia sẻ thật lòng ấy khiến chúng tôi nhớ đến những cái ôm sâu nặng của hàng trăm y, bác sĩ Huế khi tạm biệt người thân lên đường tiến vào Nam, hỗ trợ tâm dịch.

Có mặt trong đoàn quân Nam tiến, BS. Phan Hải Thanh - Bệnh viện Trung ương Huế đã cùng đồng nghiệp đi qua các tâm dịch, từ Sa Đéc, đến quận 10, rồi Bệnh viện dã chiến 14 ở tâm dịch tại TP. Hồ Chí Minh. Trắng đêm cùng đồng nghiệp chuyển giao kỹ thuật, cứu chữa bệnh nhân tuyến cuối..., ông gọi những ngày vất vả ấy là khoảng thời gian không thể nào quên, khi trên facebook của mình, ngày 20/8, ông chia sẻ, có 2.300 đồng nghiệp ở tuyến đầu chống dịch phơi nhiễm COVID-19 khi làm nhiệm vụ.

Nhớ ngày đoàn y, bác sĩ Huế xuất quân vào Nam hỗ trợ đồng bào chống dịch, một sinh viên Trường đại học Y - Dược Huế năm cuối nhắn với chúng tôi: “Lớp con có nhiều bạn đăng ký đi lắm. Tiếc là con không được chọn”.

Ở nơi tâm dịch, cuộc sống bình yên đã trở thành chiến trường. Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, biết bao chàng trai, cô gái trong thời bình lại dũng cảm tình nguyện ra trận, vào tuyến đầu. 

Sau họ, những người mẹ, người chị, những người nông dân một nắng hai sương lại trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Họ đã làm nên một bản hùng ca mà ở đó, có những giai điệu thật đẹp mang tên “ân tình xứ Huế”.

Bài: Nhóm PV - BTV - Ảnh: Lê Nhung

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng

Ngày 28/10, ông Trần Xuân Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức gala thơ nhạc “Chút tình với Huế” thu về 600 triệu đồng nhằm sẻ chia các dự án cộng đồng tại quê hương.

Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng
Ủng hộ... quyết liệt

Đứa cháu vào cấp 2 đã gần hết học kỳ. Gặp, tôi hỏi cháu đi học có vui không? Cháu trả lời có. Hỏi lớp bao nhiêu bạn thì bắt đầu ậm ừ. Hỏi có thân bạn nào không, tên gì, cũng chỉ ậm ừ. Cứ ngỡ cháu có gì hơi bất thường thì bố nó đã thay lời, tụi nó bây chừ không như anh em mình trước đâu. Lên trường hở ra là chúi đầu vô cái điện thoại. Cứ nhoay nhoáy clip này qua clip khác, trò chơi này tới trò chơi kia, có đâu mà trò chuyện, mà chơi đùa với bạn bè…

Ủng hộ  quyết liệt
“Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Sau 1 tháng phát động, thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Vận động Cứu trợ tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động được hơn 35 tỷ đồng tiền mặt cùng với nhiều vật chất ủng hộ Nhân dân các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra.

“Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Return to top