Bệnh nhân nặng và nguy kịch được điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực cho người bệnh COVID-19
“Chúng tôi mang ơn các bác sĩ…”
Ở khu điều trị cho bệnh nhân thoát hồi sức và chuẩn bị ra viện của Trung tâm Hồi sức tích cực cho người bệnh COVID-19 do Bệnh viện Trung ương Huế chịu trách nhiệm vận hành chính (quận Tân Phú, TP. HCM), trên gương mặt của người bệnh nỗi đau đớn, sợ hãi đã dần được thay thế bằng những nụ cười khỏe khoắn.
Ông Nguyễn Hạo (SN 1926, ở TP. Thủ Đức, TP. HCM) là bệnh nhân cao tuổi nhất không may mắc COVID-19 nặng, nhưng đã có sự hồi phục kỳ diệu. Các bác sĩ dự tính khoảng 2 ngày nữa, ông sẽ được xuất viện trở về với người thân. Ít ai biết rằng, ngày mới chuyển đến điều trị tình trạng của ông chỉ “còn nước còn tát”. Chị Nguyễn Thị Phượng (SN 1972, con gái của ông Hạo) nhớ lại, chị và ông Hạo đang điều trị COVID-19 ở một bệnh viện khác trên địa bàn thì tình trạng đột ngột trở nặng. Ngày 31/8, hai cha con chị được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực cho người bệnh COVID-19 quận Tân Phú. Nhận được sự điều trị, chăm sóc tận tình từ đội ngũ y, bác sĩ, chị Phượng đã nhanh chóng chiến thắng bệnh tật. Sau xuất viện, chị xin trở lại chăm sóc cho cha, như một cách trả ơn và san sẻ khó khăn với các bác sĩ.
Chị cảm động nói: “Lúc tôi và cha tôi được chuyển đến đây, cả gia đình đã nghĩ đến điều xấu nhất. Những ngày còn nằm viện, tôi không lo cho bản thân mà lo lắng cho cha tôi nhiều hơn. Cha đã tuổi cao sức yếu, sợ rằng ông không cầm cự nổi. Sau đó, tôi và cha cũng dần dần khỏe lên. Từ ngày chuyến đến đây, cha tôi hồi phục nhanh. Khi được biết khoảng 2 ngày nữa cha sẽ được xuất viện, tôi mừng lắm, cứ chắp tay cảm ơn các bác sĩ. Tôi không biết lấy gì đền đáp được ơn tái sinh này…”.
Bà Hồ Thị Như (54 tuổi) và con gái Phan Hồ Hồng Nguyên (22 tuổi, ở quận 8, TP. HCM) cũng không giấu được những giọt nước mắt khi hay tin bà và con gái đã thoát khỏi “cửa tử”, sắp sửa được trở về đoàn tụ với gia đình. Bà Như xúc động kể: “Những ngày qua các bác sĩ, điều dưỡng ở đây tận tâm lắm. Nhờ vậy, mẹ con tôi khỏe lên mỗi ngày. Nhớ lại ngày mới chuyển viện đến cấp cứu, cả hai mẹ con tôi đã nặng lắm rồi, nghĩ là qua không khỏi. Mẹ con tôi và những bệnh nhân khác mang ơn các bác sĩ…”
Điều dưỡng Nguyễn Thành Trung, Khoa Gây mê hồi sức Tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế, điều dưỡng phó phụ trách khu điều trị bệnh nhân thoát hồi sức và chuẩn bị ra viện ở Trung tâm Hồi sức tích cực cho người bệnh COVID-19 cho biết, hiện nay tại trung tâm có 331 bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch đang được tích cực điều trị. Trong đó, có 259 bệnh nhân sắp xuất viện trở về với gia đình. Đó là nỗ lực của toàn bộ đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Trung ương Huế và các bệnh viện bạn đang “cắm chốt” tại đây. “Chúng tôi đã và đang làm tất cả những gì có thể để nỗ lực hồi sinh cho người bệnh” - Điều dưỡng Nguyễn Thành Trung chia sẻ.
GS. TS. BS. Phạm Như Hiệp trong dịp đón tiếp Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra tại Trung tâm Hồi sức tích cực cho người bệnh COVID-19
“Dịch ổn mới trở về”
Có thâm niên nhiều năm trong công tác chăm sóc cho bệnh nhân nặng, điều dưỡng Nguyễn Thành Trung đã quá quen với những thao tác vệ sinh, tắm rửa, giúp bệnh nhân ăn qua ống sonde, theo dõi sinh hiệu… Tuy nhiên, khác với việc chăm sóc cho bệnh nhân thông thường, điều dưỡng chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 gặp phải không ít khó khăn. Bởi phải làm việc trong bộ đồ bảo hộ kín mít nóng nực, lượng bệnh nhân đông khiến áp lực công việc tăng cao.
Điều dưỡng Nguyễn Thành Trung cho hay: “Bệnh nhân đông nên nhu cầu được chăm sóc, theo dõi các chỉ số sinh tồn cũng tăng cao. Chúng tôi phải di chuyển thường xuyên, liên tục. Chúng tôi rất coi trọng công tác vệ sinh cho bệnh nhân ngay trên giường bệnh (bệnh nhân nặng đại tiện và tiểu tiện tại chỗ - PV). Bởi nếu không vệ sinh kịp thời, vệ sinh không sạch, sẽ tăng các nguy cơ nhiễm khuẩn, tình trạng bệnh nhân càng trở nặng hơn. Trách nhiệm và lương tâm của người làm nghề y không cho phép chúng tôi trễ nải, phải hết lòng và tân tậm với từng người bệnh”.
Khối lượng công việc áp lực cao và phải làm việc trong môi trường nguy cơ lây nhiễm nhưng khi được hỏi “anh có từng nản lòng muốn buông xuôi hay không?”, điều dưỡng Nguyễn Thành Trung bảo rằng “chúng tôi luôn động viên nhau, đuối quá thì nghỉ một chút rồi lại lao vào công việc. Người bệnh cần mình, sao có thể buông xuôi”.
Cũng như điều dưỡng Trung, BS.CK2 Nguyễn Thành Huy, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Trung ương Huế đã “cắm chốt” tại Trung tâm Hồi sức tích cực cho người bệnh COVID-19 ở “tâm dịch” TP. HCM từ những ngày đầu xây dựng cho đến nay. Bác sĩ Huy chia sẻ: “Khi lên đường vào TP. HCM, chúng tôi xác định công việc của mình tiếp xúc với nguy cơ lây nhiễm rất cao. Trong quá trình xây dựng, vận hành, chúng tôi đảm bảo quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn để làm sao an toàn nhất cho nhân viên y tế, giữ vững nhân sự để điều trị hiệu quả cho người bệnh. Trải qua nhiều khó khăn, đến nay chúng tôi vẫn vững vàng, vững lòng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Anh em đều xác định dịch ổn mới trở về”.
GS. TS. BS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: Ngay khi nhận lệnh từ Bộ Y tế về việc xây dựng Trung tâm Hồi sức tích cực cho người bệnh COVID-19 tại TP. HCM, Bệnh viện Trung ương Huế đã nhanh chóng huy động vật lực, nhân lực lên đường “chi viện” vào tâm dịch. Trong thời gian ngắn, Trung tâm Hồi sức tích cực cho người bệnh COVID-19 quy mô 616 giường bệnh đã hoàn thành và đang tích cực điều trị cho bệnh nhân. Trong đó, 252 giường hồi sức cho bệnh nhân nặng và nguy kịch; 252 giường cho người bệnh thoát hồi sức và thở oxy qua mask, gọng kính; 112 giường theo dõi và chuẩn bị ra viện.
“Chúng tôi mang trách nhiệm và tấm lòng đến với TP. HCM. Với nhân lực hơn 300 nhân viên y tế có chuyên môn cao và các thiết bị máy móc hiện đại, chúng tôi mong “chia lửa” hiệu quả, hỗ trợ ngành y tế TP. HCM sớm đẩy lùi dịch bệnh. Đến nay, 61 bệnh nhân nặng và nguy kịch đã được điều trị khỏi bệnh, xuất viện là tín hiệu vui giúp đội ngũ y, bác sĩ chúng tôi tiếp tục nỗ lực” - GS. TS. BS. Phạm Như Hiệp nhấn mạnh.
Ở các đợt dịch COVID-19 trước, với trách nhiệm và y đức, Bệnh viện Trung ương Huế đã “chi viện” nhân lực đến các điểm nóng dịch bệnh như: Đà Nẵng, Bắc Giang, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Dương, Đồng Tháp... hỗ trợ điều trị cho nhiều bệnh nhân COVID-19 thoát khỏi “tử thần” trở về với cuộc sống.
Thương Thương