|
Ký kết bàn giao, tiếp nhận sử dụng Ngôi nhà Bình Minh |
Ngôi nhà được hình thành từ sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong khuôn khổ dự án Hòa nhập 1 - hợp phần Dự án "Hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam".
Đây là địa chỉ tạm lánh an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực. Ngôi nhà Bình Minh là mô hình cung cấp dịch vụ thiết yếu hỗ trợ cải thiện tiếp cận cho phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật là nạn nhân của bạo lực giới, gồm có phòng tư vấn và phòng tạm lánh.
Mô hình nhà tạm lánh được điều chỉnh hoàn toàn tiếp cận với người khuyết tật, từ lối đi lại, các vật dụng sử dụng trong nhà cho tới nhà vệ sinh. Phòng tạm lánh được trang bị đầy đủ các thiết bị như tivi, tủ quần áo, tủ sách, bàn ghế, quạt tường, máy điều hòa, giường, có hệ thống vệ sinh khép kín, khu vực bếp thiết kế thân thiện.
Các khu vực bằng phẳng, có ram dốc, tay vịn, thuận tiện để người khuyết tật di chuyển, sử dụng; phòng tư vấn được trang bị đầy đủ đáp ứng nhu cầu tư vấn an toàn và riêng tư. Sự ra đời của cơ sở tạm lánh có đầy đủ yếu tố tiếp cận sẽ giúp cho những nạn nhân bị bạo lực giới là người khuyết tật an tâm, thuận tiện hơn trong quá trình tạm lánh và tái hòa nhập cộng đồng.
|
Các công năng, chức năng của ngôi nhà tạm lánh cho phụ nữ và trẻ em khuyết tật bị bạo hành |
Nhấn mạnh vai trò của nhà tạm lánh trong công tác hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực giới, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện ACDC cho hay: Phụ nữ khuyết tật hay trẻ em gái khuyết tật luôn là những người yếu thế nhất trong những người yếu thế.
Theo báo cáo năm 2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tất cả các hình thức bạo lực do chồng/bạn tình gây ra đối với phụ nữ khuyết tật đều cao hơn so với phụ nữ không khuyết tật. Một phần ba phụ nữ khuyết tật (33%) từng bị chồng/bạn tình bạo lực thể xác so với một phần tư (25,3%) phụ nữ không khuyết tật. Nên đây sẽ là một nơi tạm lánh an toàn, thân thiện với họ. Đến nay, Viện ACDC đã tiến hành bàn giao và đưa vào sử dụng 3 Ngôi nhà Bình Minh trong cả nước (Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế).
Ngôi nhà Bình Minh cũng đem lại hy vọng mới cho các nạn nhân trong đó có nạn nhân là phụ nữ khuyết tật. Ngôi nhà Bình Minh đầu tiên ra đời ở Thừa Thiên Huế cũng sẽ giúp cho sự hợp tác, vào cuộc của các bên liên quan được chặt chẽ, nhịp nhàng hơn, giúp ích được nhiều hơn cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.
Việc đưa vào sử dụng Ngôi nhà Bình Minh như là một minh chứng cho việc thực thi điều 6 của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật của Chính phủ Việt Nam trong việc cam kết thực hiện các hoạt động nhằm giảm thiểu bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, cũng như hiện thực hóa Nghị quyết 28 ngày 3/3/2021 của Chính phủ ban hành chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.