ClockThứ Ba, 28/02/2023 17:47

Bán hàng đa kênh trở thành xu thế

TTH - Bán hàng đa kênh tiếp tục khẳng định vị thế mới, là phương thức ngày càng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn, từ đó thúc đẩy gia tăng doanh số ngành bán lẻ.

Phát triển nhanh dẫn đến bất cập trong quản lý bảo hiểm qua kênh ngân hàng

leftcenterrightdel
 Cơ sở chế biến và thương mại hải sản Xuân Anh tham gia các hội chợ để giới thiệu sản phẩm

Tăng doanh thu

Ngoài cửa hàng rộng 30m2, trưng bày nhiều mặt hàng để phục vụ khách hàng trực tiếp, Hợp tác xã Công nghệ Thông tin còn sử dụng các sàn thương mại điện tử, website, facebook, zalo, app bán hàng… để mở rộng đối tượng khách hàng. Ông Đặng Văn Chính, Giám đốc Hợp tác xã Công nghệ Thông tin phân tích, mỗi kênh có mỗi lợi thế khác nhau, chẳng hạn kênh truyền thống giúp người tiêu dùng có thể trải nghiệm mua hàng trực tiếp tại cửa hàng, trong khi đó mạng xã hội, messenger lại thu hút người trẻ, hay sàn thương mại điện tử chinh phục khách hàng văn phòng, công sở. Nhờ tranh thủ lợi thế của từng kênh mà lượng tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã ngày càng tăng. Hiện Hợp tác xã Công nghệ Thông tin đang tiêu thụ gần một ngàn sản phẩm cho hơn 200 hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. “Sắp tới, chúng tôi dự định sẽ có thêm kênh bán hành mới, đó là tổ chức chợ phiên lưu động tại các điểm trung tâm để mở rộng thêm thị trường”, ông Đặng Văn Chính cho biết.

Ngoài cơ sở sản xuất cũng là nơi trưng bày sản phẩm bán hàng truyền thống, Cơ sở chế biến và thương mại hải sản Xuân Anh còn thường xuyên tham gia các hội chợ, các đợt kết nối xúc tiến thương mại. Theo bà Võ Thị Nhung Xuân, Chủ Cơ sở chế biến và thương mại hải sản Xuân Anh, thông qua các hội chợ, khách hàng các tỉnh trong nước có cơ hội tiếp xúc trực tiếp sản phẩm, tương tác hỏi đáp những thắc mắc về sản phẩm với nhà sản xuất. Từ đó, khách hàng yên tâm hơn khi chốt đơn qua facebook, zalo hay các app bán hàng. Bán hàng đa kênh, giúp cơ sở tăng doanh thu từ 40 đến 50%.

Là công ty kinh doanh các mô hình dịch vụ, bà Châu Thị Nhớ, Giám đốc Công ty Sóng Việt chia sẻ, hiện doanh nghiệp đang áp dụng có hiệu quả việc bán hàng đa kênh. Tuy nhiên tỷ lệ nhận đơn đặt hàng qua email giảm, ngược lại các kênh như mạng xã hội, website, ứng dụng di động được dùng để nhận đơn đặt hàng tăng lên đáng kể. “Sự thông dụng cũng như tính tiện lợi của việc bán hàng đa kênh giúp doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu mua sắm của nhiều đối tượng khách hàng. Nhờ đó, công ty có thêm nhiều đơn hàng, giúp tăng doanh thu và phát triển thương hiệu”, bà Nhớ cho hay.

Chuẩn hóa dịch vụ

Bán hàng đa kênh đã, đang trở thành xu hướng trong hoạt động kinh doanh hiện nay, đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc X10 Digital chia sẻ, muốn chinh phục được khách hàng, cần xây dựng chiến dịch cụ thể để níu giữ trái tim của họ trên bất cứ kênh nào, vào bất cứ khoảnh khắc nào. Chiến dịch này cần tạo ra được sự liên kết giữa các kênh để củng cố trải nghiệm liền mạch cho người dùng. Ví dụ, sau khi khách hàng sử dụng sản phẩm tại cửa hàng, bạn có thể gửi email, gọi điện để hỏi về cảm nhận của họ đối với sản phẩm và đưa ra những ưu đãi cho lần mua sắm tiếp theo.

Thực tế trên cho thấy, bán hàng đa kênh không chỉ giúp tăng thu nhập cho doanh nghiệp ngành hàng bán lẻ, mà còn góp phần quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp.

Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, từ tác động của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn đến việc phát triển bán hàng đa kênh, đồng thời tự phát triển sản xuất để đưa hàng hóa thực phẩm đi thẳng từ sản xuất tới bán lẻ hoặc liên kết cùng nhau đến tận tay người tiêu dùng, giúp giá thành thấp hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh tốt hơn. Tuy nhiên, ông Dương Tuấn Anh cũng lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được trong bán hàng đa kênh thì vẫn còn một số bất cập trong việc đưa hàng vào các kênh phân phối hiện đại, cũng như nền tảng thương mại điện tử. Khó khăn này không chỉ đến từ các cơ sở sản xuất, hợp tác xã mà còn đến từ chính các doanh nghiệp phân phối.

Ông Dương Tuấn Anh lý giải, để có thể đưa hàng vào siêu thị, kênh thương mại điện tử uy tín thì nhà sản xuất cần phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chất lượng, phải có giấy phép hoạt động kinh doanh, cơ sở được chứng nhận bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời phải bảo đảm nguồn cung ứng liên tục, duy trì số lượng, chất lượng ổn định. Việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sẽ khó lòng đáp ứng được yêu cầu từ nhà phân phối.

Thời gian qua, cùng sự chủ động của doanh nghiệp và địa phương, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã và đang có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp không ngừng chuẩn hóa dịch vụ, tiếp cận có hiệu quả bán lẻ đa kênh. Chẳng hạn, chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức hàng loạt chương trình đào tạo, tập huấn và kết nối thương mại cho các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã; đồng thời tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, để giới thiệu, tiêu thụ các đặc sản của địa phương, góp phần đưa các sản phẩm này đến nhiều hơn với người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Hải Thuận
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Từ 1/1/2025: Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh

Doanh nghiệp (DN) sẽ không tốn bất kỳ khoản phí và lệ phí nào liên quan thủ tục cập nhật thông tin địa giới hành chính của DN. Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị My My, Phó Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư với Báo Thừa Thiên Huế. Bà My cho biết thêm:

Từ 1 1 2025 Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top