Mỗi lần về quê, tôi lại nói với mẹ nên dùng bếp gas thay bếp củi, cũng chẳng tốn là bao nhưng sạch, lại tiện, nhất là khi mẹ đã gần 90. Cụ im lặng, nhưng con vừa quay lưng, lại làm theo ý mình. Những cành cây gãy hay lá rụng trong vườn đều được cụ quét dọn, sắp xếp đem vào bếp; củi to thì chờ con về bổ nhỏ ra. Kế với gian bếp, có cái chái chứa củi dự trữ cho những khi nhà có đám, kể cả là đám của mẹ như lời cụ lo xa: “Cha mẹ nằm xuống thì cũng phải có que củi nấu ấm nước mời bà con”.
Trước đó, cùng với năn nỉ mẹ bỏ bếp củi, tôi kêu thợ đúc đanh, xây bệ, lát gạch men tạo nên không gian mới sáng sủa ngay cạnh gian bếp nhem nhuốc, rồi mua bếp gas lắp vào. Con vui nhưng mẹ có vẻ dửng dưng với bếp mới. Vậy nên, nửa năm vẫn chưa hết bình gas bởi cụ chỉ dùng mỗi khi con về, chắc là chiều cho con vui. Con đi rồi, mẹ lại lom khom lui cui trong cái bếp đầy khói và bồ hóng. Có khi củi ướt, phải thổi phù phù hay quạt phành phạch, khói mù mịt cay xè, nước mắt nước mũi tèm lem nhưng cụ cũng chẳng rời không gian quen thuộc. Dường như ở đây mẹ mới nấu nướng tự nhiên, thoải mái. Nghe con hỏi sao tự làm khổ với củi lửa phập phù như vậy, cụ cười: “Mẹ quen ngọn lửa từ rơm rạ, cây củi hơn là thứ ánh sáng xanh lạnh từ bếp ga”. Quen cái sướng thì còn có thể tiếng nọ lời kia, nhưng quen với nỗi vất vả trong góc bếp chứa đầy kỷ niệm thì sao nỡ trách.
Giờ cha mẹ tôi đã yếu, các con thay nhau lo cơm nước cho hai cụ. Chúng tôi về, đem theo thói quen dùng bếp gas từ thành thị. Chẳng cứ thành thị, ở thôn quê bây giờ, việc dùng bếp gas, bếp điện hay lò vi sóng cũng khá phổ biến. Cả các đám hiếu hỉ, có khi người ta chẳng lo củi rác như ngày xưa mà thuê bếp gas (loại lớn) và cả bình gas về nấu. Cứ đứng thẳng lưng, vặn một phát là ngọn lửa bùng lên, nhỏ to tùy thích, lại chẳng lo khói bụi hay vấy bẩn than tro.
Một ngày mưa lạnh, nhìn cái bếp chụm củi rác của mẹ, tôi chợt nao lòng. Đã lâu không nấu nướng, gian bếp lạnh tanh, cái kiềng sắt chơ vơ giữa đống tro bị bầy gà bươi tung tóe. Tôi bỗng nhớ bếp than hồng mỗi sáng mỗi chiều, nhớ đống trấu cháy ngún cả ngày đêm, ủ ấm gian bếp giữa ngày đông tháng giá. Lại nhớ khói lam chiều trên mái tranh hay củ khoai củ sắn vùi trong than hồng, vừa thổi vừa ăn, miệng dính đầy lọ nghẹ. Và nữa, cả mùi rơm rạ, cỏ cây tỏa ra từ bếp lửa; cái mùi dân dã ấy thật khó tả bằng lời nhưng là nỗi nhớ với nhiều người xa quê. Nhớ hơn nữa là những khi cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng bánh tét, xuýt xoa hơ bàn tay lạnh cóng trên hơi than, chờ đón giao thừa.
Tôi chợt nhận ra điều hiển nhiên là củi lửa giống như hàn thử biểu đo độ ấm áp trong mỗi mái nhà. Những nhà lâu lâu mới đỏ lửa, tỏa khói thì thường là nhà thờ hay vắng chủ; những nhà nấu nướng thất thường có khi do đang gặp chuyện không vui. Ngược lại, đều đều mỗi ngày ba buổi, bếp lửa cứ rần rật đỏ ngời, ấy là tín hiệu của sự ấm no viên mãn, sum họp thuận hòa.
Đến ngày xa kia, chắc không ít người trẻ chỉ biết cái bếp chụm củi rác-một hình ảnh thân thiết của làng quê qua sách vở hay lời kể của người già. Dự cảm ấy khiến tôi bâng khuâng, tiếc nuối.
Nguyễn Trọng Hoạt