ClockThứ Ba, 14/05/2024 14:42

Biến lá bồ đề thành sản phẩm lưu niệm

TTH - Chưa từng học qua trường lớp hội họa, nhưng với năng khiếu và niềm đam mê hoa lá, anh Huỳnh Tấn Linh, cán bộ Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thừa Thiên Huế đã kỳ công mày mò, tạo tác thành công những bức tranh, các loại hoa lá trang trí được làm từ gân lá bồ đề vô cùng độc đáo.

Tranh thêu xương lá

 Anh Huỳnh Tấn Linh với các công đoạn tạo tác sản phẩm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Huỳnh Tấn Linh chia sẻ, anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình Phật tử, nên sớm có điều kiện tiếp xúc với triết lý đạo Phật và hiện anh là Huynh trưởng gia đình Phật tử Tường Vân – Thủy Xuân – TP. Huế. Theo anh, cây lá bồ đề luôn được xem là biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo, gần gũi với Phật tử và tăng ni. Xuất phát từ cái tâm của Phật tử, anh luôn nâng niu và trân trọng những chiếc lá bồ đề bên những mái chùa rêu phong, cổ kính. Đây là cơ duyên đưa anh tìm đến với nghệ thuật gân lá bồ đề.

Thời gian anh được phân công làm cán bộ chuyên môn tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, tình cảm và cái tâm của nhà Phật càng thôi thúc anh thực hiện ý tưởng sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật từ gân lá bồ đề thông qua các loại sản phẩm lưu niệm đậm chất Phật giáo. Vậy nên, qua nhiều năm trăn trở và tìm kiếm cách thức hồi sinh những “chiếc lá của Phật” thành những món quà lưu niệm, anh đã bắt tay vào thử nghiệm những gân lá bồ đề để tạo thành những sản phẩm lưu niệm. Bởi theo anh, sau khi chiếc lá bồ đề đã được ngâm ủ, tẩy rửa hết chất diệp lục, chỉ còn lại phần gân lá rất bền và đẹp mắt. Nhưng từ gân lá đó, để biến thành sản phẩm nghệ thuật quả là một chặng đường kỳ công, đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo và đầu óc thẩm mỹ mới tạo ra sản phẩm gân lá bồ đề mới lạ, hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ của người chơi.

Để có được một tác phẩm nghệ thuật từ lá bồ đề, phải tốn thời gian khoảng 2 tháng từ khâu chọn lá với những chiếc lá không quá non, nhưng không quá già. Điều quan trọng nhất là phải chọn giống lá bồ đề có đuôi nhọn, sau đó đem về ngâm ủ với nước sạch, hòa một ít chất vi sinh đặc hữu để trong khoảng thời gian hai tháng. Khi thấy chất diệp lục trên từng chiếc lá mềm, phân hủy thì vớt ra, dùng bàn chải đánh răng chải nhẹ, làm sạch chất diệp lục trên lá, sau đó đem hong nắng nhẹ cho khô, hoặc sấy để đảm bảo xương lá bền, dẻo, tránh vụn gãy nhằm tạo ra những xương lá ưng ý nhất trước khi tiến hành hoàn thiện sản phẩm.

Để có những tác phẩm hoàn thiện, theo anh Linh, từ những gân lá tự nhiên sau xử lý thường có màu xám, nên phải dùng nhiều chất màu công nghiệp khác nhau như đỏ, vàng, trắng, xanh… rồi nhuộm, viết, vẽ, hay in lụa lên xương lá theo ý tưởng của từng loại sản phẩm. Tiếp đó, để bảo vệ từng chiếc lá không bị hư hại, tránh ẩm mốc, phải tiến hành ép nhựa mỏng (plactic), rồi dùng các hạt cườm, giấy, vải, dải ruy-ban màu đính và liên kết nhau bằng keo dán để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật theo ý muốn sao cho hoàn hảo, bền đẹp, có giá trị thẩm mỹ và được du khách ưa thích.

Đến nay, đã có hàng trăm sản phẩm khác nhau, trong đó anh đặc biệt yêu thích và tập trung đầu tư, nâng cao tính nghệ thuật cho một số sản phẩm được nhiều khách hàng lựa chọn như: Hoa sen, tranh Phật Thích ca, tranh thư pháp trên lá bồ đề… để sản phẩm làm ra đáp ứng tốt nhất thị hiếu và nhu cầu của người thưởng lãm. Tuy vậy, hiện nay tranh lá bồ đề ở Huế vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, nhu cầu đầu ra vẫn chưa ổn định, thiếu sự liên kết trong chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch; sản phẩm làm ra chỉ là sự đam mê, mang tính đơn lẻ, nên nguồn vốn đầu tư sản xuất, quảng bá sản phẩm bị hạn chế… Cùng với đó, tranh lá bồ đề luôn đi kèm với không gian tĩnh, gắn với không gian nhà Phật, nên cũng kén chọn khách hàng sử dụng, trang trí.

Mặc dù vậy, anh vẫn mong muốn “Với sự đam mê chiếc lá nhà Phật, trong thời gian tới, ngoài những sản phẩm đã có, sẽ cố gắng nghiên cứu, tìm tòi để sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới, độc lạ… đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh khi đến Huế, để tranh lá bồ đề trở thành sản phẩm dịch vụ lưu niệm có uy tín và thương hiệu riêng của vùng đất Phật giáo Huế.

NGUYỄN ĐÌNH DŨNG
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THỊ TRƯỜNG HÀNG LƯU NIỆM, QUÀ TẶNG:
Sản phẩm “made in Huế” lép vế

Huế là cái nôi của hàng trăm làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm lưu niệm và quà tặng (LN&QT) đặc sắc. Song, sản phẩm LN&QT “made in Huế” chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi hàng xuất xứ từ các tỉnh, thành khác và sản phẩm nhãn hiệu Trung Quốc tràn ngập thị trường.

Sản phẩm “made in Huế” lép vế
Cải tiến sản phẩm quà tặng: Bắt đầu từ bao bì đóng gói

Sản phẩm đa dạng, mẫu mã phong phú với nhiều chất liệu khác nhau, song các sản phẩm lưu niệm và quà tặng “made in Huế” vẫn chưa hấp dẫn khách do các cơ sở chưa chú trọng đầu tư thiết kế bao bì đóng gói đáp ứng nhu cầu làm quà tặng cho khách.

Cải tiến sản phẩm quà tặng Bắt đầu từ bao bì đóng gói

TIN MỚI

Return to top