Ơ vùng quê chiêm trũng, công việc của dượng (chồng của O tôi) và bà con trong làng chủ yếu là làm ruộng để sinh sống. Việc đồng áng nên lúc nào cũng tất bật, hết làm ruộng thì làm vườn, nhiều khi tối mịt dượng mới nghỉ tay.
Rảnh lúc nào dượng dành cho việc đan lát. Ở làng, nhiều người cũng biết đan như dượng, nhưng nếu nói độ sắc sảo, đẹp và chắc chắn thì ai cũng phải nể. Dượng đan nhiều thứ lắm, cái thì để dùng, cái thì cho con, cho cháu, cho bà con. Cũng là tre, là mây nhưng qua đôi bàn tay dượng cái gì cũng thấy hay hay, tiện ích. Cái oi bỏ cá thì xinh xắn. Cái oi đựng cờ tướng được đan bằng những sợi mây nhỏ, bóng loáng trông như cái bình cắm hoa. Cái sàng, cái dần thấy mỏng manh vậy nhưng lại rất dẻo dai, bền chắc. Cái sàng thì đan thưa hơn cái dần một tí nên lỗ to hơn. Cái khéo ở chỗ là lỗ rất đều nhau. Còn cái nia là to nhất được đan kín thường dùng để sảy lúa, sảy mè hay để phơi. Cái nôi dùng đến mười mấy năm mà chưa hư. Chiếc ghe để chống chèo đi đây, đi đó, chở lúa, chở phân cũng một tay dượng làm. Hết cưa, chẻ, đục, rồi vót, đan,... từng công đoạn mà cũng phải mất hơn tháng trời mới xong. Cũng nhờ nó mà dượng đỡ vất vả hơn và nhất là để chống chọi lại với bao cơn lũ lớn hoành hành.
Mấy chục năm trước, nhiều vật dụng làm bằng tre, bằng mây trong nhà tôi đều do dượng đan cho. Mỗi lần có việc vô Huế, đồ đạc mang theo lỉnh cà lỉnh kỉnh, khi thì cái thúng, cái nia, khi thì cái dần, cái sàng...; có lúc dượng đem luôn mấy củ khoai tía to đùng và mấy con cá lóc cỡ bự mà dượng đã đặt lừ, đặt chẹp tối hôm trước để làm quà cho gia đình tôi. Hồi nhỏ, tôi hay nhìn mạ dần, sàng gạo mà không chán mắt. Đôi tay mạ lắc đều, cứ thế cám, gạo bể, gạo vụn lọt hết xuống dưới; những hạt lúa sót lại khi xay giã cứ thế mà trồi lên trên mặt... cho đến khi chỉ còn lại những hạt gạo nguyên, đều đặn, trắng nõn. Ngày nay, cuộc sống đã có những thay đổi, nhiều đồ dùng được làm bằng tre ít sử dụng hơn mà chỉ còn lại trong hoài niệm, trong "ký ức vui vẻ" của mỗi người. Dù vậy, gia đình tôi vẫn quen sử dụng những đôi đũa tre mà dượng làm cho. Nhìn thì không "bắt mắt", không đẹp như các loại đũa kim loại, đũa nhựa, đũa gỗ... nhưng "sướng" cái là gắp mà không sợ bị trơn, tuột làm đồ ăn rơi rớt, vung vãi.
Để làm được những vật dụng đó, dượng phải ra vườn chọn lựa thật kỹ từng cây tre. Nếu tìm không có thì mua tre của bà con trong làng hoặc qua tận làng bên. Cũng có khi từ mờ sáng dượng lên rừng chặt mây cuộn lại thành bó rồi vác bộ từ rừng ra ghe để chèo về. Việc đốn tre cũng nhiêu khê lắm, nhất là khi những cây tre mình ưng ý lại nằm ngay giữa bụi. Gai góc thì nhiều nên khi đốn cũng bị đâm, móc, xước vào tay chân, mình mẩy. Dượng nói, muốn làm đũa phải chọn những cây tre già, thẳng và đốt phải dài. Tre được chẻ ra (nên ngâm trong nước hơn chục ngày để đũa không bị mối mọt), rồi đem phơi nắng hoặc hong giàn bếp cho khô mới vót từng chiếc thật tròn và đều nhau. Tiếp đó dùng ngay đồ vừa vót ra (lóng) để tuốt, chà, hoặc ra vườn lấy lá chuối khô vuốt, xoa cho thật láng để không xơ, không xước một chỗ nào. Chiếc nào cong, vênh thì loại ra. Nhớ lại hồi nhỏ, mỗi khi không có thước, tôi tới so đũa lấy một chiếc để kẻ cũng thẳng tắp không thua gì thước kẻ.
Đã bước sang tuổi chín mươi, dượng vẫn còn nhận ra được mọi người là tôi mừng lắm (o tôi đã mất lâu rồi). Mỗi khi về làng, dượng hay để dành cho tôi bó đũa tre. Có lẽ do đôi bàn tay đã run, mắt đã mờ nên những chiếc đũa của dượng không còn được như trước nữa, nhưng đó là món quà gợi nhớ đến làng quê mưa nắng dãi dầu gắn với những năm, tháng tuổi thơ của tôi và cả tấm lòng của dượng nữa.
THIỆN LINH