ClockChủ Nhật, 04/11/2018 11:07

Quản lý thị trường sẽ chủ động hơn khi từ "chiếc đũa thành bó đũa"

TTH - Từ 12/10/2018, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường- Bộ Công thương. Trao đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức sau khi chuyển đổi từ Chi cục QLTT trực thuộc tỉnh thành Cục QLTT, ông Nguyễn Duy Thành, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế cho biết:

Tiền lương trong doanh nghiệp sẽ theo cơ chế thị trườngGiá tôm tăng, Việt Nam đẩy mạnh nuôi tôm có kiểm soát

Ông Nguyễn Duy Thành

Trên cơ sở Quyết định 34 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục QLTT trực thuộc Bộ Công thương, ngày 11/10/2018, Bộ Công thương ban hành Quyết định 3692 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục QLTT Thừa Thiên Huế. Theo đó, bộ máy sau khi chuyển về Bộ Công thương có 3 phòng chuyên môn và 4 Đội (3 đội QLTT và 1 đội cơ động), giảm 3 đội so với trước ngày 12/10/2018.

Khi chuyển đổi từ Chi cục QLTT lên Cục QLTT hẳn là sẽ có những lợi thế hơn trong quản lý, điều hành, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, phải không, thưa ông?

Mỗi cơ cấu bộ máy tổ chức đều có những chức năng, nhiệm vụ và đóng vai trò quan trọng, nên không thể phủ nhận những “ưu việt” của từng mô hình. Bất kể một đơn vị nghiệp vụ nào như công an, hải quan, thuế..., khi xử lý vụ việc đòi hỏi phải nhanh nhạy, chính xác. Muốn vậy cần phải trực tuyến, tức là không qua nhiều đầu mối chỉ đạo trung gian; trong đó việc ứng dụng công nghệ thông tin rất quan trọng.

Trước đây, mỗi khi có khó khăn, vướng mắc, 63 đơn vị chi cục ở 63 tỉnh, thành đều có ý kiến, đề xuất, nên có lúc không cùng tiếng nói chung, không mang tính đại đa số để điều chỉnh, bổ sung. Nhưng nay, những vấn đề liên quan đến QLTT thì Tổng cục QLTT sẽ là đầu mối duy nhất để đề xuất lên các bộ, ban, ngành liên quan và trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung. Nên ý tôi muốn nói đến lợi thế “trực tuyến” ở đây chính là không qua nhiều trung gian. Lực lượng QLTT mặc dù đóng ở nhiều địa bàn khác nhau nhưng được xâu chuỗi, liên kết, tạo nên thế mạnh vững chắc, kịp thời nắm bắt, trao đổi thông tin từ ngoại biên đến nội địa, nhanh nhạy đón đầu và ngăn chặn những thủ đoạn, hoạt động sai phạm. Việc phối kết hợp với các lực lượng ngoài ngành cũng sẽ thuận lợi hơn.

Nếu thế “gánh nặng” của Cục QLTT sẽ tăng hơn so với trước?

Quyết định 3692 của Bộ Công thương đã nêu rõ Cục QLTT Thừa Thiên Huế có chức năng giúp Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT quản lý Nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh. Như vậy, về nguyên tắc lĩnh vực hoạt động của lực lượng QLTT trên địa bàn cơ bản không thay đổi về bản chất, nhưng trách nhiệm về quản lý Nhà nước về lĩnh vực này trước đây thuộc Sở Công thương nên có sự chia sẻ với các phòng của sở và các sở, ban, ngành của tỉnh. Nay, trách nhiệm rõ ràng hơn. Hay nói cách khác, đơn vị phải quản lý toàn diện trên địa bàn, nếu xảy ra vấn đề gì liên quan đến QLTT thuộc lĩnh vực Bộ Công thương quản lý thì Cục phải là đơn vị chịu trách nhiệm đầu tiên.

Lực lượng QLTT phối hợp cùng lực lượng công an kiểm tra hoạt động kinh doanh tại một số cơ sở trên địa bàn

Để làm được thế, đơn vị sẽ phải khắc phục những khó khăn, tồn tại nào?

Chắc chắn một tổ chức mới nào vẫn có những tồn tại, khó khăn. Riêng tồn tại tôi muốn nói đến chủ yếu liên quan thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm mà trước đây các văn bản quy phạm pháp luật chưa phân cấp hoặc chưa cụ thể. Thứ hai, liên quan đến quá trình lãnh đạo song trùng của lực lượng Trung ương triển khai nhiệm vụ tại các địa phương, cũng như cơ chế phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương. Sắp tới, các bộ, địa phương sẽ trình cấp có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh để khắc phục điểm trống này theo hướng sát thực tế từng địa bàn. Vì mỗi địa bàn, vấn đề QLTT có đặc thù riêng, do phương thức thủ đoạn của đối tượng vi phạm khác nhau nên cần có đối sách và phương án khác nhau để phá án. Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật để xử lý các hành vi vi phạm khá đầy đủ. Nhưng vấn đề ở đây tuy có nhiều nhưng có chỗ còn chồng chéo, chưa chặt chẽ, xử mức nào cũng được, nên dễ dẫn đến khiếu kiện và mức răn đe chưa đủ mạnh. Rõ nhất là liên quan đến lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, dược phẩm...

Điều đó có được coi là điểm yếu, dễ khiến lực lượng QLTT “chùn tay” khi đấu tranh, đối phó, xử lý vi phạm?

Từ những tồn tại kể trên, người ngoài cuộc cho rằng các lực lượng thực thi pháp luật nói chung và lực lượng QLTT nói riêng có vẻ như “chùn tay” trước các hành vi vi phạm. Nhưng thực tế, bên cạnh sự phối hợp, hỗ trợ của các lực lượng chức năng khác, tự thân Cục QLTT đang triển khai đồng bộ nhiều vấn đề từ tổ chức, nhân sự, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đến trang bị công cụ hỗ trợ, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong quản lý và xây dựng dữ liệu đối tượng quản lý; xây dựng các quy trình kiểm tra kiểm soát thị trường; xây dựng các quy chế phối hợp làm việc với các cơ quan ban ngành trong tỉnh để chủ động phối hợp, giải quyết và xử lý công việc kịp thời và hiệu quả. Nhất là nay trực thuộc Trung ương, không thông qua các khâu trung gian, đơn vị sẽ có lợi thế hơn và có đủ quyền hạn (khi được giao quyền) trong thực thi nhiệm vụ.

Và ông tin tưởng cán bộ, công nhân viên trong chức năng, nhiệm vụ mới sẽ tròn vai “gác cửa” thị trường?

Quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng, các đối tượng vi phạm thủ đoạn ngày càng tinh vi và xảo quyệt như: cấu kết có tổ chức xuyên biên giới và sử dụng công nghệ cao để qua mắt các lực lượng, nhất là trong việc đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Nghiêm trọng là các loại hàng hóa này được trao đổi qua các kênh kinh doanh, thanh toán phi truyền thống (bán hàng đa cấp, qua mạng xã hội, thương mại điện tử, ví điện tử…). Vì vậy cần phải có “tre già” với bề dày kinh nghiệm, đồng thời cần đội ngũ trẻ để có sức khỏe, có trình độ chuyên môn, khoa học kỹ thuật, ngoại ngữ… để ứng dụng, sử dụng nhằm đối phó với các đối tượng vi phạm.

Không chỉ bây giờ mà ngay sau khi có Pháp lệnh QLTT, Chi cục QLTT tỉnh (nay là Cục QLTT) đã chủ động xây dựng công tác quy hoạch cán bộ đến năm 2020 có tính đến 2025 và kế hoạch đào tạo về chuyên môn và chính trị hàng năm với tỉ lệ năm sau cao hơn năm trước. Nhờ đó, khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo Quyết định 3692 của Bộ Công thương, đơn vị đủ điều kiện triển khai ngay công tác sắp xếp tổ chức và đi vào hoạt động ổn định từ ngày đầu. Vì vậy, chúng tôi tin tưởng và đặt mục tiêu ngày càng làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình để hạn chế đến mức thấp nhất những vi phạm về mặt quản lí thị trường.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi

Nhằm hạn chế thiệt hại về gia súc trong mùa mưa rét năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã yêu cầu các địa phương chú trọng các biện pháp phòng rét cho vật nuôi.

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi
Chủ động đấu tranh, trấn áp tội phạm

Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an tỉnh được Ban Giám đốc Công an tỉnh đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trong đấu tranh, trấn áp tội phạm, góp phần giữ vững sự bình yên cuộc sống người dân.

Chủ động đấu tranh, trấn áp tội phạm
Chủ động ngăn ngừa tội phạm liên tỉnh

Nhờ nắm và bám sát địa bàn, Công an TP. Huế đã kịp thời triệt phá, bắt giữ nhiều nhóm tội phạm ngoại tỉnh liên quan đến lừa đảo và trộm cắp tài sản.

Chủ động ngăn ngừa tội phạm liên tỉnh
Triển khai chương trình tài trợ thương mại mới cho các thị trường mới nổi

Tập đoàn tài chính đa quốc gia HSBC và Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) của Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ cùng nhau cung cấp vốn cho các giao dịch thương mại, với giá trị lên tới 1 tỷ USD. Động thái này nhằm giúp lấp đầy khoảng trống về tài trợ cho thương mại tại các thị trường mới nổi.

Triển khai chương trình tài trợ thương mại mới cho các thị trường mới nổi
Return to top