ClockThứ Sáu, 16/08/2024 09:30

Búp bê từ… đường

TTH - Bằng sức sáng tạo và đôi bàn tay điêu luyện của mình, Trần Hiền, cô đầu bếp trẻ tại phường An Tây (TP. Huế) đã tạo nên những sản phẩm trang trí độc đáo từ đường bột fondant - loại đường bột được pha trộn với các nguyên, vật liệu như bột ngô, chocolate thành hỗn hợp dẻo, mịn, dễ dàng tạo thành nhiều hình thù khác nhau.
 Trần Hiền (áo trắng) trang điểm cho búp bê làm từ đường fondant

Đa dạng

Dù còn trẻ, nhưng chuỗi ngày bén duyên và đam mê với nghề bếp bánh của Hiền đã kéo dài hơn 10 năm. Học tập và rèn giũa với nhiều thể loại bánh khác nhau, yêu cầu của nghề đã dần gắn kết cô gái 9X với những sản phẩm tạo hình từ đường bột fondant.

Hiền chia sẻ: “Năm 2018, mình bắt đầu học và thực hành nhiều hơn với đường bột fondant. Đặc trưng của loại đường này đó là vị ngọt, ăn ngon và có độ mềm dẻo thích hợp để nhào nặn, tạo nên các chi tiết. Vì thế, với các dòng bánh kem cần trang trí tỉ mỉ, công phu, đường bột fondant là chất liệu không thể thiếu để tăng thêm vẻ đẹp và sự độc đáo, riêng có cho mỗi chiếc bánh”.

Được pha trộn từ chocolate trắng, bột ngô và đường, tùy vào yêu cầu sản phẩm cụ thể mà đường bột fondant sẽ được phối trộn với màu thực phẩm để cho ra nhiều màu sắc khác nhau. Không những tạo hình đơn giản, loại đường này còn được sử dụng để làm nên các sản phẩm thủ công trang trí ăn được với độ phức tạp và tính thẩm mỹ cao.

“Trong đó, có thể kể đến là những chi tiết sống động như thật của những đóa hoa mẫu đơn, hoa hồng làm từ đường. Ngoài ra, những sản phẩm đường fondant tái hiện lại ngôi nhà, trang trí ren, các loại búp bê, động vật đều có sự phức tạp nhất định, đòi hỏi tay nghề và cả gu thẩm mỹ của người tạo hình”, Trần Hiền cho biết thêm.

Độc đáo

Khi Trần Hiền nhận được đơn hàng là chiếc bánh kem yêu cầu trang trí hình búp bê chibi mô phỏng em bé, chúng tôi có dịp được quan sát tỉ mỉ từng cử chỉ, động tác của cô đầu bếp trẻ. Cân trộn các nguyên liệu để tạo thành thỏi đường fondant, phối màu cho từng chi tiết riêng, cô gái 9X lần lượt chia thỏi đường thành nhiều phần để phù hợp với từng bộ phận của búp bê.

Đặc biệt cẩn thận nhồi nặn, dùng dụng cụ với gương mặt búp bê, đôi tay của Hiền tỉ mỉ, dứt khoát những kỹ thuật để tạo hình cho mũi, vị trí nhân trung và phần môi cho búp bê chibi. Hiền nói: “Để sản phẩm giống với hình ảnh nhân vật, mình phải tìm cách tăng độ sắc sảo cho từng đường nét gương mặt mà vẫn giữ được vẻ dễ thương đặc trưng của búp bê chibi. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng để người thợ nâng cao tay nghề”.

Từ đôi bàn tay của Hiền, khuôn miệng xinh xắn hơi hé cười, cách mũi nhí nhảnh, gương mặt bầu bĩnh đáng yêu với phần má phúng phính hồng, ánh mắt trẻ thơ có hồn của búp bê lần lượt hiện ra. Qua nửa ngày tạo hình, em bé búp bê đáng yêu đã hoàn thiện.

Khéo léo, tỉ mỉ, sản phẩm tinh tế trên là kết quả của cả hành trình dài mà cô gái trẻ nhiều năm nỗ lực, rèn luyện các kỹ thuật. Hiền cho biết: “Ngoài các lớp học về cách tạo hình, phối màu, mình còn học làm gốm để tăng khả năng cảm thụ và sự linh hoạt của đôi bàn tay. Có như thế, khi tạo hình, dù là sản phẩm đơn giản nhất, mình vẫn dễ dàng cảm nhận được chất liệu, nhuần nhuyễn độ nông sâu khi điêu khắc”.

Thông thường, Trần Hiền mất nửa ngày để thực hiện tạo hình cho búp bê chibi đơn giản. Với những sản phẩm có độ phức tạp cao hơn, cô gái 9X có thể mất nhiều giờ, thậm chí là 2 – 3 ngày để hoàn thiện các chi tiết, chờ đường khô và đính ghép. Bởi thế, tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, bánh tạo hình từ đường fondant có giá khá cao, dao động từ một đến hàng chục triệu đồng vì độ kỳ công, sự độc đáo và công sức mà người thợ bỏ ra.

Tại Huế, vẫn chưa nhiều người biết đến những chiếc bánh với các sản phẩm búp bê chibi, những đóa hoa tạo hình từ đường bột fondant ăn được. Nhưng không vì thế mà Hiền nản lòng. Vì với cô đầu bếp trẻ, mỗi chiếc bánh đường fondant vừa thể hiện được tay nghề cùng cái tâm của người làm ra nó, vừa chứa đựng tình cảm mà người đặt muốn gửi gắm, chuyển tải đến người mình yêu thương. “Với giá trị đặc trưng riêng có ấy, mình hy vọng bánh tạo hình từ đường fondant sẽ sớm có được vị trí xứng đáng và sự yêu thích của nhiều người", Trần Hiền chia sẻ.

Bài, ảnh: Mai Huế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khơi nguồn sáng tạo từ ngày hội STEM

Một sân chơi khoa học để sáng tạo, phát triển kỹ năng là hoạt động bổ ích mà thầy cô giáo Trường tiểu học Vĩnh Ninh, TP. Huế mang đến cho học sinh qua Ngày hội sáng tạo, trải nghiệm STEM và cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng diễn ra ngày 14/11.

Khơi nguồn sáng tạo từ ngày hội STEM
Kích cầu nguồn lực, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo

Chính sách hỗ trợ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo luôn là đòn bẩy giúp các chủ thể này tạo dựng, hình thành môi trường tốt để sáng tạo ra những ý tưởng mới, sản phẩm mới.

Kích cầu nguồn lực, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo

TIN MỚI

Return to top