|
Cá nhân hóa không gian sống giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của gia chủ |
Thông thường, trước khi thiết kế một ngôi nhà, kiến trúc sư là người đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và thiết kế không gian, sắp xếp bố cục ngôi nhà để phù hợp với diện tích cũng như nhu cầu của gia chủ. Sau này, khi xu hướng cá nhân hóa không gian sống “lên ngôi”, gia chủ và gia đình trở thành trung tâm ngôi nhà để kiến trúc sư có thể nghiên cứu, tìm hiểu những lối thiết kế nhằm phục vụ thói quen, nhu cầu sinh hoạt phù hợp với lối sống của họ.
Chẳng hạn, một ngôi nhà của một người làm văn phòng phải có những điểm riêng biệt so với ngôi nhà của một họa sĩ. Thông thường, một người làm văn phòng sẽ chỉ cần một phòng làm việc gọn gàng với chiếc máy tính. Trong khi đó, nhu cầu của họa sĩ phải đảm bảo các yếu tố cách âm để họ có thể tập trung sáng tạo, ngoài ra, trang trí thêm cây xanh cũng rất quan trọng nhằm đem lại yếu tố thiên nhiên cho căn phòng. Vì những nhu cầu khác nhau này nên kích thước phòng, vị trí mở cửa sổ, cửa ra vào, mức độ cách âm, ánh sáng... luôn luôn khác nhau.
Ngoài ra, việc thiết kế không gian chung - riêng một cách hợp lý cũng là cách gắn kết các thành viên trong gia đình. Các kiến trúc sư ngày nay sẽ phải đào sâu hơn vào thói quen sinh hoạt, sở thích cũng như nhu cầu của từng cá nhân để chọn lựa những phong cách, cách sắp xếp, bài trí nội thất sao cho phù hợp. Từ đó, đem lại cảm giác thoải mái nhất để các thành viên sau một ngày làm việc, học tập mệt mỏi có thể thư giãn, thoải mái trong căn nhà của mình.
Chị Trần Lê Uyên Nhi, TP. Huế kể: “Bản thân mình là một giáo viên nên cần không gian yên tĩnh để soạn giáo án trước khi lên lớp. Ngược lại, các con còn nhỏ nên cần không gian vui chơi và đa sắc màu để các con có thể phát triển về thể chất lẫn trí tuệ. Bởi thế, mình đã thiết kế các không gian riêng biệt và cách xa nhau để các con vừa có thể thoải mái vui chơi mà không ảnh hưởng đến công việc của mình”.
Sở hữu căn hộ hơn 70m2 tại chung cư The Manor Crow, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, TP. Huế, đã không ngần ngại chi số tiền lớn để thiết kế không gian sống riêng phù hợp với sở thích của mình. Chị Hiền cho biết, chị dành thời gian cả ngày để đi làm, chỉ có buổi tối mới về nhà nên luôn muốn tổ ấm của mình phải thật hoàn hảo. “Đó không chỉ là nơi để thể hiện sở thích, thẩm mỹ hay gu sống, mà còn khiến mình gắn bó, thương mến hơn món đồ và căn hộ của mình”, chị Hiền chia sẻ.
Theo kiến trúc sư Lê Văn Thịnh, nhu cầu về không gian sống và thói quen sinh hoạt của mỗi cá nhân luôn khác nhau nên mỗi sản phẩm thiết kế cá nhân hóa kiến trúc luôn luôn khác nhau. Mỗi một nhu cầu ở của một cá nhân được thể hiện qua các hoạt động sinh hoạt hàng ngày: Thói quen nấu ăn, thói quen trang điểm, thói quen mặc đồ, thói quen chơi với những đứa trẻ, thói quen xem phim... Điều này dẫn đến vị trí sắp xếp phòng trong một ngôi nhà khác nhau.
Một khi được tự mình quyết định không gian sống, gia chủ sẽ tìm thấy được những cảm xúc tích cực khi trở về ngôi nhà thân yêu. Chính vì thế, việc cá nhân hóa kiến trúc hay cá nhân hóa nội thất là một giải pháp không chỉ giúp chủ nhà nâng cao chất lượng sống mà còn giúp những thành viên trong gia đình được mạnh khỏe, hạnh phúc và gắn kết với nhau.