Thu hoạch cá
Buổi tối nơi làng biển rộn ràng hẳn khi những chiếc ghe trở về. Chúng tôi theo chân những người phụ nữ làng biển đi đón cá. Từ 7 giờ tối trên bãi biển đã tấp nập người. Phụ nữ tay xách nách mang, nào là bạt, két nhựa … để đựng cá. Đám trẻ con vô tư chơi đùa trên bãi cát, đợi phụ bố mẹ một tay. Xa xa, những bóng đèn cao áp (đèn được gắn vào ghe của ngư dân) đang gần hơn.
Hàng chục chiếc ghe nối đuôi nhau vào bờ. Những con cá trích sáng bóng, tươi rói rơi ào ào trên bãi cát. Sau khi gỡ xong lưới cá, những người phụ nữ cẩn thận nhặt từng con cho vào két, rửa sạch, phân loại để bán. Màn đêm yên tĩnh nhường chỗ cho một phiên chợ tạm được họp ngay trên bờ biển. Không chỉ các thương lái mà nhiều người dân làng biển cũng háo hức để mua được những mớ cá tươi, ngon.
Theo ngư dân làng chài Mỹ Khánh, vùng biển Phú Diên vào mùa cá trích khoảng tháng 3 đến tháng 5 âm lịch. Bằng kinh nghiệm, họ dựa vào con nước, dựa vào luồng gió để đoán biết khi nào cá vào gần bờ.
Cả người ướt sũng, tay thoăn thoắt gỡ lưới, ngư dân Trần Văn Tuấn (50 tuổi, thôn Mỹ Khánh) hồ hởi: “Đây là lần ra khơi thứ hai trong ngày, lúc sáng ghe tui lưới được 60kg, giờ chắc phải hơn 1 tạ. Buổi sáng bắt đầu đi tầm 4h sáng, 6 giờ là vô còn buổi chiều 5h ra khơi thì phải 8, 9 giờ mới vô. Thường thì đi lưới cá trích chủ yếu là buổi tối nhưng cá đang vào mùa nên ráng “cày” thêm để bù cho những hôm biển động phải ở nhà. Với giá bán cá khoảng 15 ngàn/kg, trừ chi phí mỗi ngày thu được tầm 1 triệu đồng/ người, ngày ít thì cũng được 5 trăm ngàn”.
Người dân làng biển háo hức đợi ghe về để mua được những mớ cá tươi, ngon
Nở nụ cười giòn tan, trên khuôn mặt rạng rỡ, ông Tuấn giới thiệu luôn: “Mùa này cá to, béo, thịt rất thơm ngon. Cá mới lưới vào tươi cong như thế này mà quạt than nướng chấm với nước mắm ớt hoặc làm gỏi thì ngon hết sảy. Ngày xưa cá trích được xem là loại cá bình dân, cá của nhà nghèo nhưng giờ cá trích không những được xuất khẩu mà còn được làm cá hộp, làm mắm…Cá trích cũng chế biến được nhiều món ngon nên bán rất chạy, lưới được chừng nào bán hết chừng đó”.
Cạnh ghe ông Tuấn, gia đình ngư dân Nguyễn Văn Lơ đang khẩn trương gỡ lưới để kịp bán cho thương lái. Cô bé Giang (học THPT) khá chuyên nghiệp, tay thoăn thoắt giũ lưới. Giang cho biết, cá gỡ càng nhanh càng tốt vì cá tươi, cá còn nhảy bán mới được giá. “Giờ đang đi học nên hôm nào rảnh em mới ra phụ mẹ chứ hè về chiều nào cả tụi con nít bọn em cũng ra biển chơi, đợi xuồng vào để gỡ cá”, Giang cười hồn nhiên.
Nghe được câu chuyện giữa những bạn thuyền mới biết lưới cá trích cũng không “dễ ăn”. Nghề biển thì đúng là vất vả, nhưng lưới cá trích không giống như đi câu mà có phần vất vả hơn. Ngoài kinh nghiệm giăng lưới như thế nào, giăng lưới lúc nào và ở đâu mới trúng luồng cá thì khâu kéo lưới rất quan trọng. Phải hai người khỏe mạnh, dạn dày sương gió mới kéo lưới lên ghe được vì lúc này lưới vừa nhúng nước lại đóng cá nên rất nặng. Đó là chưa kể giữa trùng khơi chiếc ghe lúc nào cũng lắc lư, chòng chành. Nói cá trích là loài cá dễ đánh bắt nhưng để theo nghề, bám biển cũng gian nan vô cùng.
Ông Lơ bộc bạch: “Sau một thời gian nằm bờ vì sự cố môi trường biển, giờ người dân ăn cá lại, ngư dân chúng tôi mừng lắm. Mừng hơn cả là biển vẫn đãi đằng cho ngư dân chúng tôi con cá, con tôm và biển cũng đã xanh trong trở lại”. Bán xong cá, xếp đặt lại ngư lưới cụ, gia đình ông Lơ cùng nhau trở về nhà, kết thúc một ngày làm việc tất bật.
Sau khi nhận được tiền đền bù từ Formosa, nhiều ngư dân đã sửa sang lại xuồng máy và mua thêm ngư lưới cụ, sẵn sàng cho một mùa lưới trích bội thu. Thời tiết đang ủng hộ, nên hơn 2 chục chiếc ghe ở làng vẫn ra khơi đều đặn mỗi ngày. Nét mặt âu lo của những người dân làng chài khi biển vắng nhường chỗ cho niềm vui, cho những chuyển biển đầy cá trở về...
Bài, ảnh: Thanh Thảo