ClockChủ Nhật, 17/07/2022 07:31

Cắm trại, dã ngoại ngày hè

TTH - Huế độ này vào mùa nắng gắt, nhiều người lại tranh thủ cuối tuần đi cắm trại, dã ngoại để thư giãn và “giải nhiệt”.

Cắm trại bên dòng sông A SápTrải nghiệm Huế với camping

Cắm trại, dã ngoại, hòa mình vào thiên nhiên

Trải nghiệm giữa “khách sạn ngàn sao”

Nhân đám bạn lâu ngày cho nhau cái hẹn, chúng tôi quyết định tìm đến khe Kiền, A Lưới để dã ngoại. Những bãi đá cuội gần đó khá rộng trở thành điểm dựng trại cho chuyến đi cuối tuần. Có mặt khá sớm trong ngày thứ bảy, nhưng đoàn chúng tôi vẫn đến sau 2 - 3 đoàn bạn, họ cũng chọn nơi đây cho chuyến cắm trại, dã ngoại cuối tuần.

Camping - cắm trại, dã ngoại, picnic ngoài trời đang là trào lưu nở rộ thời gian gần đây, đặc biệt là sau giai đoạn dịch COVID-19. Dịch bệnh phần nào đã thay đổi xu hướng của nhiều người, nhất là giới trẻ. Thay vì đi nghỉ dưỡng hay dạo chơi chốn phố thị, nhiều người chọn trải nghiệm khác lạ, như đi cắm trại qua đêm, cùng bạn bè, gia đình ngắm hoàng hôn hoặc bình minh. Nguyễn Hoàng Anh, một bạn trẻ theo đuổi trào lưu này giải thích: “Cảm giác thức dậy ở một nơi xa giữa bốn bề núi non và cỏ cây hoa lá đem lại những trải nghiệm thú vị và ngày càng được nhiều người lựa chọn”.

Tự nướng đồ ăn là trải nghiệm vui trong các chuyến dã ngoại

Ngày hè nóng bức, nhưng lại phù hợp cho những chuyến cắm trại, dã ngoại. Không khó để bắt gặp những gia đình, nhóm bạn trẻ tại địa phương, kể cả ngoại tỉnh đến Huế để dã ngoại. Sở dĩ phong cách du lịch này được nhiều bạn trẻ lựa chọn vì được hòa mình vào thiên nhiên và vô vàn khung cảnh “sống ảo”. Địa điểm cắm trại được chọn thường là những nơi có bãi đất rộng rãi, thoáng mát, có núi, có sông, hồ, hoặc bên những con suối giữa cánh rừng, những bãi biển có cảnh đẹp và đủ an toàn để có thể thoải mái dựng lều trại. Theo Nguyễn Hoài An (TP. Huế), cắm trại, dã ngoại là hình thức du lịch tự túc, ít tốn kinh phí. Huế có nhiều điểm thuận lợi cho các chuyến cắm trại, dã ngoại, trong đó có nhiều bãi biển; những khe, suối, thác ở A Lưới, Nam Đông. Ngay tại TP. Huế, những vùng đồi như đồi Vọng Cảnh, Thiên An cũng có thể mang lại những trải nghiệm tuyệt vời.

Có nhiều chuyến đi chỉ kéo dài trong ngày, nhưng đa phần nhiều người lại chọn trải nghiệm qua đêm, vừa hòa mình vào thiên nhiên tuyệt đẹp, vừa tận hưởng cảm giác qua đêm tại “khách sạn ngàn sao”. Nguyễn Thị Minh Châu, người từng có nhiều chuyến cắm trại dã ngoại tại nhiều địa điểm trong và ngoài tỉnh kể: “Đêm đến, có thể quây quần nướng thịt, nướng khoai. Mình cùng đám bạn đã có những đêm nằm giữa khu vực cắm trại, ngước lên ngắm nhìn bầu trời đêm đầy sao. Có lẽ đó là kỷ niệm thú vị và ấn tượng hơn mà “khách sạn ngàn sao” mang lại so với những chuyến nghỉ dưỡng”.

Vui nhưng phải an toàn

Du lịch tự túc, thích gì làm nấy, nhưng để có chuyến cắm trại, dã ngoại vui vẻ, an toàn thì không chỉ xách ba lô, lều trại lên mà đi, ngược lại cần sự chuẩn bị khá chu đáo.

Trải nghiệm bên bờ suối

Ngoài tìm hiểu yếu tố thời tiết, những nhóm bạn trẻ có kinh nghiệm đi cắm trại, dã ngoại thường dành thời gian tiền trạm, hoặc tìm hiểu trước vùng đất sẽ đến. Sau đó, họ vạch ra một kế hoạch cụ thể, bao gồm cả việc chuẩn bị hành trang. Theo Minh Châu, nước, thực phẩm, sản phẩm vệ sinh cá nhân, lều trại và khăn giấy làm sạch là những thứ nhất định phải có khi đi cắm trại.

Đi cắm trại vào mùa hè, mùa mưa hay bất kỳ mùa nào, thì việc phải đối mặt với côn trùng, đặc biệt khi bạn lựa chọn cắm trại trong rừng. Những bạn trẻ có kinh nghiệm trải nghiệm các chuyến dã ngoại chia sẻ, để đối phó côn trùng, nên mang theo áo quần dài và không thể thiếu thuốc chống côn trùng trong hành lý, hoặc mang theo lưới ngủ.

Những chuyến dã ngoại vui hiếm khi thiếu hoạt động đốt lửa trại. Cùng bạn bè người thân quây quần bên lửa trại, nướng thịt, trò chuyện và vui chơi là trải nghiệm đáng nhớ trong bất kỳ chuyến dã ngoại nào. Song, để đảm bảo an toàn khi đốt lửa trại, nhiều bạn trẻ cũng đã đúc rút nhiều  kinh nghiệm, để tránh những rắc rối không đáng có. Nguyễn Thiện Đức, trưởng một nhóm phượt chia sẻ: “Trước khi bắt đầu đốt lửa trại, hãy đảm bảo rằng ở đó được phép. Mùa cắm trại cao điểm cũng là mùa thời tiết nắng nóng, dễ cháy. Vì vậy, một số địa điểm cắm trại trong rừng cấm hoặc hạn chế đốt lửa trại. Các nhóm đi dã ngoài cũng cần chuẩn bị một cái xẻng, đống đất hoặc xô nước ở gần, phòng khi cần dập tắt lửa và tránh tổ chức đốt lửa trại vào ngày có nhiều gió và hanh khô. Ngoài ra, cũng cần dọn sạch lá khô và cành cây xung quanh trước khi tiến hành đốt lửa trại…”.

Tạm rời xa sự ồn ào của phố thị, của tiếng còi xe để tận hưởng bầu không khí trong lành và những giây phút yên bình hẳn là điều tuyệt vời từ các chuyến cắm trại, dã ngoại. Nhưng, vì là hình thức du lịch tự túc, yếu tố bảo vệ môi trường vẫn luôn được hoài nhắc. Nhiều bạn trẻ vẫn thường xuyên lan truyền thông điệp sau những chuyến đi, rằng: “Không lấy gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân”.

Bài: HỮU PHÚC - Ảnh: HỮU PHÚC - VĐP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

Du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Với nhiều tiềm năng, Thừa Thiên Huế cùng các địa phương có thể đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam.

Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

TIN MỚI

Return to top