|
Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến với các tài xế xe công nghệ |
Anh Nguyễn Hoàng Nam, 32 tuổi, trú tại phường An Tây, TP. Huế gia nhập đội ngũ lái xe Grab được hơn 5 năm nay, cho biết: “Trước thời điểm dịch COVID-19, công việc đều, nếu chạy chăm chỉ, cật lực (từ 6h sáng đến 6h tối), ngày cao điểm cũng kiếm được từ 400 – 600 ngàn đồng. Ưu điểm của nghề này là không mất vốn, chỉ cần có sức khỏe, phương tiện và chăm chỉ là có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, do kinh tế khó khăn nên thu nhập bấp bênh, mỗi ngày chỉ kiếm được trên dưới 300 ngàn đồng. Ngoài khoản thu nhập hằng ngày, đội ngũ lái xe không có bất cứ nguồn hỗ trợ nào khác vì không thuộc đối tượng lao động có quan hệ lao động, nên phải tự bỏ tiền túi ra mua BHYT để phòng khi ốm đau, bệnh tật”.
Cũng như anh Nam, anh Phan Cảnh, làm đối tác cho Grab được gần 3 năm nay, chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy rất thiệt thòi vì không được hưởng chế độ gì. Hiện, tôi phải tự mua BHYT để được hưởng sự hỗ trợ nếu không may bị ốm đau, bệnh tật nhưng chưa có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện. Chỉ mong được hỗ trợ đóng BHXH, để mỗi khi đi làm yên tâm hơn, được đảm bảo quyền lợi tốt hơn và sau này có lương hưu như những lao động khác”.
Qua khảo sát, tỷ lệ chiết khấu của các hãng công nghệ khá cao, đối với nhóm lái xe công nghệ, tỷ lệ chiết khẩu bình quân/giao dịch gần 25%, người lao động (NLĐ) chỉ nhận lại khoảng 75% thu nhập, song trong 75% thu nhập này có đến 30% chi phí cho phương tiện, khấu hao, số còn lại chi trả cho sức lao động, như vậy là khá thấp. Về phúc lợi, hầu hết NLĐ không có hỗ trợ tiền ăn, chế độ nghỉ phép, khám sức khỏe định kỳ, thưởng lễ, tết..., mà chủ yếu nhận 2 chế độ chính là tiền thưởng/hoa hồng - thưởng do làm vượt định mức và tip của khách hàng.
Qua tìm hiểu, cơ hội việc làm của các tài xế công nghệ cũng đi kèm thách thức, rủi ro. Để có thu nhập, tài xế xe công nghệ phải đánh đổi thời gian, sức khỏe, bất chấp hiểm nguy; thu nhập bấp bênh, thiếu ổn định, đặc biệt phải đối mặt với rủi ro cao như tai nạn nghề nghiệp, nguy cơ bị xâm hại, cướp giật… nên rất cần chính sách an sinh về lâu dài.
Theo BHXT tỉnh, để giúp NLĐ, đặc biệt là các tài xế công nghệ tiếp cận nhiều hơn với các chính sách bảo hiểm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đơn vị tiếp tục đa dạng hóa các hình thức truyền thông như tổ chức hội nghị, hội thảo, hội thi, tư vấn, đối thoại trực tiếp…; chú trọng tuyên truyền, vận động trực tiếp tại cơ sở theo các nhóm đối tượng, hoặc tổ chức hội nghị khách hàng; nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức dịch vụ thu bằng việc tổ chức đào tạo hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền vận động. Bên cạnh đó, cơ quan BHXH cũng chủ động kêu gọi cộng đồng DN, các nhà hảo tâm, các cơ quan, tổ chức đóng góp, hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện, mua tặng sổ BHXH tự nguyện cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương.
Cùng với sự vào cuộc của cơ quan BHXH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã đề xuất Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá thực trạng việc làm, điều kiện làm việc, an sinh xã hội, quản lý nhà nước về lao động tại các công ty đang cung cấp dịch vụ nền tảng, ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử - lái xe công nghệ (Grab, Now, Be, Gojek, Aha…) để hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội nhằm tạo cơ hội cho các đối tượng này được thụ hưởng các chính sách bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi trước mắt và lâu dài.