ClockThứ Tư, 20/01/2021 07:30

Cần có quy định quản lý thuốc lá điện tử

TTH - Thuốc lá điện tử (TLĐT) đang được nhiều người lựa chọn, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, tác hại của TLĐT không thua kém thuốc lá truyền thống.

Cảnh báo tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻQuảng cáo kích thích hành vi sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ

Tại các quán cà phê ở TP. Huế, thanh thiếu niên "vô tư" sử dụng thuốc lá điện tử

Dễ mua

Đến các quán cà phê ở TP. Huế hiện không khó bắt gặp các thanh niên, nhóm bạn trẻ hút TLĐT và “vô tư” nhả khói khiến nhiều người xung quanh khó chịu.

 Anh LVT. (đường Bà Triệu, TP. Huế) thường sử dụng TLĐT cho biết, TLĐT sử dụng tinh dầu. TLĐT khá nhỏ gọn, có thể thêm vào các hợp chất để tạo hương vị mới. Ngoài ra, chỉ cần sạc đầy là có thể tiếp tục sử dụng, vì vậy TLĐT là sản phẩm đang được nhiều người trẻ đem theo và sử dụng tại các địa điểm công cộng, quán cà phê...

Hiện nay, TLĐT có những dạng phổ biến, như vape (thường là những loại máy to, hút ra rất nhiều khói và có nồng độ nicotin trong tinh dầu rất thấp) và Pod System (ra ít khói, có nồng độ nicotin cao và có cảm giác giống với hút thuốc lá hơn). Ngoài ra, có dạng IQOS thiết kế như cây bút, hoặc điếu thuốc xì - gà (cơ chế sử dụng nung nóng nhưng không tạo khói), với giá từ vài trăm ngàn đến 7-8 triệu đồng. Việc mua các sản phẩm TLĐT cũng dễ dàng vì có nhiều người kinh doanh online mặt hàng này (trên cả mạng xã hội hoặc lập các website riêng), người có nhu cầu chỉ cần qua mạng đặt mua là có hàng đến tận tay.

Anh PTT. (P. Phú Bài, TX. Hương Thủy) từng hút qua nhiều loại TLĐT cho biết, người bán hàng luôn quảng cáo hút TLĐT ít độc hại hơn thuốc lá truyền thống. Thế nhưng, làm sao biết chính xác trong tinh dầu thơm có những chất gì, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không. Thực tế đã có nhiều bạn bè anh không an tâm khi dùng TLĐT nên đã từ bỏ.

Theo bác sĩ Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc BV Trung ương Huế, hiện nay giới trẻ có xu hướng chuyển từ sử dụng thuốc lá truyền thống sang TLĐT do suy nghĩ không độc hại và bị hấp dẫn bởi nhiều mùi hương khác nhau từ các loại tinh dầu. Trong khi đó, nhiều công trình nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy các chất acrolein, fomandehit và chất methylglyoxal trong tinh dầu trên là những thành phần cơ bản gây tổn hại đến DNA - tăng lên một cách toàn diện so với những người không hút. Sự thoái hóa tế bào liên tục do sự tương tác giữa các thành phần này và DNA của con người là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư.

Nên cấm

Tại hội thảo Cung cấp thông tin về TLĐT và thuốc lá nung nóng được Tổng hội Y học Việt Nam cùng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào dịp cuối năm 2020, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khẳng định, nicotin có trong thuốc lá nói chung, TLĐT nói riêng đều gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người hút và người hít phải khói.

Theo Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), các nghiên cứu đã chứng minh, TLĐT có tác hại không thua kém thuốc lá truyền thống nên cần nghiêm cấm.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, năm 2015 chỉ có 0,2% dân số sử dụng TLĐT thì đến năm 2020, riêng lứa tuổi từ 13-17 sử dụng TLĐT đã chiếm 2,6%. Bên cạnh đó, theo Quỹ  Phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 40 nghìn trường hợp tử vong do các nguyên nhân từ thuốc lá.

Anh NVT. ở thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc chia sẻ, anh đồng tình với đề xuất cấm các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới của Bộ Y tế. Thế nhưng hiện nay các sản phẩm TLĐT còn nằm ngoài các quy định của Luật PCTH của thuốc lá năm 2012 nên nhiều người đã dùng thoải mái ở nơi công cộng, bất chấp ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên...

Tại khoản 1, điều 2, Luật PCTH của thuốc lá năm 2012 nêu, thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì-gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác. Vì vậy, các quy định cấm hút thuốc lá không chế tài được TLĐT vốn chỉ sử dụng các loại tinh dầu. Với khoản và điều của Luật PCTHTL năm 2012 nói trên và tính nguy hại của TLĐT các cơ quan chức năng liên quan cần nghiên cứu xây dựng ban hành khung pháp lý phù hợp để quản lý và có mức xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm liên quan đến TLĐT.

Bài, ảnh: Minh Huy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để giảng đường không khói thuốc lá

Với nhiều biện pháp tích cực, nhiều trường đại học thành viên, đơn vị trực thuộc Đại học Huế (ĐHH) đã hạn chế tối đa cán bộ, giảng viên, sinh viên hút thuốc lá trên giảng đường.

Để giảng đường không khói thuốc lá
Siết chặt quản lý phương tiện ô tô vi phạm tốc độ

Tình trạng xe container, đầu kéo, xe hợp đồng chở khách, xe chạy tuyến cố định vi phạm tốc độ dù đã được kiểm tra, xử lý nhắc nhở thường xuyên, song vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Giải pháp đặt ra vẫn là quản lý chặt chẽ hơn nữa, xử lý nghiêm hơn nữa các phương tiện vi phạm để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này.

Siết chặt quản lý phương tiện ô tô vi phạm tốc độ

TIN MỚI

Return to top