ClockThứ Hai, 14/09/2020 15:01

Chăm con như đàn bà Huế

TTH - Ngay từ khi còn bé, các cô gái Huế được ba mẹ giáo dục về tầm quan trọng của mái ấm gia đình với quan niệm, rằng con gái không cần học quá cao, chọn một công việc nhẹ nhàng để cân bằng cuộc sống và có thời gian chăm sóc cho gia đình.

Không quá khéo léo như gái Bắc hay đôi khi hơi ham vui như phụ nữ Nam bộ, bà mẹ Huế thương con rất đặc biệt: Hết lòng hết dạ, chân thành, hơn cả bản thân mình và người chồng đầu gối tay ấp. Có một câu nói tôi thường nghe từ những người lớn tuổi xung quanh, “phụ nữ Huế có thể bỏ chồng nhưng tuyệt đối không bỏ con”. Họ chắt chiu, tích cóp để con cái có tương lai sáng sủa, đôi khi quên cả bản thân. Dành dụm cả đời được một miếng đất nho nhỏ, khi được hỏi về già sẽ làm gì với chút vốn liếng, nhiều o, nhiều dì trả lời rất mộc mạc: “Thì cho con chứ làm chi, mình để lại ít hộ thân hộ thổ thôi”.

Chị gái, bà con cô cậu tôi, năm nay ngoài 30, có hai đứa con, đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ mới lên 4. Mỗi khi nhà có tiệc, chị tôi ngồi giữa hai con, nhìn chị xoay như chong chóng giữa hai đứa trẻ: hết gắp thịt, phẻ cá cho đứa này lại lau tay, chùi miệng cho đứa kia. Sau khi chăm cho tụi nhỏ ăn, chị tôi mới ngồi lại dùng bữa, lúc ấy cơm canh đã nguội lạnh rồi. Khi nấu những bữa cơm gia đình, chị dành riêng những món ăn đặc biệt nhiều dinh dưỡng, thơm ngon và dễ ăn cho tụi nhỏ. Tám tiếng làm việc ở cơ quan, về nhà chị cũng không hở tay.

Thời chưa về hưu, mẹ tôi thường tranh thủ buổi trưa về sớm một chút để đi chợ và nấu cơm cho hai chị em tôi kịp buổi học chiều. Mẹ tất tả dọn dẹp và nấu nướng, đôi khi tôi để ý mẹ chẳng kịp thay bộ đồ công sở đang mặc và tẩy sạch lớp son còn vương trên môi. Mệ nội tôi mất chồng từ năm 32 tuổi. Kể từ đó, mệ đóng cửa trái tim và tập trung chăm sóc ba đứa con thơ. Mệ có nét kiên cường, đôi khi hơi lạnh lùng của người phụ nữ đơn thân. Ba tôi rất thương mệ, bởi ba hiểu được những vất vả và hy sinh lặng lẽ của mệ.

Trong lịch sử, câu chuyện chăm con của các bà mẹ Huế cũng có nhiều điển tích thú vị. Theo sách "Đại Nam nhất thống chí", bà Nguyễn Thị Thuần, vợ sinh đồ Hoàng Đạo làng Thủy Xuân, thủ tiết sau khi chồng mất dù lúc đó bà mới chỉ 25 tuổi. Bà phơi lại sách của chồng cho hai con học, tìm chỗ vắng vẻ, yên tĩnh để dạy con, thường đặt cây roi bên cạnh để con không lười biếng. Người đương thời gọi bà là “Nghiêm mẫu” và được vua Tự Đức ban cho tấm biển Tiết - phụ Bình - hạng và lụa là, thoi bạc. Cuối thế kỷ 19, bà Trương Đăng Thị Bích, con dâu của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, đã viết cuốn sách "Thực phổ bách thiên" để hướng dẫn con cháu nấu 100 món ăn từ bình dân đến cung đình, tất cả đều được ghi lại bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt.

Chăm con kỹ, tay bồng tay bế đứa con dại nên những bà mẹ trẻ xứ Huế than vãn chẳng đi đâu được vì suốt ngày loay quay với đứa trẻ còn thơm sữa: cho con ăn, cho con bú, ru con ngủ, chơi với con. Sau 3 tuổi, khi đứa trẻ đã khá cứng cáp, các bà mẹ trẻ mới có chút thời gian thảnh thơi cho bản thân mình. Do ảnh hưởng còn khá sâu đậm của văn hóa phong kiến nên phụ nữ Huế đặc biệt yêu quý con trai, sinh được một quý tử là niềm hạnh phúc và tự hào của phụ nữ Huế. Một cô gái ngoại tỉnh làm dâu xứ mình đôi khi cũng ái ngại vì phải lấy mất một phần tình cảm mẹ con cũng như cái sự khó và kỹ của bà gia xứ Huế.

Những người con đất Huế được nuôi dưỡng dưới bầu sữa trong lành, tinh khiết của mẹ nên đặc biệt yêu thương và gần gũi mẹ. Khi bước chân ra xã hội, họ là những con người trưởng thành và dạn dĩ nhưng khi về đến nhà, trở lại quê hương, họ vẫn là đứa trẻ thơ trong mắt mẹ, cần được bảo bọc và chở che.

Lê Thục Đan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc

Tập tùy bút, ghi chép “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” (NXB Phụ Nữ Việt Nam) đã được tác giả - nhà báo Minh Tự giới thiệu đến công chúng, những người yêu sách tại Phố sách Hà Nội (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc
Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Return to top