Quan tâm sẻ chia, giáo dục tốt cho trẻ cần được gia đình và toàn xã hội chung tay để giúp trẻ phát triển toàn diện
Sẻ chia
Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều chương trình, dự án, mô hình về chăm sóc, bảo vệ, giáo dục về trình độ văn hoá, kỹ năng sống cho trẻ em được triển khai thực hiện tại nhiều địa phương và đem lại những kết quả tích cực.
Những mô hình, như: Xã, phường phù hợp với trẻ em, Trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng, Câu lạc bộ trẻ em, Ngôi nhà an toàn... đang được nhân rộng, tạo được sự quan tâm của gia đình và toàn xã hội trong công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục cho trẻ em. Từ các mô hình, nhiều thanh thiếu niên, trẻ em được trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ năng sống, nâng cao khả năng tự nhận thức và cảm quan về cuộc sống xung quanh, biết yêu thương, giúp đỡ trong cộng đồng.
Qua các buổi tham gia sinh hoạt thực tế, các em được trang bị những kiến thức phòng tránh tai nạn thương tích, cách nhận biết các vật dụng gây nguy hiểm và giúp bản thân năng động, tự tin hơn, gắn kết các mối quan hệ lành mạnh, hòa đồng giữa bạn bè, anh em, thầy cô và gia đình.
Ông Trương Đình Bé, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em - Bình đẳng giới, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho hay, ngoài hiệu ứng từ các chương trình, dự án, mô hình, Sở LĐTBXH phối hợp với các ngành, địa phương lồng ghép, đưa vào chương trình giáo dục phòng, chống bạo lực học đường, ngăn ngừa xâm hại trẻ em. Hiện, các trường học đã đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh một cách thiết thực, phù hợp. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh đã xây dựng và thực hiện tốt quy tắc ứng xử văn hoá, đạo đức và lối sống lành mạnh trong học đường. 100% cơ sở giáo dục mầm non đạt trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích.
Nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được nâng lên rõ rệt. Nhiều chế độ, chính sách cho đối tượng này được quan tâm thực hiện. Từ cơ sở vật chất, thiết chế văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao đến các hoạt động phúc lợi xã hội... đã tạo môi trường vui chơi lành mạnh, bổ ích, an toàn, giúp các em tránh xa những cám dỗ, tệ nạn xã hội.
Định hướng đúng, giáo dục tốt kỹ năng sống giúp trẻ phát triển toàn diện
Chăm sóc và giáo dục toàn diện
Xã hội phát triển, cùng với nhiều tác động của mạng xã hội, phim ảnh, trò chơi, đồ chơi bạo lực... nhưng chưa được định hướng và quản lý chặt chẽ nên ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm sinh lý trẻ em. Đó cũng là nguyên nhân khiến vấn đề bạo lực học đường, tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước, trẻ em bị xâm hại, trẻ em bỏ học, trẻ em rơi vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật... ngày càng diễn biến phức tạp.
Trước những thách thức đặt ra, đồng thời triển khai những hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 với chủ đề "Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em", Sở LĐTBXH phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Trong đó, tiếp tục thực hiện các mô hình: "Cộng đồng an toàn", "Ngôi nhà an toàn", "Trường học an toàn"; phối hợp tổ chức các lớp học bơi và các kỹ năng dưới nước dành cho hàng nghìn em học sinh; tập huấn cho phụ huynh và trẻ em kỹ năng phòng chống các loại tai nạn thương tích như: bỏng, điện giật, đuối nước, ngộ độc thức ăn, tai nạn giao thông... Qua đó từng bước nâng cao nhận thức của trẻ em và cha mẹ trong việc phòng ngừa tai nạn thương tích, xâm hại tình dục, cũng như tạo cho các em một môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh.
Việc thành lập Quỹ BTTE các cấp đã xây dựng mạng lưới "bà đỡ", là cánh tay nối dài để kịp thời hỗ trợ, giải quyết, giúp đỡ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua tổ chức này, có 84 thư viện thân thiện và đồ chơi cho các trường mầm non, tiểu học được xây dựng.
Theo ông Trương Đình Bé, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm thay đổi kế hoạch, hoạt động dành cho các em, song dịp lễ Quốc tế Thiếu nhi (1/6) và Tháng hành động vì trẻ em năm nay, các em vẫn được trải nghiệm, sẻ chia về vật chất, chăm lo đời sống văn hoá tinh thần với những chương trình vui chơi an toàn, tặng quà, phát học bổng vượt khó, khám chữa bệnh... giàu ý nghĩa.
Số trẻ em trong các gia đình nghèo hiện chiếm gần 2,9% tổng số trẻ em dưới 16 tuổi toàn tỉnh. Số trẻ em thuộc 14 nhóm có hoàn cảnh đặc biệt là 4.285 em, chiếm hơn 1,46% tổng số trẻ. Trong đó, có hơn 94% trẻ được hưởng trợ cấp xã hội và chăm sóc bằng các hình thức khác.
|
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG