ClockThứ Ba, 24/09/2019 06:30

Nhà phải là nơi thật sự an toàn với trẻ

TTH - Chỉ cần chú tâm vào những việc rất đơn giản, như để các đồ vật sắc nhọn, ổ cắm điện, phích đựng nước nóng, bật lửa... xa tầm với là đã giảm thiểu được tai nạn thương tích cho con trẻ.

Bảo vệ trẻ bằng “Ngôi nhà an toàn”

“Ngôi nhà an toàn” của gia đình chị Nguyễn Thị Trang

Tính đến tháng 5/2019, trẻ dưới 16 tuổi trên địa bàn TX. Hương Thủy là 29.795 em. Với địa hình có nhiều ao hồ, sông, có đường sắt và Quốc lộ 1A đi qua, đây là địa phương tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích (TNTT) cho trẻ trong quá trình sinh hoạt. Trước thực trạng này, bên cạnh triển khai nhiều hoạt động nhằm phòng, chống đuối nước, tai nạn giao thông, Hương Thủy đã và đang thực hiện khá tốt mô hình “Ngôi nhà an toàn”, góp phần ngăn ngừa TNTT cho trẻ.

Trên thực tế, không ít gia đình có suy nghĩ cứ để trẻ ở trong nhà sẽ giảm thiểu được nguy cơ TNTT. Thế nhưng, một khi ru rú trong nhà, bên cạnh hạn chế về giao tiếp, trải nghiệm, khám phá..., thì ngôi nhà của trẻ và gia đình đang sinh sống liệu có thật sự an toàn?

Bà Võ Thị Minh Thảo, Trưởng phòng Lao động, Thương binh & Xã hội TX. Hương Thủy thông tin, để ngăn ngừa TNTT cho trẻ, năm 2014, sau khi Bộ Lao động, Thương Binh & Xã hội triển khai mô hình “Ngôi nhà an toàn”, TX. Hương Thủy là địa phương của tỉnh được chọn làm thí điểm mô hình này với 2 xã đầu tiên là Thủy Phù và Thủy Bằng.

“Lúc khảo sát 1.811 ngôi nhà ở xã Thủy Bằng và 2.669 ngôi nhà tại xã Thủy Phù, chúng tôi giật mình khi Thủy Phù chỉ có 156 nhà đạt tiêu chí, trong khi Thủy Bằng không có nhà nào. Đã vậy, nhiều người cắc cớ: “Nhà tôi 2-3 tầng, xây kiên cố, không an toàn thì đã sập lâu rồi mới phải...”. Khi hiểu ra, mọi người mới... toát mồ hôi”, bà Thảo nói.

“Ngôi nhà an toàn” không cứ lầu này, tầng nọ, cửa 2-3 lớp mới gọi là an toàn. Mà là trong không gian trẻ và gia đình cư ngụ, từ phòng khách đến bếp ăn, từ phòng ngủ, đến nhà vệ sinh, khoảng sân, tường rào..., những vật dụng, như dao, kéo, phích đựng nước nóng, bếp ga, ổ cắm điện, nơi chứa nước, tường rào... nếu được bố trí, sắp xếp hợp lý là có thể giúp hạn chế gây TNTT cho trẻ, ngược lại, nguy cơ chảy máu, bỏng, ngạt nước... đe dọa đến an toàn của trẻ rất dễ xảy ra.

Chị Nguyễn Thị Trang (thôn 3, xã Thủy Phù) chia sẻ: “Trước đây suy nghĩ đơn giản, xung quanh đều là bà con xóm giềng, cần gì bước qua một bước là đến nhà nhau nên xây tường rào thấy hơi phiền. Bây giờ đã hiểu cần phải làm như vậy để bảo đảm an toàn cho con trẻ nên dù khó khăn, gia đình cũng vay mượn để làm tường rào và cửa”.

Song song mô hình “Ngôi nhà an toàn tại 4 xã: Thủy Thanh, Thủy Bằng, Thủy Tân và Thủy Phù, hiện TX. Hương Thủy tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” và các lớp tập huấn về ATGT, một số kỹ năng cơ bản trong phòng, chống bỏng, đuối nước; các bước sơ cứu ban đầu khi trẻ em bị TNTT.

Ở xã Thủy Bằng, gia đình anh Phạm Cự và anh Lê Viết Lập (thôn Cư Chánh 1) là trường hợp điển hình cho việc thực hiện cải tạo lại ngôi nhà nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho trẻ trong gia đình. Trước đây, ngoài chưa có tường rào ngăn cách nhà và đường đi, thì hệ thống dây điện, ổ cắm trong nhà các anh bố trí lộ ra ngoài và sát tầm với con trẻ. “Thú thật sau khi nghe phổ biến về “Ngôi nhà an toàn” tôi mới giật mình. Ngoài làm cửa để ngăn trẻ nhỏ tiếp xúc với khu vực bếp, hiện, hệ thống điện nhà tôi đã đi ngầm trong tường, các vật dụng như dao, kéo, bật lửa... cũng được sắp xếp lại”, anh Lập nói.

Sau khi triển khai ở xã Thủy Phù và Thủy Bằng, đến năm 2017, mô hình “Ngôi nhà an toàn” tiếp tục có mặt ở 2 xã Thủy Thanh và Thủy Tân, và chỉ sau thời gian ngắn, mô hình này ở 4 địa phương nói trên đã đạt nhiều kết quả khích lệ khi số lượng gia đình đạt chuẩn “Ngôi nhà an toàn” tăng lên hằng năm. Minh chứng là từ 156 ngôi nhà đạt tiêu chí năm 2014, đến nay, số lượng nhà an toàn của 4 xã triển khai mô hình này đã thành 1.026/5.328 nhà được khảo sát.

Theo ông Nguyễn Thanh Minh, Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy, trong 33 tiêu chí theo quy định để đạt chuẩn “Ngôi nhà an toàn”, có một số tiêu chí bắt buộc, nhưng do điều kiện nên một số gia đình chưa thể khắc phục, như: giếng nước, bể nước hoặc các đồ dùng chứa nước không có nắp đậy; xung quanh khu vực ao, hồ không có hàng rào chắc chắn; lan can, bậc cầu thang có chiều cao không đảm bảo, trẻ dưới 6 tuổi rất dễ chui qua... “Mừng là nhiều gia đình do điều kiện kinh tế nên chưa thể thay đổi ngay nhưng bản thân họ đã ý thức và tự định hướng để khắc phục trong thời gian gần nhất có thể”, ông Minh nói.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẵn sàng trong mọi tình huống

Cùng với phường Phú Nhuận, hiện nhiều địa phương trên địa bàn TP. Huế đã thành lập các tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và "Điểm chữa cháy công cộng", phát huy tác dụng trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) như Đông Ba, Phú Hội, Phú Thượng, Vĩnh Ninh...

Sẵn sàng trong mọi tình huống
Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác

Mùa hè về, loại hình du lịch sinh thái gắn với tắm suối thác đang thu hút nhiều khách du lịch nội địa. Việc chủ động các giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách phải được đặt lên hàng đầu.

Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác

TIN MỚI

Return to top