Mong ước của chàng trai Tà Ôi Kêr Thế Đoàn gắn bó với chổi đót và người khuyết tật
Không ngừng cố gắng
Không may bị khuyết tật bẩm sinh, đôi chân của cậu bé Đoàn nhỏ thó, chẳng thể di chuyển bình thường. Gia đình lặng người khi nhìn con đi đứng bằng tay. Sau này, những bác thợ mộc dưới xuôi lên A Lưới làm việc thương tình, đã chế cho Đoàn chiếc nạng gỗ.
Lên tám tuổi, cậu bé khuyết tật mới bắt đầu đi học. Quãng đường không xa với bạn bè cùng trang lứa, nhưng là nỗi gian lao của cậu học trò nhỏ. Vì thế, Đoàn quyết tâm tập xe đạp. Say mê con chữ, đôi chân dù tàn tật nhưng cả cơ thể của Đoàn đã chịu đựng để dần quen. Đây là quãng thời gian giúp Đoàn rèn tính kiên nhẫn, không bỏ cuộc dù bao lần vấp ngã.
Tốt nghiệp trung học phổ thông, Kêr Thế Đoàn về nhà làm đủ công việc và được tạo điều kiện để học nghề chổi đót tại TX. Hương Thủy.
Anh chia sẻ: “Lúc ấy mình mừng lắm, vì vùng nguyên liệu đót của A Lưới nhiều, công việc lại phù hợp”. Nhưng vạn sự khởi đầu nan, học cách làm chổi nhanh bao nhiêu thì khi bán chổi anh lại chậm bấy nhiêu. “Ở đây bà con chuộng loại chổi vò thật sạch bông. Hơn nữa, cách bện, cách tra cán cũng đặc biệt so với nơi mình học”, Đoàn kể.
Bền chí đến cùng, chàng trai Tà Ôi đã tìm hiểu kỹ hơn về cách bện chổi ở A Lưới. Anh còn làm những “cuộc khảo sát” nho nhỏ nhằm tìm hiểu thị hiếu, mẫu mã mà bà con mong muốn. Sau nhiều ngày lặn lội, người đàn ông Tà Ôi nhận ra chiếc chổi A Lưới truyền thống vẫn chưa thật sự đáp ứng được hết mong muốn của bà con. Với sự kiên trì, sáng tạo, anh đã cho ra đời những chiếc chổi bện đặc biệt.
“Vua” chổi đót vùng cao
Anh bật mí: “Hoa chổi được mình gia công phù hợp gồm nẹp dây, nẹp thép, tán xòe, kiểu bện riêng để chổi vừa bền vừa đẹp mắt. Không chỉ ở A Lưới, mình tin mọi người đều sẽ rất hài lòng với sản phẩm chổi đót này”.
Để hoàn thành một chiếc chổi phải trải qua nhiều công đoạn, tước, vò hoa, bện, cuốn thép…Nhìn đôi tay của anh thoăn thoắt lướt trên bó hoa chổi, chúng tôi bất ngờ bởi tốc độ, sự thành thục trong từng động tác. Mỗi tháng, hai vợ chồng anh tận dụng thời gian rỗi bện từ 100 – 120 chiếc chổi, giá dao động từ 65 – 70 nghìn đồng/chiếc, lãi mỗi chiếc hơn 20 nghìn đồng.
Không chỉ là người tiên phong trong sản xuất chổi đót, anh còn là Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật (NKT) huyện A Lưới. Nhiệt thành trong công tác hội, sẵn sàng sẻ chia với mọi người, anh Kêr Thế Đoàn đã dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho những người cùng cảnh ngộ.
Anh Pơ Loong Nhăm, một người bị khuyết tật vận động hồ hởi: “Nhờ anh Đoàn mà mình có việc làm, có thêm thu nhập. Công việc phù hợp với cái chân không lành lặn, vì thế mình mừng lắm”.
Mỗi khi có đơn hàng, anh Pơ Loong Nhăm, chị A Lieng Thị Hót, anh Kêr Thất Sinh cùng những người khuyết tật khác lại tập trung ở nhà anh Đoàn. Tùy sức khỏe, độ dẻo dai của tay, mỗi người tham gia vào các phần việc khác nhau như tước, nện, cuốn thép.
Không chỉ thế, anh Đoàn còn đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để thành lập hợp tác xã NKT Diên Mai 80. Sau khi đi vào hoạt động, đây sẽ là nơi tạo công ăn việc làm cho 12 người khuyết tật khác. “Nếu đầu ra ổn định, mỗi tháng hơn 6.000 chiếc chổi sẽ ra đời. Nhân công thu nhập từ 2,5 – 3 triệu đồng/tháng”, anh nói.
Ông Hồ Xuân Điền, Chủ tịch Hội NKT huyện A Lưới cho biết: “Từ những nỗ lực của anh Kêr Thế Đoàn, những NKT tại địa phương đã học hỏi và có thêm công ăn việc làm. Không chỉ mang lại thu nhập, sự sẻ chia giữa những người yếu thế, đó còn là tinh thần đoàn kết bền chặt, tạo động lực cho mỗi người khuyết tật vươn lên”.
Bài, ảnh: Mai Huế