ClockThứ Sáu, 27/09/2024 07:07

“Bông hoa Tà Ôi” tỏa hương

TTH - Những nhịp đập rộn ràng trong lồng ngực trẻ, có niềm tự hào là người con gái Tà Ôi, chị Hồ Thị Hương (thôn A Đeeng, xã Bắc Sơn, A Lưới) luôn ấp ủ khát khao giữ gìn, lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Thành lập hợp tác xã (HTX) dệt zèng; câu lạc bộ văn hóa văn nghệ dân gian tại địa phương; xây dựng Farmstay và thiết kế những tour du lịch trải nghiệm mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống, là cách “bông hoa Tà Ôi” tỏa hương.

Tín hiệu vui từ phiên chợ vùng caoKhai giảng lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Pa cô - Tà ôi Giữ nghề đan chiếu Âmber

 Tiết mục biểu diễn của câu lạc bộ múa dân gian đoạt giải Nhì Liên hoan Nghệ thuật quần chúng làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2023

Đưa zèng A Lưới đi xa

Hương thơm từ núi rừng A Lưới đã bay xa khi Hồ Thị Hương là gương mặt điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh, giai đoạn 2021 – 2023 vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

Tôi đã tự hỏi, cô gái nhỏ nhắn ấy sao lại có nhiều năng lượng để làm một lúc nhiều việc đến thế? Nhưng nụ cười, sự hào hứng của Hương khi kể về những công việc mình đang theo đuổi đã cho tôi biết, chính tình yêu với quê hương xứ sở, sự tự hào về những nét văn hóa truyền thống của người Tà Ôi đã thôi thúc cô phải làm điều gì đó cho cộng đồng mình. “Mình là một cô gái Tà Ôi biết dệt zèng, đó là hạnh phúc, cũng là niềm tự hào. Mình luôn mong rằng, nghề dệt zèng của dân tộc không bị nhạt phai theo thời gian, muốn con mình, cháu mình tiếp nối được nghề truyền thống của cha ông để lại” - Hương bộc bạch.

Từ niềm mong mỏi ấy, Hương từ giã môi trường công sở đã gắn bó gần 10 năm để trở về với bản làng. Cô thành lập HTX dệt zèng tại A Ngo, vừa để tạo sinh kế cho bà con, vừa góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao A Lưới. Hương mong muốn đem zèng của đồng bào mình vượt ra khỏi bản làng để đến với mọi miền Tổ quốc và xa hơn nữa là vượt ra khỏi biên giới của Tổ quốc.

HTX sản xuất và phân phối thổ cẩm A Lưới của Hương quy tụ 25 đôi bàn tay dệt zèng khéo léo nhất ở A Roàng, A Đớt, có thể dệt nên những tấm zèng chất lượng, đẹp mắt với những hoa văn độc đáo. Để có đơn hàng liên tục cho các chị em trong HTX, Hương xông xáo lặn lội khắp nơi, khi xuôi Nam, lúc ngược Bắc, hết ra Hà Nội, lại vào TP. HCM, Quảng Nam, Đà Nẵng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm zèng đồng bào mình. Cô tích cực đưa sản phẩm tham gia các hội chợ cung cầu để mọi người biết đến, đồng thời đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử. Niềm vui lớn nhất của cô gái Tà Ôi là sau 5 năm thành lập HTX, sản phẩm zèng của người Tà Ôi ở A Lưới đã có chỗ đứng trên thị trường. Nhiều khách hàng lớn đã tự tìm đến Hương, chọn thương hiệu zèng của cô như một địa chỉ uy tín, đáng tin tưởng.

“Ngày trước, mọi người mặc zèng về phố rất ngại, nhưng bây giờ điều đó là hạnh phúc. Đó là cả một niềm tự hào khi được khoác lên mình tấm zèng truyền thống của dân tộc mình” - Hương chia sẻ. Để zèng gần gũi hơn, Hương đã mạnh dạn thoát khỏi sự gò bó, đưa sản phẩm truyền thống đến gần với nét đẹp hiện đại. Những chiếc áo dài được kết hợp hài hòa giữa tơ lụa và zèng, comple hai lớp từ zèng đều là những sản phẩm được ưa chuộng mà Hương là người đi tiên phong.

Nhiều sản phẩm quà lưu niệm từ zèng phục vụ cho khách du lịch khi đến A Lưới cũng được Hương chú trọng như khăn choàng, giỏ xách, ví cầm tay, kẹp tóc, bông tai… “Khi sản phẩm của mình lan tỏa, du nhập vào đời sống của mọi người không chỉ ở miền cao mà cả đồng bằng, niềm vui và hạnh phúc ấy thật khó để diễn tả. Mình luôn mong sản phẩm của mình bay xa hơn nữa. Ngoài khách du lịch quốc tế chọn sản phẩm zèng làm quà lưu niệm khi đến với vùng cao này, thì đơn hàng nước ngoài đầu tiên của mình là sang Lào”. Ánh mắt cô gái Tà Ôi cứ lấp lánh khi nói về tình yêu dành cho zèng.

Còn mãi ngọt ngào

Không dừng lại với zèng, Hương còn dành nhiều tâm huyết khi thành lập Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ dân gian xã Trung Sơn (năm 2022). Câu lạc bộ quy tụ các đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, những nghệ nhân ở địa phương. Mục đích khi thành lập câu lạc bộ, ngoài bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, Hương muốn tạo ra một không gian vui chơi, gắn kết để mọi người hàn huyên, chia sẻ cùng nhau sau một ngày bận rộn mưu sinh, nâng cao đời sống tinh thần khi mà ở địa phương còn khan hiếm những sân chơi chơi lành mạnh. Hiện, đội văn nghệ của câu lạc bộ đã trở thành thương hiệu của tỉnh khi tham gia biểu diễn trong hầu hết các lễ hội, hội nghị tại tỉnh nhà. Ngoài niềm vui từ một sân chơi bổ ích, nâng cao giá trị sống, các thành viên trong câu lạc bộ cũng có thêm một nguồn thu nhập từ các buổi biểu diễn để góp phần cải thiện cuộc sống.

Tháng 11/2023, Hồ Thị Hương đã xuất sắc đoạt giải Nhất trong cuộc thi Khởi nghiệp cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với dự án Farmstay & Camping. “Bông hoa” của núi rừng chia sẻ rằng, vùng cao A Lưới là nơi hội tụ của những màu sắc văn hóa của các dân tộc anh em như Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, Pa Hy, Kinh… Cùng với không gian huyền ảo của núi rừng, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, vùng đất nơi đây còn lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa truyền thống, các phong tục độc đáo, những lễ hội đầy màu sắc và cả nét ẩm thực đặc sắc sẽ níu kéo bước chân của những người thích khám phá. Đây chính là mảnh đất trù phú để một cô gái năng động và giàu ý tưởng như Hương thể hiện tình yêu với bản sắc cội nguồn.

Để thu hút khách du lịch, Hương đã thiết kế nhiều tour trải nghiệm như “Một ngày làm người Tà Ôi, Pa Cô”; tham quan bản làng; thỏa sức hòa mình vào dòng nước mát lành như thác A Nor, suối A Lin; tìm hiểu cuộc sống thường nhật của người dân, thưởng thức ẩm thực truyền thống; tham gia các trò chơi dân gian; đốt lửa trại và giao lưu văn nghệ dân gian; một ngày làm nông; trải nghiệm bắt cá suối… Để khi rời núi rừng A Lưới, trong ký ức du khách còn mãi ngọt ngào.

Hương cho biết, đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới hiện nay hiếm còn giữ được ngôi nhà sàn đặc trưng, của dân tộc mình. Đó là lý do cô gái Tà Ôi đã xây dựng những ngôi nhà sàn theo kiến trúc đặc trưng, truyền thống với chất liệu chính từ gỗ, tre, nứa, lá cọ, nhưng nội thất lại mang hơi hướng hiện đại tạo cảm giác thoáng mát, gần gũi, thân thiện với thiên nhiên, phù hợp với thị hiếu thích trải nghiệm của khách du lịch.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, những thành công bước đầu chính là quả ngọt tiếp thêm động lực để cô gái Tà Ôi vững bước trên hành trình lan tỏa văn hóa truyền thống của dân tộc đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Hà Lê – Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyên dương những “bông hoa” trong vườn Bác

20 cá nhân tiêu biểu về dự hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp (CQ&DN) tỉnh tổ chức ngày 15/5 là những tấm gương tiêu biểu về tinh thần vượt khó vươn lên, đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Tuyên dương những “bông hoa” trong vườn Bác
Một công trình đặc khảo về tết Aza của người Tà Ôi

Bỏ ra gần 23 năm sưu tầm, khảo cứu (từ năm 2001), đến cuối năm 2023, nhà nghiên cứu Trần Nguyễn Khánh Phong cho xuất bản cuốn “Đặc khảo về tết Aza cổ truyền của người Tà Ôi ở Việt Nam” (Nxb Thanh Niên, tháng 11/2023). Sách dày 145 trang, đặc biệt có rất nhiều ảnh tư liệu in màu, minh họa cho các nội dung, nên sách càng tăng tính mỹ thuật và giá trị nghiên cứu.

Một công trình đặc khảo về tết Aza của người Tà Ôi
Những bông hoa giữa đời

Mệ năm nay đoán chừng cũng gần bảy mươi rồi. Lưng còng, dáng người nhỏ thó, khắc khổ chừng ba chục ký lô nên có cảm giác chiếc xe đạp điện mệ đang đi còn có vẻ to lớn và nặng cân hơn cả mệ.

Những bông hoa giữa đời
A Roàng xa mà gần

A Roàng là xã biên giới của huyện A Lưới, cách trung tâm TP. Huế khoảng 90km. Bà con sinh sống nơi đây chủ yếu là đồng bào Tà Ôi. Nằm dưới chân núi Trường Sơn hùng vĩ, A Roàng xưa nghèo đói, đi lại vô cùng khó khăn, nay lại đang là một điểm đến hấp dẫn với những du khách yêu thích vẻ đẹp mộc mạc của con người, bản làng nơi núi rừng hoang sơ, hay thả mình trong những thác, những hồ giữa đại ngàn.

A Roàng xa mà gần
Người đàn ông Tà Ôi lan tỏa văn hóa các dân tộc

Không chỉ am hiểu những món ăn truyền thống của người đồng bào mình, ông Hồ Nhật Tân (SN 1958, người đồng bào Tà Ôi, ngụ xã A Ngo, huyện A Lưới) còn có khả năng học ngôn ngữ của dân tộc khác rất nhanh...

Người đàn ông Tà Ôi lan tỏa văn hóa các dân tộc
Return to top