1. Nhà có thêm thành viên, là cô cháu con của em gái ruột tôi, mới đỗ vào một trường đại học ở Huế. Cô bé tính tình rụt rè giờ bắt đầu trở thành sinh viên, bước vào chặng đường đèn sách, rèn luyện, hoàn thiện kiến thức và kỹ năng để bước vào cuộc sống.
Cháu từ nơi xa chân ướt chân ráo đến Huế, nên ngày đầu tiên đến trường làm thủ tục nhập học, tôi tình nguyện làm “xe thồ”. Đỗ cháu trước cổng trường, tôi ra quán cà phê cạnh đó ngồi đợi. Đi khá sớm nên tôi làm khách từ khi quán còn ít người. Càng về sau khách càng đông và cuối cùng là kín chỗ (vì cũng như tôi, các vị phụ huynh ở ngoại tỉnh đến, ngồi đợi con, cháu). Thời gian trôi, chốc chốc lại có một vài tân sinh viên làm xong các thủ tục trở ra, cùng phụ huynh ra về. Cứ thế quán vơi dần. Khi vừa trở ra, có lẽ biết tôi đang sốt ruột nên cháu giải thích ngay: “Đông lắm dì ơi. Nhưng nhiều bạn không chịu xếp hàng theo thứ tự mà cứ chen ngang, thành ra người đi sau lại làm xong trước, người đi trước lại phải đợi. Ban đầu con ngại lắm, chẳng dám nói, nhưng sau rồi thấy việc chen ngang vô lý quá, chẳng hay tí nào nên con và một số bạn nữa đã có ý kiến, nhắc nhở. Mấy bạn đang định tiếp tục chen ngang, lúc đó mới chịu xếp hàng”. Cháu cười “bẽn lẽn”.
Tối, con gái tôi kéo cả nhà đi phố Tây, khu vực đường Võ Thị Sáu, nơi diễn ra nhiều sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt là âm nhạc, nghệ thuật đường phố, để giới thiệu một phần cuộc sống Huế về đêm và để cô tân sinh viên “hòa nhập” ở một môi trường sống mới, kích thích sự năng động của người trẻ. Quả nhiên, cô gái rụt rè của tôi cười luôn miệng và đôi lúc nhún nhảy theo những bản nhạc sôi động. Cháu vỗ tay nhiệt tình khi mỗi bản nhạc kết thúc, thậm chí không quên trân trọng bỏ vào chiếc hộp xinh xắn chút tiền, khiến tôi rất vui. Những nụ cười và hành động của cháu chứng tỏ cháu biết tương tác, biết tỏ lòng cảm ơn đến những nghệ sĩ đường phố đã bỏ công sức biểu diễn. Có nghĩa, cô bé rụt rè lâu nay chỉ quẩn quanh ở nhà đang dần trưởng thành.
2. Cháu xin phép đến nhà bạn để cùng học tiếng Nhật, ở lại ăn cơm trưa cùng bạn luôn. Trước đó, cháu kể có cô bạn cùng trường ở quê nay cũng đỗ vào một trường đại học ở Huế. Ba của bạn là công an công tác ở Huế, ở lại đơn vị. Nghĩ là cháu đến học với bạn này nên tôi hỏi: “Ba của bạn ở đơn vị, thế bạn thuê nhà trọ ở à. Nhà trọ của bạn ở đường nào vậy con”? Nhưng cháu nói, không phải bạn đó, mà là một chị đã sang Nhật ở 2 năm, năm nay cũng thi đỗ và sẽ học cùng trường đại học với cháu, hiện thuê nhà trọ ở đường N. “Vậy con quen chị đó như thế nào”? Cháu: “Dạ con quen qua facebook, mọi thông tin cũng trao đổi trên facebook, chưa gặp mặt lần nào”. Tôi hoảng: “Con tin bạn ấy, bạn ấy tin con là tốt. Sẵn lòng kết bạn, giúp nhau học tập là rất tốt. Nhưng chỉ quen qua mạng xã hội, thậm chí chưa gặp mặt lần nào, thì cần phải có nhiều thời gian hơn nữa để tìm hiểu, xác định con người, sự việc cụ thể, trước lúc trải lòng ra với nhau, tránh những điều đáng tiếc mỗi khi đã xảy ra rồi, ân hận thì cũng đã muộn”. Cháu ngẩn người một lúc rồi cũng nghe lời tôi, tạm hoãn cuộc hẹn.
Dù đã 18 tuổi, cái tuổi bước vào sự tự lập, cần và nên phải tự lập nhiều điều, nhưng cháu tôi và những bạn trẻ, nhất là những bạn trẻ lần đầu tiên xa nhà, xa vòng tay bao bọc của cha mẹ, trong quá trình tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng vẫn rất cần sự “để mắt” quan tâm của người thân, của những người đi trước, hạn chế đến thấp nhất sự vấp ngã đáng tiếc trong cuộc sống, để giúp các em trưởng thành vững vàng hơn.
Quỳnh Anh