Những người trẻ mê cổ vật không chỉ tìm đến nhau trực tiếp để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, có rất nhiều diễn đàn trực tuyến được họ lập nên với mong muốn kết nối và lan tỏa thú chơi không phải ai cũng biết và hiểu. Nhiều người trẻ Huế cũng đang hòa mình vào dòng chảy ấy.
“Đây là đồng tiền cổ, có từ niên đại, với những hoa văn được chế tác một cách điêu luyện…”, Nguyễn Trương - một người trẻ Huế đăng dòng giới thiệu cùng hình ảnh đính kèm lên diễn đàn Cổ vật Việt Nam. Không lâu sau khi đăng, rất nhiều người đã tương tác, bình luận và đề nghị “giao lưu”. Cứ như thế những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thú chơi tiền cổ dần trở nên rôm rả.
Trương kể rằng, niềm đam mê sưu tập tiền cổ nói riêng và cổ vật nói chung đến với anh như một cơ duyên. “Mình quen biết một vài tiền bối trong thú chơi này. Ban đầu chỉ hỏi chơi, dần dần rồi đam mê khi nào không hay”, Trương nhớ lại. Cứ như thế, chàng trai trẻ bắt đầu hành trình sưu tập những món đồ đầu tay với giá trị nhỏ, tiếp đó tiến đến những món “độc”, hiếm.
“Ngoài tiền cổ, đồ mình yêu thích là đồ sứ men xanh trắng. Càng sưu tầm, càng giao lưu mình càng đắm chìm. Ở đó không chỉ giá trị tinh thần mà còn giúp mình hiểu thêm thú chơi, hiểu về những giai đoạn lịch sử, văn hóa thông qua những món đồ”, Trương nói tiếp.
|
|
Những diễn đàn cổ vật trực tuyến là nơi để người trẻ thường xuyên chia sẻ niềm đam mê |
Dù có kinh nghiệm “vài tuổi”, nhưng Trương khẳng định, việc sưu tầm, giao lưu cổ vật bây giờ thuận lợi hơn trước thông qua các diễn đàn trực tuyến trên các trang mạng xã hội. Lần theo chỉ dẫn của Trương, chúng tôi tìm đến những trang giao lưu cổ vật với số lượng tham gia lên đến hàng trăm ngàn thành viên.
Chẳng khác gì một “bảo tàng” thu nhỏ, “sàn” trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cổ vật trên các trang mạng xã hội luôn nhộn nhịp. Ở đó, người chơi có thể bắt gặp những món đồ từ “thượng vàng” cho đến “hạ cám”.
Là một người trẻ Huế tham gia các diễn đàn này, Hồ Long có thói quen truy cập, theo dõi những món đồ được bạn chơi, giới sưu tập đăng liên tục. Cá nhân Long cũng “khoe” nhiều món hàng mà mình sưu tầm được. Nếu được có thể “giao lưu” lẫn nhau. Hầu hết đồ Long sưu tầm là gốm sứ. “Tùy theo niên đại, họa tiết mà giá trị của mỗi món đồ khác nhau. Người chơi lâu ngày nhìn qua có thể biết ngay, nhưng với người vừa chân ướt chân ráo thì sẽ gặp nhiều khó khăn”, Long chia sẻ kinh nghiệm.
Dạo vòng ở “thế giới cổ vật online”, có vô số món từ gốm, sứ, đồng, gỗ, vải… với đủ loại kích thước, niên đại… được bày biện rất ấn tượng. Với kinh nghiệm chia sẻ, nhiều người chơi chú trọng khâu chụp ảnh hiện vật một cách bài bản, kỹ lưỡng để tạo được ấn tượng với người xem.
Với riêng Long, được sinh sống ở Huế - vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử và là nơi còn lưu lại rất nhiều cổ vật nên Long có cơ hội tham quan bảo tàng, triển lãm để từ đó hiểu thêm về tinh hoa cổ vật.
Ngoài ra, không như ngày trước, muốn xem hiện vật phải mất thời gian đến tận nơi, giờ đây thông qua không gian trực tuyến, việc tìm hiểu, giao lưu hiện vật vô cùng dễ dàng. “Chỉ cần một cú kích chuột, mọi thứ hiện ra trước mắt. Và chỉ cần một vài thao tác nhắn tin, chủ sở hữu lẫn người quan tâm có thể trò chuyện, chia sẻ về món đồ ấy một cách nhanh chóng”, Long nói thêm.
Theo một chuyên gia sưu tầm cổ vật ở Huế (đề nghị giấu tên), việc sưu tầm, giao lưu cổ vật không còn giới hạn trong giới cao niên, mà xu hướng những năm gần đây thu hút sự quan tâm của đông đảo người trẻ. Người trẻ dù đến sau nhưng với tinh thần ham học hỏi, tìm tòi nên tiếp cận và am hiểu rất nhanh.
“Có những bạn trẻ rất nhanh nhạy, nhờ thế có cơ hội sở hữu những món đồ quý giá. Ngoài là tài sản, đó còn là thú chơi tinh thần, giúp họ yêu hơn văn hóa, hiểu thêm lịch sử và từ đó tạo thành một trào lưu đáng quý”, vị chuyên gia này nhận định và hy vọng những người trẻ là lớp kế cận trong việc duy trì, gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử thông qua những cổ vật.