ClockThứ Ba, 04/10/2022 14:52

Cho con

TTH - Xem chương trình thời sự lúc 19 giờ trên VTV1 vừa qua, hình ảnh các cháu nhỏ vùng cao ngày đầu vào lớp 1 trường nội trú, bịn rịn rồi òa khóc nức nở khi mẹ ra về, tôi không cầm được nước mắt. Mới 6 tuổi, các cháu phải rời xa tổ ấm, không có cha mẹ bên mình hàng ngày với bao lạ lẫm của cuộc sống tự lập, thật thương cảm. Bước đường đến với con chữ của các cháu quá đỗi gian nan!

Chuyện của conĐể con tự lập

Chợt nhớ hồi con gái đầu lòng đang học tiểu học, năm lớp 3, lớp 4 gì đó được chọn đi thi học sinh giỏi ở huyện, tôi chở cháu ra thị trấn Tứ Hạ. Tới điểm thi, cháu và các bạn vào phòng, tôi cũng như các phụ huynh tìm chỗ tránh nắng, đứng chờ ngoài cổng. Tiếng trống báo hết giờ vang lên, con tôi chạy ùa ra sân, mắt hướng về phía cổng, nơi ban sáng tôi dừng xe, mặt có vẻ ngơ ngác, thất thần rồi cất tiếng gọi ba. Thấy thế, tôi vội giơ tay vẫy, cao giọng trả lời. Thỉnh thoảng, cảnh tượng ấy tái hiện đầy ám ảnh trong tôi. Có thể hồi bé tôi cũng trông cha ngóng mẹ, chờ đợi người thân như vậy, song có lẽ là theo bản năng nên chẳng lưu giữ lại chút nào trong ký ức, chỉ đến lúc làm cha mới ngộ ra, cảm nhận được.

Năm tháng dần trôi, con tôi giờ đã tốt nghiệp đại học, đang tìm việc. Mấy hôm nay, cháu ngỏ lời vào thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng tìm cơ hội, tôi chưa biết phải nói sao cho cháu hiểu những khó khăn, vất vả khi xa nhà, từ nơi ăn, chốn ở, đi lại, điều kiện làm việc, nhất là thân gái dặm trường. Thâm tâm không muốn cháu đi, dẫu biết rằng không thể giữ cháu mãi. Nghĩ tới một ngày nào đó mở mắt không thấy con, chẳng biết tôi sẽ thế nào.

Con đường học hành của con tôi hanh thông hơn các em nhỏ vùng cao, còn hành trình vào đời, kiếm công ăn việc làm phù hợp chắc cam go, gập ghềnh, khúc khuỷu tựa bàn chân cha mẹ các em lúc trèo đèo lội suối để lên nương, vào rẫy. Tuy nhiên, ánh mắt của con trên sân trường Tứ Hạ ngày nào là động lực giúp tôi tự tin vững bước đồng hành cùng con.

Hà Xuân Huỳnh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top