Căng tin ở Trường THCS Nguyễn Chí Diểu (TP. Huế)
Nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc
Có mặt tại Trường THCS H., chúng tôi chứng kiến hàng chục loại thực phẩm đang được bày bán. Từ thức ăn buổi sáng, như mì trộn, bánh bao, bánh mì, bánh bò, cơm chiên... đến xúc xích, mực khô, bò khô được tẩm gia vị đậm đặc. Nhìn vào những rổ bánh không có tên cơ sở sản xuất, hạn sử dụng... dưới sạp căn tin quả thật ái ngại.
Khi tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi vang lên, các nhân viên “xoay như chong chóng” giữa quầy hàng và những cánh tay học sinh chờ lấy đồ ăn. Chẳng mấy chốc, hơn chục loại thức ăn bày bán ở căn tin hết sạch. Em N.NY, học sinh lớp 7 của trường H. cho biết: “Sáng nào, mẹ cũng cho 10.000 đồng ăn sáng, em ăn 5.000 đồng xôi với xúc xích, còn tiền sẽ mua nước uống và kẹo. Thức ăn ở trường ngon, lại có bạn ăn cùng đông vui nên em thường đến trường ăn”.
Bánh, kẹo được treo ở căng tin trông màu mè, đủ loại. Chỉ cần có từ 1.000- 2.000 đồng, các em cũng có thể mua được. Bọn trẻ đi học sớm để được nhâm nhi cái vị mặn mặn, cay cay của thịt bò khô; sảng khoái với ly nước si rô như cầu vồng bảy sắc được cô chủ căng tin rót sẵn ở ly phục vụ. Chị N.T.T, nhân viên căng tin trường P, cho biết: “Căng tin có làm cam kết với nhà trường không bán hàng không nhãn mác nhưng học sinh thường thích ăn những món lạ, rẻ tiền nên phải chiều lòng các em”.
Chị Nguyễn Thị Minh, có con đang học lớp 8 Trường THCS P, bức xúc: “Nhà trường luôn tuyên truyền học sinh không ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc nhưng ngay trong căng tin các mặt hàng trôi nổi lại bày bán tràn lan khiến các cháu “cầm lòng không đậu”...
Chưa có những vụ ngộ độc thực phẩm lớn trong trường học xảy ra nên các trường vẫn còn chủ quan. Theo TS. Nguyễn Thị Cự, giảng viên Trường đại học Y dược Huế, các món ăn vặt không rõ nguồn gốc chưa gây hậu quả tức khắc, nhưng chất độc sẽ dần ngấm, tích lũy trong người và đến một lúc nào đó mới gây các bệnh, như tiểu đường, béo phì, tổn thương thần kinh, suy gan, suy thận, thậm chí ung thư. Những phẩm màu đó không gây ngộ độc cấp tính nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh.
Nhà trường khó quán xuyến
Toàn thành phố có 14/23 trường có căn tin; trong đó, có đến 90% hợp đồng với bên ngoài vào kinh doanh căn tin tại trường. Chất lượng thức ăn, không gian căng tin và trang phục của người bán không theo chuẩn nào cả. Vị trí đặt căn tin chủ yếu tận dụng những khoảng đất trống từ sân trường, hành lang bên hông, sau cổng trường hay bãi gửi xe... với diện tích thường nhỏ hẹp và chật chội.
Giao quyền quản lý căng tin cho nhà trường nhằm trao trách nhiệm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học cho các em. Các trường đều cho biết, nhà trường chủ yếu cho bán thức ăn khô, có bao bì, nhãn mác rõ ràng. Bản thân người bán được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm, có giấy phép kinh doanh...
Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, khẳng định: “Nếu học sinh bị ngộ độc thì hiệu trưởng là người đầu tiên chịu trách nhiệm. Chúng tôi luôn chú trọng việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại căn tin, tăng cường cán bộ y tế của trường phối hợp kiểm tra, yêu cầu các mặt hàng phải rõ nguồn gốc, nước ngọt phải có nhãn hiệu”.
Một số trường thừa nhận, nếu để một mình trường chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng căng tin thì hơi quá sức. “Chúng tôi chỉ nhắc nhở khi tận mắt thấy người bán bày các mặt hàng không an toàn thực phẩm, còn họ len lút bán cho học sinh thì không tài nào kiểm soát nổi. Chúng tôi không thể lật từng lon nước, từng bì bánh để kiểm tra hạn dùng, nơi sản xuất. Cần thiết nhất vẫn là lương tâm nhà sản xuất và người bán hàng. Những nhà quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm phải thường xuyên phối hợp với chúng tôi để kiểm tra chất lượng căn tin”. Phó Hiệu trưởng một trường THCS chia sẻ.
Vẫn biết, một năm các đoàn kiểm tra liên ngành đến kiểm tra các căng tin trong trường học từ 1 đến 2 lần, tuy nhiên, như “muối bỏ bể” vì khi đoàn đi thì đâu lại vào đấy. Bà Hồ Thị Ngọc Như, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế, lo ngại: “Hầu như, căn tin ở các trường học đều không có hợp đồng mua bán thực phẩm an toàn, chủ yếu, người bán tự chế biến các món ăn theo nhu cầu của học sinh. Các loại thức uống độc hại, không rõ nguồn gốc tràn lan vào căn tin trường học nhưng thực sự rất khó quản lý. Trong quá trình kiểm tra, đoàn có phát hiện sai phạm cũng chỉ nhắc nhở, chưa có chế tài xử phạt nên các căng tin không sợ”.
Giải quyết vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong căng tin trường học là điều cần thiết. Các ban, ngành cần tăng cường công tác kiểm tra căn tin trường học; nhà trường tuyên truyền cho các em “nói không với thực phẩm bẩn” và phụ huynh nên cân nhắc khi cho con tiền ăn hàng vặt. Lâu dài, các trường nên xây dựng mô hình căng tin hợp vệ sinh trong khuôn viên trường học để các em có thể được bổ sung năng lượng mà không phải lo về thực phẩm hết hạn, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bài, ảnh: Huế Thu