ClockThứ Ba, 15/09/2015 17:10

Có căng tin, đỡ nhếch nhác cổng trường

TTH - Căng tin trong trường học được quản lý tốt sẽ đáp ứng nhu cầu phục vụ học sinh, tránh tình trạng nhếch nhác hàng rong trước cổng trường.
Căng tin Trường THPT Phú Bài giờ ra chơi

Có nhu cầu

Kết thúc tiết học đầu tiên buổi sáng ngày thứ ba, chúng tôi có thời gian quan sát hoạt động của căng tin Trường THPT Phú Bài. Ngoài một số em mua dụng cụ học tập, phần đông học sinh xuống đây để ăn sáng, mua nước giải khát. Căng tin rộng chừng 30m2, được xếp bàn ghế ngay ngắn. Sau tiếng trống kết thúc giờ giải lao, chủ căng tin nhắc nhở học sinh trở lại lớp học rồi nhanh chóng quét dọn, lau bàn sạch sẽ. Công việc này đều đặn diễn ra giữa các tiết học, kéo dài từ 6 giờ sáng đến 5 giờ 15 phút chiều, khi học sinh tan học. Chị Ngô Thị Thu Bê chia sẻ câu chuyện: “Tui bán ở đây từ năm 2004, hằng ngày phục vụ khoảng 100 học sinh, riêng ăn sáng có 60-70 em. Căng tin chủ yếu bán văn phòng phẩm, bánh mỳ, nước giải khát và một số bánh kẹo thông thường, tuyệt đối không bán thuốc lá và những chất kích thích. Ngoài cam kết với nhà trường, tui xem học sinh như con mình, các mặt hàng không tốt, tui dứt khoát không bán. Những học sinh có ý định đánh bài ở đây, tui cũng không cho”.
Ông Ngô Đắc Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài cho hay, căng tin hình thành cùng thời điểm trường học thay đổi đến vị trí hiện tại (2004). Cách đây 2 năm, từ nguồn thu chủ căng tin đóng theo hợp đồng, nhà trường đã cho đầu tư lại căng tin. Trước đây, khi căng tin chỉ bày bán ít mặt hàng, học sinh thường hay đem đồ ăn sáng đến trường, ảnh hưởng đến vệ sinh lớp học. Sau giờ đổi tiết, một số em chạy ra trước cổng trường để ăn sáng, mua hàng xảy ra tình trạng lộn xộn trước cổng trường, nhiều em vào lại lớp khá muộn, ảnh hưởng đến giờ giấc học tập. “Việc có một căng tin trong nhà trường như hiện nay giải quyết rất nhiều vấn đề. Thứ nhất là giúp học sinh có nơi để ăn uống, tránh tình trạng nhịn đói đi học. Thứ hai là, quản lý tốt vấn đề các em ra vào cổng trường, hạn chế cảnh lộn xộn, thậm chí dễ xảy ra tai nạn giao thông. Cũng từ đây, nhiều trường hợp chúng tôi đã theo dõi được tình trạng mâu thuẫn giữa các học sinh và chuyện học sinh hút thuốc”, ông Dũng khẳng định.
Trao đổi với nhiều học sinh, chúng tôi nhận thấy, nhu cầu có một căng tin trong trường học đối với các em khá lớn, nhất là ở lứa tuổi học sinh bậc trung học phổ thông. Thủy Tiên, học sinh Trường THPT Phú Bài tâm sự: “Buổi sáng vào học sớm nên em thường không kịp ăn. Đến trường học một tiết rồi xuống ăn mỳ ổ cũng tiện lợi. Mùa nắng cũng cần có căng tin để bán nước giải khát. Giải lao 5 phút mà chạy ra tới ngoài đường không kịp ăn uống”.
 
Chủ căng tin cũng là… “giám thị”
Nhiều chủ căng tin trong nhà trường cho biết, khi kinh doanh trong nhà trường, họ đồng hành cùng nhà trường trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá, giữ môi trường học đường không khói thuốc. Anh Đỗ Văn Vọng, chủ căng tin nhỏ ở Trường THCS Thủy Thanh (Hương Thủy) tâm sự: “Trước đây, ở cổng trường hay có tình trạng hàng rong đến bán gây lộn xộn và lo lắng về vấn đề an toàn giao thông. Tui làm bảo vệ trong trường, đồng lương thấp nên nhà trường tạo điều kiện cho mở thêm căng tin nhỏ, bán dụng cụ học tập và ít bánh kẹo phục vụ học sinh. Từ công việc này, tui có thời gian gần gũi học sinh để nắm bắt tâm lý các em. Từ đó, theo dõi một số học trò có dấu hiệu hút thuốc để phối hợp với ban giám hiệu ngăn chặn. Cá nhân tui cũng động viên các em bỏ thuốc khi phát hiện được”.
Cô Thái Thị Song Thương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài đánh giá, chủ căng tin của nhà trường có vai trò như một giám thị. Căng tin là nơi tập trung nhiều học sinh giờ hết tiết nên nhà trường phối hợp với chủ căng tin trong việc theo dõi các em có hiện tượng đánh lộn, hút thuốc. “Hễ có vấn đề gì bất thường, chị Bê nhanh chóng gọi điện thoại lên ban giám hiệu để chúng tôi kịp thời xử lý”, cô Thương nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để được kinh doanh căng tin trong nhà trường, chủ căng tin phải làm hợp đồng, ký cam kết. Điều khoản quan trọng nhất mà các trường đặt ra là cấm bán thuốc lá và chất kích thích cho cả học sinh và giáo viên, nếu phát hiện được sẽ chấm dứt hợp đồng. Đồng thời, nhà trường thường xuyên đến kiểm tra vấn đề kinh doanh, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả. “Ngoài vai trò của công đoàn, chúng tôi cũng nhiều lần tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh ở căng tin. Như giá cả, để đảm bảo tính khách quan, thỉnh thoảng tôi nhờ học sinh mua giúp một thứ gì đó để kiểm tra giá”, cô Thương nói thêm.
Ông Võ Tuyến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Hương Thủy bày tỏ: “Việc hình thành căng tin trong nhà trường tùy vào điều kiện thực tế của mỗi trường. Tuy nhiên, về vai trò của ngành giáo dục, chúng tôi thường xuyên phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã kiểm tra vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở tất cả các trường. Đồng thời, cũng nhắc nhở lãnh đạo và bộ phận y tế của các trường quan tâm giám sát”. Còn theo ông Phan Thiên Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu, ngoài những vấn đề kể trên, nhà trường cũng thường xuyên kiểm tra, phối hợp với chủ căng tin nhắc nhở học sinh vào học đúng giờ, tránh hiện tượng các em trốn học ở căng tin.
Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dự án Khu nhà ở Tam Thai: Rà soát, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý

Trong 5 kiến nghị mà kết luận Thanh tra tỉnh chỉ ra và yêu cầu Công ty CP Xây lắp Thừa Thiên Huế - chủ đầu tư Dự án (DA) Khu nhà ở Tam Thai và các đơn vị liên quan tiến hành khắc phục, đến nay mới chỉ thực hiện xong 1 kiến nghị. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Xây dựng rà soát DA, tham mưu xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự án Khu nhà ở Tam Thai Rà soát, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý
Hiểm họa từ pháo tự chế

Tết Nguyên đán đang đến gần, các vụ nổ do pháo tự chế trên cả nước là hồi chuông cảnh tỉnh đối với người dân, đặc biệt là lứa tuổi học sinh.

Hiểm họa từ pháo tự chế
Không nên lơ là, chủ quan với con trẻ

Rất nhiều bậc cha mẹ khi trông giữ con nhỏ vẫn còn lơ là, chủ quan, thiếu quan sát. Điều này tiềm ẩn nhiều vấn đề bất trắc có thể xảy ra mà không thể lường trước.

Không nên lơ là, chủ quan với con trẻ
WC ở trường học:
Thiếu để mắt sẽ mất ý nghĩa và thành lãng phí

Đầu tư là một chuyện, còn chăm sóc, quản lý, sử dụng lại là một chuyện. Nếu thiếu quan tâm quản lý, thì các nhà vệ sinh ở trường học sẽ rất nhanh bị xuống cấp, trở nên mất vệ sinh, và rồi lại trở thành nỗi ám ảnh cho mỗi học sinh khi có nhu cầu...

Thiếu để mắt sẽ mất ý nghĩa và thành lãng phí

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top