ClockThứ Năm, 17/02/2022 08:48

Chút tình ngày xuân

Ô cửa rêu xanhThưa mẹ con về…Đàn gà cuối năm

Người đàn ông áng chừng 65 tuổi, gương mặt sạm đen, dáng vẻ khắc khổ. Ông khẽ khàng ngồi xuống bên lề đường, ngay dưới gốc cây bàng và trước mặt là một rổ cá cấn, cá mại, loại cá be bé được xem là cá của người nghèo. Ông không hề biết rằng, đang ngồi chiếm chỗ trước mặt hàng của người ta trong khi họ chưa dọn đến. Thấy vậy, người chủ nhà ra khuyên ông nên dọn đến chỗ khác ngồi bán, kẻo ngồi sát ngoài lề đường xe cộ qua lại đông sẽ rất nguy hiểm. Người đàn ông khẽ "dạ" rồi vừa thu dọn vừa nói, giọng thấp xuống: "Dạ, tui có biết mô, tui chưa khi mô lên chợ ni bán. Cá ni là do tui làm nghề cả đêm được chừng ni nên đem bán kiếm vài đồng mua gạo!"

Nghe vậy bà chủ nhà động lòng (bà vốn vậy, hay mủi lòng khi nghe người ta kể lể), liền hỏi cá bán thế nào để bà mua mì xưa cho. Ông nói bán 2 chén 10 ngàn đồng. Bà mua ngay hai chén, đã vậy ai đi ngang bà cũng mời mua giùm. Người đàn ông luôn tay đong cá, lập cập đếm tiền. Nét mặt khắc khổ của người dân chài một nắng hai sương thoáng một chút nắng mùa xuân đang chiếu rọi những tia ngày ấm áp.

Huế vẫn có rất nhiều những người đàn ông bán buôn như vậy. Như hình ảnh những người đàn ông ở làng Vân Cù đi bán bún thuở xưa, những chú bán bánh bao ở làng Chuồn ngày nay. Tiếng rao một thời của người đàn ông Vân Cù ngày ấy nghe rất chuyên nghiệp, tiếng "bún nì" nhún nhảy theo mỗi nhịp dẻo dai của chiếc đòn gánh tre, len lỏi vào tận xóm làng heo hút. Con ngõ nhà chị dài, mạ sợ kêu mà chú không nghe nên hồi nhỏ chị vẫn thường được mạ sai ra ngồi sẵn ngoài con ngõ chè tàu chực chú bán bún đi ngang qua mỗi lần nhà muốn ăn bún. Dù mải chơi đến mấy, nhưng tiếng rao "bún nì" vẫn không quên nhắc chị việc mua bún mạ sai. Bàn tay chú đen sạm, cứng cỏi nhưng những cọng bún của chú thì mềm mại, trắng trẻo. Chị vẫn thường có sự so sánh âm thầm như vậy mỗi lần nhìn chú cân bún trên chiếc dĩa cân có ba đầu dây và cục cân treo trên cái dĩa, tay bớt thêm thoăn thoắt, chuyên nghiệp.

Bánh bao làng Chuồn bây giờ thay đổi hơn xưa một chút, đó là tiếng rao được thu âm và tự động phát ra. Điều đó cũng khá tiện cho các chú, vì tiếng rao vang to hơn và đỡ phải tốn sức cho mấy chú đi bán hơn. Khác với bún mấy chú làng Vân Cù đi bán buổi sáng đến trưa, bánh bao được mấy chú làng Chuồn bán từ chiều đến tối khuya, có khi hai ba giờ sáng vẫn còn thấy họ bán. Ấy là, các chú bán ở các hàng quán ăn khuya, những người khách ban đêm muốn ăn một cái bánh bao cho ấm bụng.

Chị nhớ tiếng rao bánh mì khi nhà chị còn làm nghề hương trầm. Mạ chị vẫn gọi bác bánh mì vào mua đãi thợ, bác già nua như chiếc xe bánh mì được treo trên chiếc xe đạp cọc cạch. Ấy vậy mà chiếc xe đó đã cùng bác đi qua bao nhiêu năm tháng, làm ấm lòng không biết bao người trong những đêm khuya, tiết trời giá lạnh, với ổ bánh mì bình dân ruột đỡ cồn cào. Còn nhiều lắm những người đàn ông phải ra chợ bán buôn bươn chải, nhất là từ sau cơn đại dịch số người thất nghiệp nhiều. Họ không thể cứ ở nhà chờ mãi và chợ là nơi họ có thể đến đó mong kiếm được đôi ba đồng để lo cho gia đình. 

Chẳng mấy chốc rổ cá đã hết sạch, người đàn ông ngồi bệt xuống lề đường đếm tiền, những tờ tiền lẻ mệnh giá 5 ngàn, 10 ngàn cũ kỹ. Chị bán dừa ngồi gần đó cũng góp một phần vào việc mời chào khách mua cá giúp ông, mà quên đi mình còn phải chặt dừa bán cho người ta. Chị nhẩm tính, với rổ cá này người đàn ông bán hết có thể được 100 ngàn đồng. Chị cũng mua hai chén cá, chị cũng chỉ có thể giúp ông như thế.     

Xong, chị lại cắm cúi róc dừa, những trái dừa lại nhòe trước mặt chị, những đứa con của chị cũng đang chờ mẹ mang mùa xuân về. Chị chợt nghĩ, nếu chốn nhân gian này ai cũng chia nhau một chút tình, thì lo gì mùa xuân không đến với hết thảy mọi người...?

Trang Thùy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top