ClockChủ Nhật, 23/01/2022 21:09

Ô cửa rêu xanh

Thưa mẹ con về…Bí mật chiếc khuôn bánhLời hẹn kế tiếp

Ô cửa sổ trên tầng hai lúc nào cũng để mở. Cửa rộng, nên những sớm mai có nắng, ông già thích ngồi ở chiếc bàn gỗ đặt sát dưới cửa và nhìn nắng nhẹ tênh len qua từng song gỗ màu luyn rồi lặng lẽ chảy tràn vào nhà. Cây lộc vừng trước sân có tán rất rộng, lúc nào cũng rộn rã tiếng chim. Từ hồi bà già bắt đầu đem gạo đặt trên bệ cửa, buổi sáng thức dậy, chỉ cần thấy ông già mở cửa là bọn chúng liền sà xuống, lích rích nhặt gạo, có khi chẳng kịp đợi ông dời gót đi khỏi. Dường như chúng không còn sợ ông già như ngày trước.

Nhà đông con đông cháu, cuối cùng cũng chỉ có hai thân già nương tựa nhau. Ông già than vãn khi nghe tiếng dép bà già hướng về phía mình. Ngoài trời đang mưa rỉ rả, nên lũ chim sớm nay cũng vắng bóng. Ông già ngóng ra ngoài cánh cổng sắt. Chẳng có ai ở đó. Cổng nhà sơn màu xanh tươi rói, mà lâu nay cứ đóng im ỉm suốt. Ổ khóa ở đó, chắc đã gỉ sét vì ít khi được mở. Con cái đều sống cùng thành phố, nhưng hiếm khi chúng mới ghé đến. Ôi chao, con cháu có cuộc sống của con cháu, không lẽ ông muốn chúng nó cứ ru rú bên cạnh chúng ta mới chịu. Bà già nói khi đưa ông già mấy viên thuốc cùng ly nước ấm. Bà nói cứng vậy thôi, chứ mỗi lần nhìn quanh căn nhà vắng hoe, bà cũng buồn.

Âm thanh rộn rã ấy thường vọng lên từ khoảng sân nhỏ xíu của nhà bên cạnh vào mỗi sớm hoặc khi chiều muộn. Tiếng trẻ con nô đùa, tiếng người lớn xì xầm nói chuyện, chỉ là những chuyện tủn mủn trong nhà, như hôm qua vừa đổi loại gạo mới, ăn vừa khô vừa cứng, dạo này mưa nhiều nên rau đắt hẳn, nhưng bù lại có nhiều loại cá sông rất ngon. Hôm trước mua được mớ cá cấn, cá mại về kho với lá ném ngon thật. Buổi sáng nấu nồi cháo trắng to mà cả nhà ăn sạch. Mùa này cá mương cũng béo lắm, giá mà lát nữa ra chợ gặp được, mua về chiên giòn thì ngon nhức răng. Tiếng nói cười rổn rảng đó, vậy mà khiến ông bà già vui lây.

Sân nhà ông bà già rất rộng, và đầy hoa lá. Hiên nhà có chiếc bàn trà đặt bên dưới gốc lộc vừng. Mùa lộc vừng trổ bông, hoa giăng từng chùm đỏ ối, hương lộc vừng ngọt lịm hòa trong gió trời chạy khắp sân nhà. Ngồi ở đây uống trà vào sớm mai rất thích khi nắng mai xuyên qua tán lá xanh mướt rồi phủ trên bàn màu vàng ươm như ai vừa đánh rơi bình mật. Cả tiếng chim lích chích trên đầu cũng khiến buổi sáng trở nên rộn ràng hẳn. Nhưng ông bà già chỉ thích ngồi ở ô cửa sổ tầng hai. Ở đó tầm nhìn rộng, đủ để nhìn thấy mấy đứa nhỏ hàng xóm chạy chơi bên dưới, trong khi cha mẹ chúng ngồi uống cà phê cùng bà nội và rỉ rả kể về một ngày đã qua và bàn về những ngày sắp đến. Từ ô cửa sổ này, ông bà già cũng có thể thấy ngay bóng dáng con trai, con gái hay mấy đứa cháu khi tụi nó ghé về, đứng trước cửa gọi vào: “Ba ơi, mở cửa”, “Ông ơi, mở cửa”. Tiếng gọi thân thương mà ông bà già muốn được nghe mỗi ngày, nhưng hiếm khi được nghe.

Mình cũng có con cháu đủ cả, mà cũng như không. Ông già lại than vãn câu nói cũ mèm. Thằng Hùng lâu rồi không thấy ghé bà nhỉ? Cả vợ nó nữa. Mấy đứa con cũng bận gì mà thấy vắng hẳn? Vợ chồng con Hoài ở nước ngoài thì không nói, nhưng vợ chồng con Chi, vợ chồng thằng út nữa. Hồi xưa tôi cũng đi làm, cũng đâu có bận tuốt luột như tụi nó. Làm ông này, bà nọ thì được ích gì chứ. Giọng ông già khàn khàn, buồn hiu, tựa như cơn gió vừa vắt ngang ô cửa. Hồi xưa mình khác ông ơi. Giờ tụi nó khác. Mấy đứa cháu không đi làm thì đi học. Tụi nó học đủ thứ. Mà nếu rảnh, tụi nó cũng xách ba lô đi du lịch khắp nơi, mở mang kiến thức, có ở thành phố đâu. Bà già nói khi đang phơi mấy bộ quần áo ra ngoài ban công. Bà không thích có người lạ trong nhà, nên chỉ thuê giúp việc theo giờ đến dọn nhà, chăm sóc cây. Người già ngủ ít, nên ngày như dài ra thêm. Cũng may có chút việc để loay hoay, cũng đỡ buồn tay buồn chân.

Có tiếng gọi cửa í ới. Ông già đặt cuốn sách xuống bàn rồi ngoái đầu nhìn qua ô cửa sổ. Là người giao hàng. Hôm trước con gái gọi điện hỏi thăm. Ông than mệt. Dạo này trời lạnh, cứ ba giờ sáng là ông bắt đầu tỉnh giấc, rồi ho liên miên, mệt không thở nổi. Bà già kéo tay ông ra dấu, bảo đừng than vãn về sức khỏe mà tụi nó lo. Ờ, nếu tụi nó lo, thì ghé về ông nhìn mặt chút xíu cũng được. Chứ suốt ngày nhìn nhau qua màn hình điện thoại lạnh tanh, sao mà thỏa lòng. Nên tiếng gọi cửa trưa nay khiến ông hồ hởi lắm. Lẽ ra, giờ này ông chẳng bao giờ ngồi bên cửa sổ. Chỉ vì ông muốn nhìn thấy con gái, con trai, hay một đứa cháu nào đó của mình ngay khi tụi nó vừa dừng ô tô trước cổng.

Cháu đến giao hàng. Người thanh niên đứng trước cánh cửa sắt màu xanh, đưa cho bà già mấy túi đồ, bên trong đủ loại thuốc bổ, hộp to, hộp nhỏ. Bà già đem vào nhà, nhưng bước chân chậm hẳn, chẳng nhanh nhẹn, vội vàng như lúc bước ra. Con gái gửi thuốc cho ông. Tôi biết tụi nó bận lắm mà. Để bữa nào ngơi việc, tụi nó về thăm. Bà già an ủi ông già, mà cũng là an ủi chính mình. Những cuộc điện thoại vội vã, bà chưa kịp kể chuyện nhà là con cái đã tắt máy vì bận việc. Ông già nhìn đống thuốc bổ chất đầy trên kệ tủ, có loại đặt ở đó đã lâu, chắc đã hết hạn sử dụng, có loại mới mua, còn nguyên nhãn mác. Tôi có cần những thứ này đâu. Tụi nó vục mặt kiếm tiền làm gì. Ông già nhăn nhó. Ơ hay, tụi nó kiếm tiền cho chúng nó xài, con cái chúng ăn học, chứ đâu phải chỉ để mua mỗi thứ này. Mà bao nhiêu người còn phải dựa vào tụi nó để sống nữa đấy. Như thằng Hùng, công ty nó biết bao nhiêu công nhân, còn phải đợi nó chạy đôn chạy đáo kiếm hợp đồng về, mọi người mới có cơm ăn. Mình già rồi, tự tìm niềm vui thôi, ông cứ ngóng tụi nó mãi làm gì cho mệt thân. Bà già nói một tràng với ông già, tựa như thấy hơi mệt nên cũng bỏ về phòng nằm. Bữa cơm trưa vậy là gác đến chiều mới ăn.

Bà già không nói cho ông già biết, mình cũng ngóng các con ghé đến, khi nghe mấy đứa con bảo sẽ tranh thủ ghé về, lúc ông già than mệt. Sáng nay, bà ra chợ gặp được mớ cá sông. Loại cá lụn vụn như cá bầu, cá cấn, cá mại. Vậy là lủi khắp chợ thêm mấy vòng mới mua được nắm lá ném thơm lừng. Mấy đứa con của bà, dù ăn cơm Âu, cơm Á đủ cả, nhưng vẫn ghiền cái thứ cá lụn vụn đó. Bà ngồi suốt buổi sáng, làm sạch mớ cá, kho một nồi thật to. Cứ nghĩ đứa nào ghé về, bà sẽ kêu tụi nó mang về nhà ăn đã ghiền.

Cá kho khô, chắc bà cho hơi nhiều ớt, nên chiều nay, lúc ăn cơm, bà thấy cay xè, nước mắt chỉ muốn ứa ra. Già rồi, đến sức ăn cay cũng giảm. Bà lấy khăn chặm giọt nước mắt vừa ứa ra, nghe gió ngoài trời thổi ràn rạt qua ô cửa. Mấy nay mưa nhiều, ô cửa đã bắt đầu phủ một lớp rêu xanh. Đám rêu xanh mướt, lú nhú, mềm mướt. Lúc sáng, khi ngồi bên ô cửa, bà già thấy mấy cụm rêu mềm mềm, mượt mượt. Lẽ ra, bà đã đưa tay gạt đám rêu ấy đi, nhưng rồi bà vẫn để chúng nằm đấy. Chỉ sợ mấy ngày tới có nắng, đám rêu ấy chắc là héo rũ mất. Bà già nghĩ ngợi khi thấy mấy con chim đậu lên ô cửa. Đôi mắt tròn xoe nhìn bà chờ đợi. Bà vội vã xuống bếp, lấy nắm gạo đặt trên ô cửa có những vết rêu xanh.

LÊ HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top