ClockThứ Sáu, 06/04/2018 18:04

Chuyện của Kiểm & giọt nước mắt của H'Hen Niê

TTH.VN - Hai câu chuyện khác nhau xảy ra cùng ngày trong khuôn khổ các hoạt động thiện nguyện của Cuộc đua xe đạp “Non sông liền một dải” tranh cúp truyền hình TP. Hồ Chí Minh lần thứ 30-2018 tại Huế đã gợi lên nhiều suy nghĩ...

Hoa hậu Hoàn vũ 2018 trao Học bổng đặc biệt cho sinh viên người Pa côCuộc đua xe đạp đạt kỷ lục nhiều chặng nhất thế giới đến HuếPhân luồng giao thông phục vụ đua xe đạp tranh cúp truyền hình TP. Hồ Chí Minh

Từ chối nhận học bổng dù rất nghèo

Tôi gặp Hồ Văn Kiểm - cậu sinh viên năm 2 ĐH Luật người Pa cô (A Lưới) vào sáng 6/4 trước Đại Nội, khi Hoa hậu Hoàn vũ 2018 H’Hen Niê cùng đại diện Tôn Đông Á, Quỹ Giáo dục Huế hiếu học trao học bổng đặc biệt cho học sinh nghèo hiếu học đến tay em.

Thoáng qua, Kiểm cũng chẳng có gì đặc biệt hoặc gây ấn tượng với người đối diện, có chăng là đôi mắt biết cười. Nhưng qua câu chuyện với ông Nguyễn Chí Phước – PGĐ Quỹ Giáo dục Huế hiếu học, thì ra đằng sau đôi mắt biết cười ấy là một tính cách không phải ai cũng có được.

Ở Hồ Văn Kiểm còn là tấm gương về sự sẻ chia 

Ông Phước thân mật bảo, thằng Kiểm nó đặc biệt, nhà nó cực nghèo, anh em nó quanh năm ăn cơm với muối, và nó cũng cực khác người. Có vậy nó mới được nhận học bổng đặc biệt. Nghe qua cứ tưởng ông nói chuyện theo kiểu “làm quà”. Nhưng không, Kiểm đặc biệt đúng theo nghĩa của từ này.

Năm 2016, khi thi vào ĐH Luật, do gia cảnh quá khó khăn, qua giới thiệu, Kiểm viết đơn xin trợ giúp học bổng và gửi đến Quỹ Giáo dục Huế hiếu học và Báo Tuổi trẻ. Xác minh xong hoàn cảnh gia đình, Kiểm có tên trong danh sách nhận học bổng của cả 2 nơi em gửi đơn. Nhưng đến ngày Quỹ Giáo dục Huế hiếu học mời Kiểm nhận học bổng, Kiểm lại từ chối. Lý do là em đã nhận học bổng của Báo Tuổi trẻ trước đó vài ngày. “Thật ra lúc đó Kiểm nhận thêm suất học bổng của Quỹ chúng tôi cũng không có vấn đề gì”, ông Phước bộc bạch.

Đến năm 2017, một lần nữa Kiểm có trong danh sách nhận học bổng của Quỹ Giáo dục Huế hiếu học, dù em không gửi đơn. Và lần này Kiểm tiếp tục từ chối. Không phải Kiểm đã có học bổng từ nơi khác mà nó bảo bữa ni hè con lên rừng hái lá, lượm củi; trong thời gian đi học thì hai anh em con tranh thủ phụ bán cà phê (nhà Kiểm có 8 anh em, hiện em gái Kiểm đang học đại học ở Huế) nên cũng đủ trang trải. Thôi bác cho con xin chuyển phần học bổng đó đến bạn khác. Con biết nhiều bạn có hoàn cảnh cũng khó khăn như con. “Nói xong nó giới thiệu với tôi 1 hơi 5 cái tên trên địa bàn A So (A Lưới)”, ông Phước nói.

Vậy sao lần này Kiểm lại nhận học bổng? “Thật ra Kiểm bị chúng tôi “tiền trảm hậu tấu”. Trước đó, Giám đốc Tập đoàn Tôn Đông Á có nhờ tôi giới thiệu 1 gương mặt hiếu học có hoàn cảnh khó khăn ở Huế để trao học bổng. Tôi nhớ ngay đến Kiểm. Và do chương trình chỉ gói gọn trong thời gian ngắn, từ khâu giới thiệu, chuẩn bị, trao học bổng... nên nó không thể từ chối, vì tôi nói cháu mà từ chối thì “bể” hết chương trình của người ta”, ông Nguyễn Phước Bảo An – GĐ Điều hành Quỹ Giáo dục Huế hiếu học cười cười

Và câu chuyện của Kiểm, không chỉ là lòng tự trọng còn là đức tính sẻ chia, nhường cơm xẻ áo cho dù em đang phải chật vật trang trải cuộc sống, học tập bằng đồng lương ít ỏi từ phụ bán cà phê, lên rừng mót củi, hái lá...

Giọt nước mắt của Hoa hậu Hoàn vũ 2018

Thú thật ngay lúc đó tôi nghĩ cô Hoa hậu Hoàn vũ 2018 H’Hen Niê “diễn”, thậm chí “diễn sâu” khi em tay cầm khăn giấy, liên tục sụt sùi bên cạnh một thành viên nhỏ tuổi của Làng trẻ em SOS Huế sau vài lời hỏi han trong buổi giao lưu, tặng quà chiều 6/4.

H'Hen đã khóc sau khi hỏi thăm một em nhỏ tại Làng trẻ em SOS Huế

Rồi tiếp đó, ở phần đấu giá những sản phẩm do chính tay các em ở Làng trẻ SOS Huế làm ra, tôi cũng nghĩ H’Hen lại “diễn” khi “cũng” đưa tay đấu giá cạnh tranh với các VĐV, HLV đoàn đua xe đạp cùng các nhà tài trợ có mặt lúc đó. Sau một hồi “cạnh tranh” thật sự náo nhiệt, bức tranh “Dòng sữa yêu thương” được ghép từ những hạt đậu từ mức giá khởi điểm 200 ngàn đồng đã được bán khi một đại diện Tôn Đông Á tại Huế chốt giá với mức 24 triệu đồng. Ở cuộc đấu giá này, nhớ không lầm, H’Hen đưa tay lên 2 lần và rồi ngồi yên. Bức tranh được bán và người mua không phải H’Hen nên tôi càng khẳng định em đang “diễn”.

Vật phẩm đấu giá tiếp theo là ngôi nhà được ghép bằng những que kem. Hình như H’Hen cũng đưa tay “cho có lệ”, hoặc không đưa, vì lúc đó tôi mãi băn khoăn làm thế nào để hoàn thành bài phỏng vấn H’Hen mà tôi đã đăng ký.

Vật phẩm đấu giá thứ 3 cũng là phần “chốt” của buổi đấu giá được đưa lên. Đây là dây chuyền ngọc trai của một mạnh thường quân ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) tặng khi em đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2018. Lúc lên giới thiệu vật phẩm của mình, H’Hen không nói về giá trị của dây chuyền, mà phải sau một lúc nghẹn ngào, H’Hen hỏi vọng xuống phía hội trường trong nước mắt: “Em nghe giới thiệu, Làng trẻ em SOS Việt Nam có 17 làng ở các tỉnh, thành khác nhau. Và Làng trẻ em SOS Huế là làng thứ 17. Con số này ít hay nhiều, tốt hay xấu... Tại sao không là con số ít hơn... Tại sao lại có nhiều bà mẹ sinh con lại không nuôi con đến như vậy...”.

Có thể ở độ tuổi của H’Hen, những khúc mắc trong cuộc sống chưa được chứng kiến nhiều nên câu hỏi nghiêng về trách cứ của em chưa thật hoàn toàn đúng. Nhưng ở góc độ tình mẫu tử, câu hỏi đồ rằng “không theo kịch bản” của em đã khiến cả hội trường nín lặng một lúc lâu với không ít gương mặt nước mắt cứ chực trào.

Và tôi đã tin nước mắt của em là thật!

Bài, ảnh: Võ Nhân

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Return to top