1. Năm học mới và câu chuyện quan tâm vẫn là sách. Tất nhiên rồi, niềm vui được cầm những cuốn sách trên tay luôn là những kỷ niệm khó quên của cuộc đời học sinh. Hồi tôi đi học, suốt mấy năm cấp 1 và cả những năm đầu cấp 2 hoàn toàn không có chuyện mua sách mà là mượn sách. Khai giảng xong chúng tôi thường phải học chay vài ngày đã sau đó mới được thư viện của nhà trường cho mượn sách.
Người quản thư của trường tôi là cô Ngô người làng dưới. Cô Ngô ít khi cười, mặt khó đăm đăm và rất quý sách. Lũ học trò nghịch ngợm chúng tôi thường vẫn nói sau lưng cô là cô Bắp. Những ngày đầu năm học, cô Ngô là người quan trọng nhất bởi cô sẽ cho khối lớp nào mượn sách trước, khối lớp nào nhận sách sau. Mà chúng tôi luôn mong có sách để học. Những cuốn sách đã cũ, có cuốn lành lặn có cuốn đã rách, có cuốn đủ trang, cuốn mất trang nhưng với lũ học trò quê chúng tôi, chúng đều là những cuốn sách mới. Nhận sách về lớp rồi, cô giáo chủ nhiệm còn mang về lớp phân cho từng học sinh một, không ai được phân đủ bộ sách cả nên cô giáo phân cho những đứa ở gần nhà nhau đứa giữ cuốn này, đứa giữ cuốn kia để dễ bề mượn qua mượn lại mà học.
Nội dung những cuốn học vần, tập đọc, toán, khoa học, đạo đức... những năm cấp 1 đến nay tôi không còn nhớ nữa. Chỉ nhớ một số bài thơ dễ thuộc kiểu: Mười quả trứng tròn/ Mẹ gà ấp ủ hay Em nuôi một con thỏ/ Bộ lông trắng như bông... Nhưng khi nhận được sách về thì sướng lắm, tối hôm đó ăn cơm xong thắp đèn dầu lên ngay và đọc bài thiệt to gần như cả xóm đều nghe được. Có những bài sách bị thiếu trang thì chạy qua mấy đứa bạn hàng xóm để đổi sách... Những cuốn sách sờn gáy, mờ chữ dần qua những năm học. Có những cuốn sách vẫn còn mới cho đến cuối năm học được cô giáo chủ nhiệm khen, cô Ngô thủ thư tấm tắc. Phần lớn những người được khen là những cô bé học trò...
2. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh thằng bạn hàng xóm chăn trâu của tôi. Buổi sáng đi trên đường về sau khi dự lễ khai giảng, tôi gặp nó ngồi vắt vẻo trên lưng trâu cười thoải mái nói đi học thì mệt lắm, chăn trâu sướng hơn.
Ở làng đi học cho biết chữ rồi bỏ học chăn trâu là chuyện thường. Có đứa còn chưa thuộc mặt chữ, thấy học cũng mệt rứa là bỏ học luôn. Có đứa thì hoang nghịch quá, bị thầy quất cho mấy roi rồi bỏ học luôn. Đứa đi học, đứa đi chăn trâu nhưng chúng tôi vẫn chơi với nhau thân thiết, hòa đồng trong hương đồng cỏ nội... Con đường đến trường của chúng tôi là những con đường đất, có lối mòn ở giữa còn hai bên là cỏ xanh. Có những buổi chiều đi học về gặp bạn đang thả trâu rứa là xếp sách vở qua một bên để chơi đùa. Đến khi mặt trời tắt bóng thì cùng bạn nôm trâu về nhà...
Trò chơi đơn giản nhất của chúng tôi là chơi cùng cỏ. Loài cỏ gà mọc hai bên đường được chúng tôi nhổ từng cọng bông và kết đấu chơi trò đá gà. "Con gà" nào đứt đầu là con đó thua. Chơi đá cỏ gà chán chê rồi thì đào củ của cây cỏ cú phủi sạch đất, bóc lớp vỏ nhai. Cái vị đắng mà thơm của củ cỏ cú chẳng có chi hấp dẫn cả nhưng chẳng hiểu sao chúng tôi lại phải ê cả tay để đào được vài củ rồi cho vô miệng. Rồi có cả những buổi chiều, đám học sinh chúng tôi múa hát trong sân trường thì mấy đứa bạn chăn trâu đứng ngoài hàng rào nhìn vô. Chúng cũng múa hát theo kiểu của chúng mục đích là để chọc ghẹo mấy đứa học trò.
Tôi có nghe kể những tấm gương vừa chăn trâu vừa học giỏi. Nhưng hồi đó ở làng tôi thì hầu như không có những tấm gương như thế. Đã đi chăn trâu thì bỏ học. Những đứa bạn chăn trâu ngày đó không bao giờ có được kỷ niệm mơn man của những buổi tựu trường như bạn bè cùng trang lứa ở quê một thời...