Từ chia sẻ của ông Thịnh, nhiều hộ nuôi cá ở Thủy Phương không còn ngán ngại khi nuôi cá chim
Xuất ngũ, ông Ngô Văn Thịnh quyết định Nam tiến. Sau thời gian bôn ba xứ người, ông trở về quê hương lập nghiệp cùng quyết tâm đưa kinh tế gia đình đi lên bằng chính sức lao động của mình thông qua trồng rừng, hoa màu, nuôi cá nước ngọt với “vốn lận lưng” là ý chí, nghị lực được tôi luyện sau những tháng năm trong quân ngũ.
Thời điểm đó, ông Thịnh là 1 trong số 56 hộ tham gia mô hình nuôi cá nước ngọt, đồng thời, tiên phong trong việc kết hợp vừa nuôi vừa làm dịch vụ cung cấp thức ăn và bao tiêu sản phẩm đầu ra, tạo thành một quy trình liên kết chặt chẽ, giúp người nuôi chủ động từ công đoạn làm hồ, chọn con giống… Chính từ mô hình và kinh nghiệm được ông Thịnh không ngại chia sẻ, hỗ trợ, đã có nhiều hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu với thu nhập riêng từ nuôi cá 100 – 200 triệu đồng/năm.
Để có được thành công này, những đắng cay, khổ nhọc ông Thịnh nếm trải khó có thể kể hết. Thậm chí, do hiểu lầm, có lúc ông Thịnh định buông xuôi, mặc kệ ai làm gì thì làm. “Nhưng rồi nghĩ lại, nếu mới ngang đó mà đã chán nản, buông bỏ thì không xứng đáng là đảng viên, là Bộ đội Cụ Hồ”, ông Thịnh chia sẻ.
Năm 2002, ngoài trồng rừng, hoa màu và chăn nuôi gia súc gia cầm, ông Thịnh quyết định đầu tư nuôi cá nước ngọt. Thay vì thụ động chờ thương lái đến mua, tiếp đó, chờ thị trường thẩm định, ông đi trước một bước bằng cách buôn thẳng cá đến chợ đầu mối và tặng cá cho thương lái cùng nhiều người ăn thử.
Ban đầu, cách làm này khiến nhiều người hoài nghi về tính hiệu quả trong việc tìm đầu ra. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, ông Thịnh đã nhận được phản hồi của những người ông tặng cá, tiếp đó, là phản hồi tích cực từ thị trường. Và đó là động lực đầu tiên để ông Thịnh chú tâm vào đầu tư nuôi cá nước ngọt cho đến hiện tại.
Sau những cố gắng và đóng góp, ông Ngô Văn Thịnh vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Cũng như những người nuôi khác, ông Thịnh phải thường xuyên lặn lội vào Nam ra Bắc để tìm chọn cá giống, thức ăn, học hỏi kinh nghiệm những người đi trước. Tiếp đó, thường xuyên nghe ngóng, theo dõi thị hiếu thị trường để quyết định nuôi loại cá gì hợp lý, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
“Nói thì đơn giản, nhưng chuyện tôi cùng nhiều người nuôi thất bại liên tiếp 2 – 3 năm là bình thường. Quan trọng là phải tìm ra mấu chốt cùng cách giải quyết vấn đề. Nuôi cá không có nghĩa cứ mua cá về cho ăn, đợi lớn đem bán. Ngoài phụ thuộc thị hiếu thị trường, phương thức chăm sóc, tập tính từng loài… thì giá cá giống và thức ăn cho cá quyết định rất lớn đến lời hay lỗ ở mỗi vụ”, ông Thịnh chia sẻ.
Trước đây, người nuôi cá lúc mua thức ăn, cá giống đều phải phụ thuộc vào giá lên xuống của các đại lý. Có năm rẻ, nhưng có năm giá tăng gấp bốn, năm lần, khiến người nuôi lỗ “sặc gạch”.
Sau khi bàn tính, ông Thịnh khởi xướng chung vốn với một số thành viên để mua cá giống, thức ăn trực tiếp từ công ty với số lượng lớn, sau đó bán lại cho các thành viên trong chi hội bằng giá gốc cộng thêm chi phí vận chuyển. Nếu thời điểm đó hội viên chưa có tiền thanh toán, ông Thịnh sẵn sàng “ghi sổ” đợi đến kỳ thu hoạch tính toán sau.
Với cách làm này, bản thân ông và thành viên chi hội nghề cá của ông không còn phụ thuộc giá cả từ các đại lý cũng như yên tâm hơn khi có thể hạn chế lỗ ở mức thấp nhất nếu như năm đó thị trường không còn chuộng loại cá đang nuôi.
Quá trình này cũng không hề đơn giản. Hay nói trắng ra là nhiều người không tin ông Thịnh bán không hề lấy lãi. Sau một, hai lần mua, người thì hỏi số điện thoại, người thông qua nguồn khác để “điều tra” giá cả lúc công ty bán ra. “Mới đầu nghe vậy tôi rất buồn, thậm chí chán nản không muốn làm, nhưng rồi bình tĩnh lại, thì thấy chuyện này cũng hợp lý nên tôi vẫn làm cho đến bây giờ, trên tinh thần miễn sao anh em hội viên được lợi”, ông Thịnh nói.
Ngoài cá giống và thức ăn, ông Thịnh còn được biết đến là người rất am hiểu tập tính các loài cá cũng như sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cùng các hội viên.
Có đợt, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đưa về 5 vạn cá chim giống, tuy nhiên, do khi nuôi chung, cá chim thường ăn thịt các loài cá khác, còn nếu nuôi riêng lại không có lời nên không ai dám nhận, trong khi thị trường đang chuộng loại cá này. Bằng kinh nghiệm của mình, ông Thịnh mạnh dạn “ôm” tất cả số cá trên về chia sẻ với hội viên đi kèm là kinh nghiệm nuôi loại cá này.
“Cá chim khi đói rất hung dữ. Trong khi đó, cá trắm, cá mè… lúc ăn mồi thường đứng yên một nơi, đầu chúi xuống còn đuôi vểnh lên vẫy vẫy khi đào tìm thức ăn, cá chim ngang qua tưởng mồi nên xông vào cắn cụt đuôi, vây, thậm chí ăn thịt. Nhưng một khi cá chim được cho ăn no, đúng giờ thì sẽ không xảy ra chuyện đó”, ông Thịnh không ngại ngần chia sẻ một trong những kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt của mình.
Với những đóng góp của mình, năm 2020, bên cạnh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen “Mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, giúp đỡ hộ nông dân xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động”, ông Ngô Văn Thịnh còn vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ từ mô hình sản xuất, kinh doanh ổn định, tạo nhiều việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh, đồng thời, trở thành nhân tố chủ chốt khi Chi hội nghề cá phường Thuỷ Phương được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng thời điểm.
Ông Võ Trọng Thơi, Chủ tịch Hội Nông dân TX. Hương Thuỷ đánh giá: “Bên cạnh luôn gương mẫu, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm là Bí thư chi bộ, Chi hội trưởng Chi hội nghề nuôi cá nước ngọt phường Thuỷ Phương từ năm 2000 đến nay, ông Thịnh còn được nhiều người đánh giá cao về mô hình nuôi cá, trồng rừng kết hợp cung cấp thức ăn, con giống và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Và quan trọng hơn, đó là tấm lòng vì bà con nông dân khi không ngại sẻ chia, giúp đỡ, góp phần giúp nhiều người nâng thêm thu nhập theo hướng bền vững”.
Bài, ảnh: Hàn Đăng