ClockThứ Sáu, 15/11/2024 13:47

Khởi nghiệp từ nông sản địa phương

TTH - Tự tin, năng động và sáng tạo, cô gái 9X Trần Thị Ngọ để lại dấu ấn tích cực với các sản phẩm khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy nông sản địa phương và mở ra con đường khởi nghiệp bền vững cho phụ nữ nông thôn.

Diễn đàn kết nối trí thức trẻ khởi nghiệpKích cầu nguồn lực, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạoƯơm mầm khởi nghiệp

 Trần Thị Ngọ (trái) giới thiệu sản phẩm tới khách hàng

Tôi gặp Trần Thị Ngọ tại ngày hội Khởi nghiệp Sáng tạo - Techfest vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung năm 2024 tại TP. Huế. Ngọ tạo ấn tượng, thu hút nhiều đại biểu từ các tỉnh, thành đến tham quan gian hàng của mình bằng sự tự tin.

Tò mò với người phụ nữ trẻ năng động này, tôi đã có cơ hội trò chuyện với cô sau đó. Ngọ sinh năm 1990 tại xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền. Cô bắt đầu con đường khởi nghiệp cách đây 5 năm, với mục tiêu tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng phục vụ khách hàng. "Khi dịch bùng phát, nhiều người bắt đầu quan tâm hơn về sức khỏe. Từ đó, tôi quyết tâm xây dựng thương hiệu yến sào nhằm hỗ trợ khách hàng chăm sóc sức khỏe", Ngọ chia sẻ về sản phẩm đầu tay. Tiếp đó, Ngọ tìm tòi học hỏi và cho ra đời sản phẩm son môi handmade dầu dừa Đoan Ngọ và gần đây là cốt ném Hương Nịu.

Khi được hỏi về cách chinh phục thị trường, Ngọ chia sẻ một cách mạch lạc về những thế mạnh của từng sản phẩm. "Để làm ra sản phẩm yến sào, công ty đã hợp tác với các nhà nuôi yến có hơn 10 năm kinh nghiệm, đặc biệt là tại Huế. Nguyên liệu đầu vào được chọn lựa kỹ lưỡng, sản xuất vừa đủ và áp dụng công nghệ sấy để giữ nguyên hương vị. Son môi handmade từ dầu dừa cũng được kiểm định không chứa chì, đảm bảo an toàn. Đặc biệt, cốt ném Hương Nịu là sản phẩm thuần nông mang nhiều giá trị địa phương", Ngọ nói.

Chia sẻ ý tưởng tâm huyết về cốt ném Hương Nịu, Ngọ cho biết, cô chú trọng vào việc tận dụng những tài nguyên sẵn có của Quảng Thái để tạo ra các sản phẩm giàu tính địa phương. Quảng Thái là xã đồng bằng ven phá Tam Giang, nơi có nhiều đặc sản nông sản, đặc biệt là những vườn ném xanh mướt, củ ném to, thơm cay đã tạo nên thương hiệu cho vùng đất này.

Với mong muốn phát triển bền vững nông sản địa phương, Ngọ đã nghiên cứu và điều chế hạt ném hữu cơ thành gia vị hoàn chỉnh cho món kho tộ chuẩn vị Huế, mang đến sự thuận tiện trong chế biến bữa ăn và nâng tầm bữa ăn Việt. Sản phẩm được kết hợp từ ném, gừng, sả, ớt, riềng và đường thốt nốt, được đun đặc bằng nồi áp suất, giúp gia vị đậm đặc và bảo quản lâu dài. Sản phẩm không chỉ giúp tiết kiệm thời gian nấu nướng mà còn giúp người trồng có đầu ra ổn định, tránh tình trạng phụ thuộc vào thương lái.

Dù sản phẩm của Ngọ còn mới trên thị trường, song nhờ sự nhạy bén nên cô đã thành công khi hướng đến đúng đối tượng khách hàng, từ chị em nội trợ đến khách du lịch và những người ăn theo hướng "healthy".

Hiện, Ngọ đang xây dựng nhiều kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử cùng với việc tham gia các hội chợ triển lãm và ký gửi sản phẩm tại các đơn vị phân phối để mở rộng kênh tiêu thụ, tăng doanh thu. Nhờ đó, doanh thu từ sản phẩm của cô đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, không chỉ từ doanh thu trực tiếp mà còn từ các đại lý.

Các sản phẩm của Ngọ từng đoạt nhiều giải trong các cuộc thi khởi nghiệp, gần đây nhất là giải Khuyến khích cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2024. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn nhiều, như việc sản phẩm mới chưa được nhiều người biết đến, chi phí cao đối với nguồn nguyên liệu hữu cơ, cùng với thiếu thiết bị công nghệ hiện đại. Dù vậy, cô vẫn kiên nhẫn, tích lũy vốn, đàm phán để có nguồn nguyên liệu với giá tốt hơn và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động marketing để tiếp cận thị trường.

Ngọ cũng ấp ủ ý tưởng xây dựng xưởng sản xuất khép kín và đẩy mạnh xuất khẩu, với mong muốn cốt ném Hương Nịu trở thành sản phẩm đặc sản chủ lực của tỉnh. Hiện tại, các sản phẩm của Ngọ đã chinh phục thị trường hơn 10 tỉnh, thành trên cả nước, đạt doanh thu 900 triệu đồng mỗi năm và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Trần Thị Ngọ là điển hình về tinh thần khởi nghiệp bằng đam mê và sản phẩm sáng tạo, góp phần nâng cao giá trị của nông sản địa phương, mở ra con đường mới cho phụ nữ nông thôn trong việc tự lực khởi nghiệp. Trên con đường này, dù còn nhiều thách thức, nhưng với quyết tâm và sự sáng tạo, Ngọ chắc chắn sẽ để lại nhiều dấu ấn thành công hơn nữa trong hành trình sắp tới.

Bà Trần Thị Lữ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quảng Thái cho biết: Trần Thị Ngọ là hội viên phụ nữ xuất sắc, luôn sáng tạo trong phát triển kinh tế, từ mô hình khởi nghiệp của mình; tạo việc làm cho gần 10 lao động địa phương. Không những vậy, chị còn tích cực tham gia nhiều hoạt động phong trào hội. Đồng hành cùng chị Ngọ, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tạo điều kiện cho chị vay vốn ưu đãi qua kênh phụ nữ, giới thiệu tham gia các lớp tập huấn, diễn đàn khởi nghiệp các cấp để học hỏi thêm kinh nghiệm.

Bài, ảnh: Hải Thuận
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Diễn đàn kết nối trí thức trẻ khởi nghiệp

Ngày 9/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức diễn đàn "Trí thức trẻ khởi nghiệp" với chủ đề "Nơi hội tụ ý tưởng và cơ hội mới". Hơn 100 đoàn viên thanh niên, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia diễn đàn.

Diễn đàn kết nối trí thức trẻ khởi nghiệp
Kích cầu nguồn lực, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo

Chính sách hỗ trợ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo luôn là đòn bẩy giúp các chủ thể này tạo dựng, hình thành môi trường tốt để sáng tạo ra những ý tưởng mới, sản phẩm mới.

Kích cầu nguồn lực, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo
Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”

Vốn là dân sư phạm nhưng vì đam mê hoa, chị Nguyễn Thị Thanh Lân (Phong Thu, Phong Điền) đã rẽ sang lĩnh vực kinh doanh hoa rồi khởi nghiệp với mô hình mang thương hiệu “Hoa tươi bất tử Cố đô” bước đầu thành công ở quê nhà. Với mô hình này, chị Lân đã tham gia Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Thừa Thiên Huế năm 2024 và được UBND tỉnh tặng bằng khen có sáng kiến ĐMST của thế hệ trẻ.

Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”
Ươm mầm khởi nghiệp

Cùng với chương trình đào tạo kiến thức chuyên ngành, sinh viên Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế (ĐHH) còn được hỗ trợ thực hành, thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp.

Ươm mầm khởi nghiệp
Ươm mầm cho những ý tưởng khởi nghiệp đột phá

Sáng 6/10, Đại học Huế (ĐHH) tổ chức cuộc thi và trao giải chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo ĐHH lần thứ VII, năm 2024” với mong muốn đem lại giá trị thiết thực cho cộng đồng.

Ươm mầm cho những ý tưởng khởi nghiệp đột phá
Return to top