Thu hút khách bằng những pha biểu diễn chuyên nghiệp
Đam mê
Chúng tôi gặp Chánh trong một buổi sáng oi bức, dưới cái nắng đổ lửa, gương mặt của anh vẫn rạng rỡ khi nhắc đến nghề. “Khi đang chờ kết quả thi đại học, mình được người quen giới thiệu vào làm ở nhà hàng. Tiếp xúc với nghề, mình quyết định theo học Trường cao đẳng du lịch Huế. Từ đó, vừa học, vừa đúc kết kinh nghiệm”.
Nhìn chàng thanh niên trẻ trung, ít ai nghĩ Chánh đã có 5 năm kinh nghiệm trong nghề. Khuôn mặt gầy nhưng ánh mắt nhanh nhẹn, Chánh kể: “Buổi tập đầu tiên là ngày rất đáng nhớ, học giữ thăng bằng dụng cụ trên tay. Sau những động tác lặp đi lặp lại, tay sưng phù lên, đến lúc đi học mình không cầm được bút, ăn cơm cũng không dùng được đũa”. Kể là vậy, thế nhưng hôm sau, hôm sau nữa, Chánh vẫn không bỏ buổi tập nào. Sau ba tháng khổ luyện, anh đã tự tin với những bài tập cơ bản.
Cùng chung niềm đam mê như Chánh có Trần Văn Bi, chàng trai trẻ của xã Lộc Bình (Phú Lộc) cũng có những kỷ niệm không thể quên. “Mình không đếm xuể số lượng chai vỡ khi tập luyện. Ngoài ra, những sự cố như bị mảnh chai vỡ văng trúng người, cắt tay là chuyện bình thường. Nhiều lúc múa lửa bị phỏng là điều khó tránh khỏi”, Bi chia sẻ. Vì sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thế nên “đồ nghề” luôn luôn có của Bi và Chánh là bông băng và thuốc sát trùng…
Để có được những động tác khó đòi hỏi phải có quá trình tập luyện lâu dài
Với ngọn lửa đam mê, và nhận thấy đây cũng là một con đường để lập nghiệp, Trần Văn Bi đã giới thiệu cho nhiều người trong họ hàng học theo nghề bartender. Hai người em của Bi ban đầu rất chịu khó và hào hứng, thế nhưng sau đó họ đã bỏ cuộc và nhắc đến điều này, Bi chỉ cười: “Nhiều người vẫn còn định kiến về nghề này. Họ nói đây là nghề dễ hư hỏng, làm trong môi trường không tốt, vả lại lương không cao. Hai người em của mình không đủ kiên trì nên không theo nghề”.
Để làm một bartender chuẩn không hề đơn giản. Ngoài khướu giác, vị giác tinh tế để phân biệt hương liệu, pha chế các loại đồ uống. Sự nhanh nhạy trong việc đáp ứng khẩu vị, thị hiếu của khách hàng cũng là yêu cầu cần thiết. “Ngoài những kỹ năng cơ bản, để trở thành một bartender chuyên nghiệp thì chúng mình cần vốn tiếng Anh rất nhiều, từ chào đón đến phục vụ nhu cầu của khách. Mặt khác, kỹ thuật biểu diễn pha chế cũng giúp mình “ghi điểm” trong các buổi biểu diễn”, Bi cho biết thêm.
Trần Văn Bi từng làm ở Lăng Cô, sau đó do nhu cầu mở mang kiến thức, anh đã đến Phú Quốc để trau dồi vốn nghề. Hiện tại, Bi đang làm bartender tại Hội An. Bi chia sẻ: “Năng khiếu một phần, nhưng quan trọng nhất vẫn là đam mê với nghề. Phải đánh đổi sự thành công bằng máu, mồ hôi, và rất nhiều thời gian tập luyện. Dù học hỏi nghề ở đâu, mình vẫn muốn về Huế để phát triển sự nghiệp”.
Hy vọng
Nhắc đến môi trường làm việc tại Huế, Chánh nói: “Hệ thống bar tại Huế chưa phát triển và yêu cầu nghề bartender chưa nhiều. Hầu hết nhân viên chỉ làm việc pha chế đơn thuần, hiếm khi được biểu diễn, thế nên sự cọ xát nghề chưa cao”. Nhắc đến sự ngộ nhận về nghề này, Nguyễn Thanh Chánh khẳng định: “Môi trường làm việc có thể tác động đến một bartender, nhưng quan trọng nhất vẫn là bản lĩnh của họ. Đối với mình, tình yêu dành cho nghề là quan trọng nhất. Được phục vụ khách bằng tất cả sự đam mê, khách hào hứng và phản hồi tích cực về những thức uống mà mình pha chế, chừng ấy là đủ để cho mình hạnh phúc”.
Chánh và Bi lập trang facebook “Keep The Passion” để chia sẻ những video tập luyện cũng như biểu diễn những ngón nghề khó. “Mình mong muốn mọi người sẽ biết đến nghề này nhiều hơn. Đây là một nghề lương thiện như bao nghề khác và chúng mình đang phấn đấu để mọi người có cái nhìn đúng đắn về bartender”, Bi nói.
Chánh chia sẻ: “Hiện tại mình đang hướng dẫn cho 3 bạn trẻ vào nghề. Mình mong muốn các bạn ấy cũng tìm được việc làm và sống hết mình với sự lựa chọn này”.
Chánh đang tìm cách để được biểu diễn tại phố đi bộ, anh hy vọng việc làm này sẽ quảng bá hình ảnh của những bartender xứ Huế đến với mọi người.
Bài, ảnh: MAI HUẾ