ClockThứ Tư, 17/02/2021 16:06

Cơ hội vươn lên từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

TTH - Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh đang quản lý đã có 86 dự án (DA) với 635 hộ được vay vốn, tổng dư nợ đến nay 21,61 tỷ đồng.

Tăng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân cho các tỉnhHướng tới xã hội hóa Quỹ Hỗ trợ nông dân

Mô hình nuôi lợn ở vùng rú cát Quảng Điền từ vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân

Mỗi hộ lãi 30-40 triệu đồng/năm

Nông dân Lê Văn Tuấn cùng với 6 hội viên, nông dân ở xã Vinh Mỹ (Phú Lộc) được Quỹ HTND tỉnh cho vay 400 triệu đồng triển khai DA nuôi cá lóc đầu nhím từ đầu năm 2020. Ông Tuấn chia sẻ, trong lúc gặp khó khăn tìm nguồn vốn sản xuất thì ông cùng 6 hộ khác được Quỹ HTND cho vay vốn làm ăn. Mỗi hộ được vay gần 60 triệu đồng, tạo cơ hội phát triển kinh tế gia đình. Cá lóc đầu nhím dù khá mới lạ nhưng đã thích nghi, phù hợp với môi trường địa phương, cho thu hoạch sau 6-7 tháng nuôi, bình quân mỗi hộ lãi 30-40 triệu đồng.

Quỹ HTND tỉnh triển khai cho 5 hộ hội viên, nông dân ở thị trấn Sịa (Quảng Điền) vay 500 triệu đồng thực hiện DA nuôi cá chình thương phẩm. Cán bộ Quỹ HTND còn hỗ trợ, giúp các hộ vay sáng kiến nuôi ong ruồi làm thức ăn cho cá, góp phần giảm chi phí thức ăn, tăng thu nhập. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Sịa, ông Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, hầu hết hộ nuôi cá chình ở thị trấn Sịa từ nguồn vốn Quỹ HTND đều mang lại hiệu quả, mỗi hộ lãi trên 30 triệu đồng/vụ.

Ngoài các DA, mô hình trên, Quỹ HTND cũng đã giải ngân cho nhiều hộ vay triển khai nhiều DA chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả. Trong đó kể đến DA trồng cam ở xã Hương Phú (Nam Đông) với 3 hộ vay 200 triệu đồng, giải quyết việc làm, tăng cao thu nhập ổn định cho người dân. DA nuôi cá chình thương phẩm ở xã Vinh Mỹ (Phú Lộc) với 10 hộ vay 500 triệu đồng. DA nuôi cá nước lợ tại xã Vinh Hiền (Phú Lộc) với 10 hộ vay 300 triệu đồng, mỗi hộ đều có thu nhập từ 30-40 triệu đồng/năm từ nuôi cá nước lợ...

Giám đốc Quỹ HTND tỉnh, ông Phan Xuân Nam đánh giá, thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng Quỹ HTND tỉnh có nhiều biện pháp huy động vốn, hỗ trợ tích cực cho các hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, phát triển kinh tế. Hầu hết các DA vay vốn từ Quỹ HTND đều hoạt động có hiệu quả, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Trong đó, tập trung đầu tư tăng đàn gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, sửa chữa chuồng trại, lồng bè thủy sản, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, mua sắm thiết bị máy móc, phát triển ngành nghề...

Thông qua nguồn vốn của Quỹ HTND đã giúp đỡ, định hướng việc thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, tạo điều kiện giúp các thành viên có thêm nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Đến nay, Quỹ HTND đang quản lý 83 DA, trong đó có 1 chi hội, 14 tổ hội, 3 tổ hợp tác được thành lập và hoạt động từ nguồn quỹ này. Một số chi hội, tổ hội hoạt động hiệu quả như tổ hội nuôi cá lóc đầu nhím ở Vinh Mỹ, tổ hội nuôi cá nước lợ ở xã Giang Hải (Phú Lộc), tổ hội nuôi bò ở Thủy Phù, Thủy Phương (TX. Hương Thủy)…

Nhiều hộ xin gia hạn nợ

Ông Trần Lập, Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh cho rằng, dù đạt những kết quả khả quan nhưng quá trình triển khai các DA vẫn gặp những khó khăn nhất định. Do tình hình dịch bệnh, nắng hạn, bão lũ thời gian qua rất khắc nghiệt, một số DA buộc tạm dừng nên việc tiếp tục xây dựng DA mới có phần chậm trễ. Chỉ tiêu phát triển nguồn vốn Quỹ HTND hằng năm chỉ đạt 87,6% so với kế hoạch. Đến nay, TX. Hương Trà vẫn chưa được cấp ngân sách cho Quỹ HTND.

Việc sử dụng vốn của các hộ vay tại một số địa phương chưa thật sự phát huy hiệu quả, tính liên kết sản xuất của DA chưa rõ nét. Một số hộ vay chưa trả nợ đúng hạn, chẳng hạn tại DA chăn nuôi lợn nái ở Phú An (Phú Vang) hiện còn hộ ông Phan Khá nợ 8 triệu đồng; hay DA chăn nuôi bò sinh sản tại Bình Thành (TX. Hương Trà) đến nay còn dư nợ 62 triệu đồng. DA nuôi thủy sản xen ghép tại xã Phú Mỹ (Phú Vang) với 10 hộ nuôi không hiệu quả, đang xin gia hạn nợ...

Để nguồn Quỹ HTND phát huy hiệu quả, các cấp hội nông dân (HND) đang tổ chức vận động, xây dựng Quỹ HTND từ các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các hợp tác xã, chủ trang trại, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, các nhà hảo tâm. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, nguồn ngân sách địa phương bổ sung vào nguồn quỹ. Chỉ tiêu đặt ra những năm đến, Quỹ HTND bình quân mỗi năm tăng 3 tỷ đồng trở lên. Mỗi cán bộ chuyên trách công tác HND có hưởng lương đóng góp 50 ngàn đồng trở lên/năm. Mỗi hội viên nông dân đóng góp tối thiểu 10 ngàn đồng trở lên/năm nhằm bổ sung vào nguồn Quỹ HTND.

Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt trên 31 tỷ đồng. Trong đó, vốn ủy thác từ Trung ương 11,630 tỷ đồng; vốn HND tỉnh quản lý 12,654 tỷ đồng; vốn HND cấp huyện quản lý 6,824 tỷ đồng. HND tỉnh tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm vay vốn, đôn đốc thu hồi nợ gốc, lãi đến hạn, đảm bảo tín chấp cho nông dân vay vốn đạt hiệu quả cao nhất...

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Động lực để người dân vươn lên thoát nghèo

Với cách làm linh hoạt, hiệu quả, sát với tình hình thực tế, huyện Phú Lộc đang đưa các chính sách, mô hình thiết thực đến với hộ nghèo để giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Động lực để người dân vươn lên thoát nghèo
Vốn tín dụng chính sách ưu đãi: Cơ hội thay đổi cuộc đời

Ở thôn An Truyền (xã Phú An, Phú Vang), từ sự quan tâm của chính quyền địa phương và Ngân hàng chính sách xã hội huyện, có nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) tưởng chừng phải bỏ học giữa chừng, được “chắp cánh” bằng vốn vay chính sách, tiếp tục học hành. Những gia đình này còn đồng thời được vay vốn phát triển kinh tế, thay đổi cuộc đời.

Vốn tín dụng chính sách ưu đãi Cơ hội thay đổi cuộc đời
Thoát nghèo, vươn lên làm giàu

Từ một hộ nông dân thuộc diện khó khăn, hộ nghèo, ông Trần Hưng Dũng ở tổ dân phố Giáp Thượng 1, phường Hương Văn (TX. Hương Trà) đã vươn lên ổn định cuộc sống, từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Thoát nghèo, vươn lên làm giàu
Khơi dậy khát vọng vươn lên trên những miền đất khó

Trong mọi hoàn cảnh, cộng đồng Dân tộc thiểu số (DTTS) là bộ phận không thể tách rời quốc gia, dân tộc. Song, đời sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Tại Thừa Thiên Huế, sau Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ III (năm 2019), các chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) được đề ra đã trực tiếp quan tâm đến đồng bào DTTS. Vậy, sự chuyển biến đó đến nay như thế nào? Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với Trưởng ban Dân tộc tỉnh, ông Hồ Xuân Trăng.

Khơi dậy khát vọng vươn lên trên những miền đất khó
Return to top