ClockThứ Ba, 05/01/2021 10:54

Con gái Huế thời hiện đại

TTH - Hôm nay là ngày dạm hỏi của cô em họ tôi. Cả họ ai cũng vui mừng, háo hức đợi ngày được ăn “bánh kẹo”. Ba tôi thấy vậy liền nhắc khéo: “Tra rồi đó con gái nghe!”. Tôi chỉ cười! …

Chăm con như đàn bà HuếĐẹp như cô gái Huế!

Ba tôi không còn trẻ, ông thuộc lớp người xưa cũ. Ở cái tuổi 75, ông chỉ muốn con gái được yên bề gia thất, được bế đứa cháu ngoại, ngày ngày cùng cháu dạo khắp xóm để an yên cái tuổi già. Ba tôi rất yêu trẻ con, cũng chính vì thế mà ông muốn tôi sớm lập gia đình.

Mỗi lần về quê, câu hỏi đầu tiên tôi nhận được từ họ hàng là “Khi nào lấy chồng?”, tôi trả lời vài câu bông đùa: “Không ai chịu lấy con cả” thế là lại nhận được nhiều lời trách: “Đừng có mà kén chọn quá kẻo lại ở giá cả đời đấy. Tầm tuổi mày hồi xưa, người ta đã hai nách hai con cả rồi”. Tôi chỉ cười cho qua chuyện.

Nhưng đó chỉ là suy nghĩ của những người lớn tuổi thôi, còn đối với lứa tuổi của tôi bây giờ, chẳng ai có suy nghĩ sẽ lập gia đình sớm cả. Tôi có chơi với một vài đứa bạn trạc tuổi, mỗi khi nhắc đến chuyện lấy chồng, chúng nó đều nhăn mặt, bĩu môi: “Lấy chồng gì tầm này, đợi khi nào kinh tế ổn định, lúc đó hẵng tính”.

Quả thực mà nói, việc lấy chồng đối với tôi vẫn còn là một điều gì đó xa xỉ. Vào thời gian rảnh rỗi, tôi thường lướt một vòng ở các trang mạng xã hội, gia nhập vào một vài hội nhóm của các chị em phụ nữ, các mẹ “bỉm sữa” để nghe và tìm hiểu về những câu chuyện của họ. Tôi nhận ra rằng, vấn đề lớn nhất khiến một cuộc hôn nhân đổ vỡ khi kết hôn sớm là vì kinh tế không ổn định. Nào là tiền nhà, tiền ăn uống, tiền bỉm sữa, tiền học cho con… và hàng trăm vấn đề khác nảy sinh mà chúng ta không thể lường trước được.

Đó là còn chưa bàn đến việc chồng có yêu thương mình không, gia đình nhà chồng có tốt không, đối xử với mình như thế nào… Tất nhiên vẫn có một số ít người cưới chồng sớm nhưng lại rất hạnh phúc. Nhưng cũng không ít cặp đôi tan vỡ bởi những lý do không mong muốn. Tôi nhớ có một câu hát rằng: “Lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn…”. Ngẫm mà thấy đúng thật!

Cuộc sống hôn nhân chẳng phải màu hồng. Nó là một thế giới đa màu sắc, việc của chúng ra là phải biết phối màu để những gam màu ảm đạm trở nên tươi sáng. Mà muốn tươi sáng thì phải có “chất xúc tác”. Chất xúc tác ở đây có thể là tình yêu, là hạnh phúc, là kinh nghiệm sống, là tài chính vững vàng… Nếu tự tin mình có đủ “chất xúc tác”, thì hôn nhân là việc dễ dàng.

Vậy nên phương châm của tôi là: “Không lấy chồng sớm”, bởi tôi cảm nhận được rằng, có quá nhiều yếu tố khiến mình chưa sẵn sàng cho một cuộc hôn nhân. Phần là vì tôi thấy mình còn quá trẻ con, chưa trải đời, chưa thực sự hiểu và thích nghi với cuộc sống hôn nhân. Phần là vì kinh tế tôi vẫn còn chưa ổn định. Hơn tất thảy, tôi là người sống theo xu hướng hiện đại, thích tự do, bay nhảy, thích đi đây đó, không ràng buộc. Vả lại, hôn nhân là kết quả của một quá trình tìm hiểu lâu dài. Bởi vậy, không cần phải vội.

Con gái Huế bây giờ khác với con gái Huế ngày xưa lắm, bởi họ tiếp xúc với môi trường hiện đại, họ đọc nhiều, xem nhiều và biết nhiều hơn về cuộc sống, về xã hội. Họ có nhiều ước mơ, nhiều hoài bão lớn lao hơn là việc lập gia đình và gò bó trong một cuộc hôn nhân đầy ngột ngạt. Họ đủ hiểu biết, đủ kinh nghiệm để khiến bản thân mình trở nên hạnh phúc. Họ biết khi nào nên và khi nào là chưa phải lúc. Chậm một chút cũng được nhưng mà chắc, đó mới là suy nghĩ hiện đại, là phương châm của con gái Huế thời 4.0.

CHÂU THÁI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Return to top