ClockThứ Tư, 15/01/2020 08:26

Còn là vì sự phát triển của Huế…

TTH - Sự kiện Countdowns 2020 mới rồi, khi thấy có nhiều ý kiến phản ứng, bạn tôi, nhà báo Minh Tự, đã không thể nén lòng kêu gọi trên trang FB cá nhân: “Muốn làm Thành phố Festival - TP lễ hội thì người Huế phải là con người lễ hội. Phải vui vẻ say sưa hết mình với hội hè... Hãy mở lòng và mở cả cái đầu để đón chào văn minh nhân loại. Huế luôn mới! - ấy là mới cái đầu, và mới cả cái bụng nữa đó, hỡi công dân nước Huế!”. Mà đâu chỉ có mỗi Countdowns…

Phải mới để đón nhận cái mới

Giải quyết được vấn đề âm thanh, du khách có thể vừa thưởng ngoạn cảnh đẹp, vừa nghe nhạc thính phòng trên tàu Nam Xuân

Cuộc gặp mặt tại một đơn vị vào dịp cuối năm, tôi vô tình được xếp chung bàn với một số văn nhân, nhà báo, nhà nghiên cứu thuộc hàng tên tuổi. Chuyện trò xoay quanh việc xây dựng đô thị di sản, một vị bỗng mở điện thoại, trưng hình ảnh những con thuyền du lịch của Công ty Đông Á. Với vẻ không mấy hài lòng, vị này bảo họ muốn “Nhật hóa” sông Hương, rõ ràng đây là mẫu thuyền Nhật Bản… Một vài người xung quanh cũng gật gật ra ý đồng tình.

Trong một bài viết của mình trước đây, chúng tôi đã có đề cập đến chuyện những con thuyền du lịch trên sông Hương. Những chiếc “thuyền rồng” sơn vẽ lâu nay vẫn thấy sau vài chục năm miệt mài hoạt động, nay xem chừng không còn đủ sức để đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao của du lịch. Dáng vẻ cho đến thiết kế nội thất của chúng không tương xứng với sự thanh tao trang nhã của dòng Hương. Còn tiếng ồn của động cơ là một nhược điểm “chết người” cố hữu.

Rất nhiều mong mỏi từ các nhà lãnh đạo, quản lý lẫn cả những người dân bình thường về một ngày đẹp trời nào đó, Huế sẽ có những con thuyền du lịch tương xứng để đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn vẻ đẹp mê hồn của dòng sông báu vật xứ Thần kinh cho du khách, thậm chí, nếu đủ điều kiện để khôi phục lại cái thú “ngủ đò” cho khách trải nghiệm thì vô cùng thú vị…

Và rồi, cái ngày đẹp trời ấy cũng đến vào khoảng cuối năm 2018 khi Đông Á hạ thủy con thuyền du lịch đầu tiên với cái tên nghe rất gợi nhớ: Nam Xuân. Đó là một con thuyền dài 17m, rộng gần 5m, đảm bảo an toàn đường thủy… Khoang chính là một phòng ăn sang trọng có thể tiếp một lúc 12 khách, có máy lạnh với hệ thống cửa kính trong suốt để khách có thể vừa du thuyền vừa ngắm mưa Huế trên sông Hương; những ngày nắng đẹp thì có thể bung hết cửa để tận hưởng gió sông lồng lộng. Liền kề phía sau là phòng bếp, khu vệ sinh. Sân trước mũi thuyền bài trí một bàn nhỏ lộ thiên để thưởng trà, ngắm trăng về đêm. Về tiếng ồn của máy cũng được Nam Xuân giải quyết khá ổn. Đến mức thuyền vừa chạy, khách vừa có thể thưởng thức âm nhạc thính phòng mà không cần đến cả hệ thống phóng thanh…

Đại sứ Hàn Quốc và Chủ tịch UBND tỉnh là những vị khách đầu tiên, tiếp đó là nhiều người khác, trong đó có cả một số nhà báo có tiếng gai góc trong phản biện. Thế nhưng ai cũng đều cảm thấy hài lòng. Thành quả khởi đầu đó như một sự khích lệ để Đông Á đầu tư thêm 2 du thuyền nữa (1 chiếc 12 chỗ, 1 chiếc 24 chỗ) đưa vào phục vụ; một chiếc khác 30 chỗ cũng đang được tiếp tục đóng mới để chuẩn bị góp mặt…

Cũng ngay từ 2018, đã từng có ý kiến lo nào là Trung, là Hàn, và bây giờ là “Nhật hóa” sông Hương (?). Tuy nhiên, có vẻ như tất cả chỉ là cảm quan, còn cái gì chứng minh đó là đặc trưng của thuyền Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thì chưa thấy ai viện dẫn.

Chủ doanh nghiệp Đông Á từng trải lòng, họ đã lường trước "sự khó tính của Huế", cho nên đã phải chuẩn bị rất kỹ, tìm hiểu rất kỹ, tham khảo ý kiến của nhiều nhà chuyên môn, tiếp thu hợp lý yếu tố thuyền cung đình truyền thống trước khi bỏ cả đống tiền để đầu tư. “Đồng tiền đi liền khúc ruột”, không ai dại mà làm bừa. Và cho thật công tâm mà đánh giá, những chiếc thuyền của Đông Á nó an toàn, lịch sự, tiện nghi và trang nhã hơn rất nhiều so với những chiếc thuyền rồng ốp tôn, sơn màu sặc sỡ hoạt động lâu nay (trộm nghĩ, loại thuyền ấy hẳn không có trong danh mục thuyền cung đình ngày xưa, nhưng có lẽ nhìn lâu quen mắt nên chưa thấy ai phàn nàn, phê phán là tùy tiện mẫu mã…). Chưa kể nếu so với những chiếc sà lan nặng nề, thô kệch vẫn ngược xuôi sông Hương để “ăn” cát, những du thuyền của Đông Á lại càng rất đáng được ủng hộ, ghi nhận vì trong mắt của không ít người nó đã góp phần làm sang trọng thêm cho dòng Hương.

Ở một góc độ khác, thiết nghĩ cũng cần sòng phẳng với nhau rằng những con thuyền của Đông Á là những con thuyền làm dịch vụ chứ không phải công năng bảo tồn, cho nên có quá khắc nghiệt và vô lý nếu buộc chúng phải như “nguyên mẫu” ngày xưa. An toàn, trang nhã, đáp ứng nhu cầu du lịch và không quá choãi với cảnh quan sông Hương là có thể chấp nhận. Chấp nhận không chỉ bởi sự làm ăn của doanh nghiệp mà còn là vì sự phát triển của Huế. Cũng xin thông tin để bạn đọc nắm thêm, mới đây, Nam Bình - một trong số 3 thuyền du lịch của Đông Á đang hoạt động trên sông Hương đã được Desigboom - một tạp chí kiến trúc có uy tín từ hơn 20 năm qua - đánh giá cao, cho rằng nó xứng tầm là con tàu “cung cấp trải nghiệm văn hóa Việt Nam” cho du khách.

Chuyện những con thuyền du lịch Đông Á bất chợt cũng khiến chúng tôi nhớ lại những ồn ào trước đây khi khởi động xây dựng bảo tàng thêu XQ trên đường Lê Lợi, hay dự án đường gỗ lim dọc bờ nam sông Hương. Nay thì cả 2 công trình trên đã xong và đi vào hoạt động. Quả thật, dù có cực đoan đến mấy thì cũng phải thừa nhận là nó khiến cho những vị trí trên tốt hơn, đẹp hơn rất nhiều so với trước, nó làm cho một góc của thành phố sáng lên và sinh động hẳn lên. Cũng vui vui là người ta quan sát thấy, có những người hôm qua còn phê phán, “chửi bới” rùm beng, nay cũng đến “checkin” hoặc dẫn bạn bè, người thân đến “seo phì”, ngắm cảnh…

Bài, ảnh: Diên Thống

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh (15/12/1964 - 15/12/2024)
Tự hào truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân.

Tự hào truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển
Return to top